Tiến bộ công nghệ trong hai thập kỷ qua chắc chắn đã giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều. Internet là một cuộc cách mạng trong cách chúng ta tương tác với thế giới, điện thoại di động đã tạo ra bước tiến lớn trong lịch sử công nghệ và các tiện ích cũng như thiết bị khác vẫn liên tục được cải thiện toàn diện về hiệu suất và tính năng.
Nhưng có một số lĩnh vực và khía cạnh nhất định của công nghệ vẫn chưa được cải thiện nhiều so với 20 năm trước. Một số vấn đề cơ bản mà chúng ta từng phải đối mặt 2 thập kỷ trước ít nhiều vẫn không thay đổi ngay cả vào năm 2024, thậm chí có thể còn tệ hơn.
1. Thời lượng pin trên thiết bị di động
Chúng ta đã thấy nhiều tiến bộ ở smartphone và laptop, như hiệu suất, màn hình, chất lượng camera, kiểu dáng, nhưng một lĩnh vực khá quan trọng dường như vẫn đang bị các cải tiến trên bỏ xa, đó chính là pin. Thời lượng pin trên điện thoại và laptop từng đủ dài trong những ngày đầu, khi chúng chưa có vô vàn tính năng và phục vụ đủ mọi thứ. Tuy nhiên, khi công nghệ nhanh chóng len lỏi và mọi ngóc ngách cuộc sống và nhu cầu năng lượng tăng theo cấp số nhân, pin không thể theo kịp.
Kích thước viên pin đúng là đã tăng lên, tuổi thọ cũng tốt hơn nhưng thậm chí trong một số trường hợp tốt nhất, chiếc smartphone hoặc laptop cao cấp chỉ có thể hoạt động được một ngày rưỡi khi sử dụng nhiều. Khi nào chúng ta mới có được pin có thời lượng pin kéo dài cả tuần? Đâu là loại pin không cần thay thế sau vài năm?
Chúng ta liên tục nghe nói về nhiều công nghệ pin mới tiên tiến hơn, nhưng gần như thời lượng sử dụng của các thiết bị công nghệ quan trọng ngày nay vẫn không thay đổi gì trong nhiều năm qua mà ngược lại, còn thấp hơn ngày xưa rất nhiều.
2. Dữ liệu di động và Wi-Fi
Internet dĩ nhiên là một trong những phát minh quan trọng nhất mọi thời đại, nhưng độ tin cậy của Internet vẫn khiến chúng ta thất vọng. Internet di động về cơ bản chỉ là một mánh lới quảng cáo trong những ngày đầu của kết nối EDGE hoặc 2G, nhưng với Internet 3G, 4G và 5G, kết nối di động đã đi được một chặng đường dài.
Mặc dù vậy, cho đến ngày nay, chúng ta nhiều khi vẫn rơi vào tình trạng không có kết nối Internet ở nhiều khu vực. Đôi khi bạn gặp khó khăn khi thực hiện tìm kiếm trên Google hoặc gửi tin nhắn Zalo, Messenger. Tất nhiên việc đưa Internet chất lượng tốt đến những vùng xa xôi là có nhiều thách thức, nhưng ngay cả trong thành phố lớn, kết nối đôi khi cũng không ổn định. Nói đến Wi-Fi, chắc chắn rằng không ít trong chúng ta cũng đã gặp phải tình trạng kết nối kém ngay cả khi điện thoại thông báo "đã kết nối".
Cho dù đó là tắc nghẽn mạng, sự cố phần cứng hay vấn đề từ nhà cung cấp dịch vụ, chúng ta vẫn đang gặp khó khăn khi truy cập Internet ít nhất một vài lần mỗi năm.
3. Quảng cáo bủa vây
Quảng cáo là một thực tế không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Chúng xuất hiện trên đường phố, trên TV, tờ rơi và sau đó là trực tiếp trên PC và smartphone mà ta dùng hàng ngày. Bạn có thể tìm cách thoát khỏi quảng cáo trên TV nhờ các dịch vụ phát trực tuyến trả phí, nhưng còn quảng cáo trực tuyến trên máy tính và smartphone thì sao? Quảng cáo có ở khắp mọi nơi — trên YouTube, trên trình duyệt internet, bên trong ứng dụng, được nhúng trong hệ điều hành và thậm chí trên màn hình khóa.
Với việc Microsoft đang tìm ra những cách mới để đưa quảng cáo vào Windows và các dịch vụ dự tính quảng cáo trong nội dung phát, thì các công cụ chặn quảng cáo dần mất đi khả năng của chúng. Việc xem quảng cáo để ủng hộ nội dung miễn phí vẫn có thể hiểu được, nhưng nếu phải chịu đựng chúng trên các phần mềm hay ứng dụng mà bạn đã trả tiền thì thật vô lý. Và công nghệ càng phát triển thì các công ty càng dễ dàng có thêm nhiều cách để đưa quảng cáo đến với người dùng.
4. Phần cứng ‘overheat’
Khi các nhà sản xuất cố gắng nhồi nhét ngày càng nhiều hiệu suất vào thiết bị mà không thay đổi về không gian bên trong hay thậm chí còn ráng thu nhỏ mọi thứ, thì các thành phần bên trong chắc chắn sẽ phải chật vật để hoạt động. Tuy nhiên, các công ty phải thử nghiệm khả năng chịu nhiệt trước khi phát hành ra thị trường, phải không? Trên lý thuyết là vậy, nhưng hóa ra, điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Cho dù đó là smartphone hàng đầu hay phần cứng PC cao cấp, không gì có thể tránh khỏi hiện tượng overheat (quá nhiệt) - tình trạng quá nóng đến mức khiến phần cứng không thể hoạt động như mong đợi.
Các phần cứng PC như CPU và GPU, cũng là những thứ dễ bị overheat. Core i9-14900K bị nhiều người dùng phàn nàn là gặp phải sự cố tỏa nhiệt, ngay cả khi kết hợp với hệ thống làm mát cao cấp. Ryzen 7 5800X cũng chạy ở nhiệt độ cao bất thường. Phần cứng cao cấp không nên gặp phải những vấn đề như vậy. Những nút thắt này cần được giải quyết từ lâu trước khi sản phẩm được đưa lên kệ nhưng thực tế rõ ràng không phải như vậy.
5. Màn hình xanh chết chóc
Có lẽ mọi người dùng PC đều quen thuộc với các ứng dụng hoặc toàn bộ hệ điều hành thỉnh thoảng bị lỗi. Người dùng có thể bất ngờ bị đưa về màn hình chính khi đang sử dụng máy, hoặc được "chào đón" bằng màn hình xanh chết chóc (BSOD) với một mã lỗi nào đó. Tình trạng này đã có từ lâu và hầu như không thay đổi kể từ khi chúng trở nên phổ biến khoảng 20 năm trước.
Các lỗi này đến ngày nay vẫn khiến chúng ta bối rối như xưa về lý do chúng xảy ra và ta thường chỉ khởi động lại máy tính và hy vọng sẽ không gặp phải sự cố nữa. Phần cứng PC có thể đã trở nên tiên tiến hơn, nhưng nó không tránh khỏi những lỗi nghiêm trọng thường xuyên xảy ra.
6. Khả năng sửa chữa
Việc sửa chữa các thiết bị khi chưa bao giờ là trải nghiệm dễ chịu. Ngày nay, người dùng nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình. Nhưng như vậy cũng không thay đổi nhiều về khả năng sửa chữa của thiết bị. Ngay cả ngày nay, ngoài một số thương hiệu hiếm hoi, bạn không thể mong đợi nhiều khả năng sửa chữa đơn giản hoặc tự sửa chữa cho thiết bị của mình. Và bất cứ thứ gì có thể sửa chữa được thường có giá quá cao. Tuy nhiên, Châu Âu đang cố gắng thay đổi điều này và hy vọng người dùng sẽ được hưởng lợi từ đó.
7.Tiêu chuẩn cáp
USB ban đầu được dự định trở thành tiêu chuẩn để kết nối các thiết bị với máy tính và nó đã giúp ích ở một mức độ nào đó, nhưng sau đó hàng loạt thiết bị lại có các cách kết nối khác nhau cho những tính năng khác nhau. USB-C sau đó được giới thiệu để thống nhất việc truyền tải năng lượng, phân phối dữ liệu, hiển thị và kết nối âm thanh.
Tuy nhiên, điều này đã tạo ra một mớ hỗn độn mới về các tiêu chuẩn sạc nhanh và tốc độ dữ liệu USB. Ngày nay, số lượng tiêu chuẩn USB-C khác nhau đã tạo ra nhiều bối rối cho người dùng. Bạn có thể sạc hầu hết điện thoại và laptop bất kỳ cáp USB-C nào, nhưng tốc độ sạc sẽ phụ thuộc vào xếp hạng, chất lượng và độ dài của cáp.
Ngay cả bộ sạc nhanh USB Power Delivery (PD) cũng chưa đủ để mang đến sự tương đồng, bạn thường cần hỗ trợ PD PPS (Bộ nguồn có thể lập trình) để có tốc độ tối đa. Việc tìm ra sự khác biệt giữa USB 3.0, USB 3.1 Gen 1, USB 3.1 Gen 2, USB 3.2 Gen 2, USB 3.2 Gen 1x1, USB 3.2 Gen 1×2 và USB 3.2 Gen 2×2 đã trở thành vấn đề đau đầu.
Tiến bộ công nghệ trong hai thập kỷ qua đã thay đổi cuộc sống của chúng ta theo cách mà người dùng ở những năm 2000 sẽ không thể tin được. Nhưng cùng với đó thì nhiều vấn đề vẫn tồn tại, có khi sau gần 20 năm theo cách này hay cách khác. Có lẽ, một ngày nào đó, chúng ta sẽ có được loại pin mang tính cách mạng có thể sử dụng trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm mà không cần sạc, có thể sửa chữa thiết bị dễ dàng hơn, nhưng hiện tại, chúng ta vẫn phải sống chung các vấn đề này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn