Lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện hỗ trợ với mục đích chiếm đoạt thông tin và tài sản của khách hàng.
Trước tình trạng này, các ngân hàng đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn gọi lừa đảo hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cho bất kỳ ai qua điện thoại, không nhấn vào đường link lạ hay tải các ứng dụng hỗ trợ xác thực sinh trắc học,... Cùng Sforum tìm hiểu thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để tránh nguy cơ bị đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.
Mục lụcẨnTheo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, nhiều loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân sẽ phải xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt (Facepay). Cụ thể, xác thực bằng sinh trắc học được áp dụng cho các giao dịch sau: Kích hoạt lần đầu dịch vụ ngân hàng số hoặc đổi thiết bị sử dụng; giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng giao dịch; giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; giao dịch thanh toán trên 100 triệu đồng; các giao dịch chuyển tiền nước ngoài, yêu cầu mua bán ngoại tệ (không phân biệt giá trị giao dịch).
Và để thực hiện các giao dịch trên, cần phải xác thực khuôn mặt khi giao dịch. Trước đó, khách hàng cần đăng ký dữ liệu sinh trắc học với ngân hàng. Theo hướng dẫn từ các ngân hàng, khách hàng có thể chủ động thực hiện xác thực sinh trắc học trên smartphone với ba bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; Quét NFC trên CCCD gắn chip; Quét gương mặt và xác thực OTP.
Đa số quá trình này diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh tình trạng gặp khó khăn trong việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, phần lớn là ở khâu quét NFC trên căn cước công dân.
Hiện nay, rất nhiều đối tượng lừa đảo đã liên hệ khách hàng qua các hình thức như gọi điện, nhắn tin, Zalo, Facebook để hướng dẫn cách xác thực sinh trắc học. Bằng cách đó, chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Không chỉ vậy, đối tượng lừa đảo còn có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều đối tượng lừa đảo còn đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ xác nhận sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi khách hàng nhấn vào đường link này, bọn chúng sẽ lấy được thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Hoặc sử dụng thông tin khách hàng cho các mục đích xấu.
Cụ thể, anh Nguyễn Đăng Đức ở Thủ Đức, HCM cho biết, anh có chia sẻ trên mạng xã hội về việc khó xác thực sinh trắc học. Ngay sau đó, có đầu số lạ gọi điện đến cho anh, tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Người đó yêu cầu anh cung cấp căn cước công dân, mã pin để xác thực sinh trắc học chỉ trong 5 phút. Anh Đức nghi ngờ lừa đảo nên đã từ chối. Sau đó, anh trực tiếp ra ngân hàng để xác thực và chỉ mất vài phút để hoàn thành.
Chị Hồng Nhung ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự. Vài ngày gần gây, chị liên tục nhận được cuộc gọi từ các đầu số lạ, hỏi đã xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng chưa. Đối tượng này còn yêu cầu chị Hồng Nhung xác thực sớm theo yêu cầu quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, đối tượng bên đầu số lạ còn liên tục nhắc chị phải hoàn thành trước ngày 1/7 nếu không sẽ bị khoá tài khoản và không thể giao dịch. Bên cạnh đó, người lạ còn yêu cầu kết bạn Zalo, chụp ảnh căn cước công dân để hỗ trợ xác thực online. Tuy nhiên, chị Nhung đã nghi ngờ nên tắt máy và tự ra ngân hàng xác thực sinh trắc học.
Theo thông tin từ các ngân hàng, đối tượng lừa đảo thường liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook,… để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Các đối tượng còn trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng. Chúng đề nghị khách hàng liên hệ riêng nhằm dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin ngân hàng của khách hàng.
Sau khi lấy được thông tin của khách, các đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Bên cạnh đó, chúng còn có thể sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu khác.
Trước thực trạng này, hàng loạt ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, TPBank, Eximbank, VPBank, Techcombank, Agribank đã gửi cảnh báo đến với người dùng về việc các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc học.
Các ngân hàng còn nhấn mạnh rằng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Vì thế, khách hàng cần hết sức cảnh giác với những cuộc gọi mạo danh này. Khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.
Các ngân hàng đưa ra khuyến cáo, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng. Tuyệt đối không xác thực sinh trắc học qua bất kỳ trang web, hay tải và sử dụng các ứng dụng nào khác để tránh rủi ro lừa đảo. Hoặc khách hàng có thể đến các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
Công an TP.HCM đưa ra cảnh báo và khuyến cáo người dân không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Bởi đây có thể là các đối tượng lừa đảo mạo danh ngân viên ngân hàng để chiếm đoạt thông tin và tài sản của người dân. Công an còn cho biết, ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Chính vì thế, để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin, người dân tuyệt đối cảnh giác, không truy cập vào các đường link lạ trên Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn