Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại rừng

Thứ năm - 30/09/2021 10:53
Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước,chiếm 73,4%. Với nguồn thực vật đa dạng, phong phú đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, du lịch sinh thái của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, tội phạm vi phạm pháp luật về rừng, xâm hại rừng diễn biến khá phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trên địa bàn.
Công an huyện Chợ Mới phối hợp điều tra làm rõ vụ hụy hoại rừng tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới
Công an huyện Chợ Mới phối hợp điều tra làm rõ vụ hụy hoại rừng tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới


Theo kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bắc Kạn hiện có tổng diện tích đất có rừng là 369 nghìn 784,67 ha, trong đó rừng tự nhiên 279 nghìn 013,23 ha, rừng trồng 90 nghìn 771,44 ha tập trung ở yếu ở Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Những khu vực bảo tồn này đều có hệ sinh thái vô cùng phong phú, nhiều loài thực vật bậc cao,  gỗ quý hiếm như nghiến, trai… Sự đa dạng sinh học ấy khiến các khu rừng đặc dụng luôn phải đối mặt với tình trạng khai thác trái phép cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Mạc dù những năm gần đây các cơ quan chức năng luôn tuyên truyền, cảnh báo nhưng tình trạng khai phá, hủy hoại rừng tự nhiên vẫn diễn biến phức tạp, tăng nhanh.
Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng kiểm lâm đã tuần tra phát hiện, xử lý 622 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tịch thu hơn 1 nghìn m3 gỗ các loại trong đó gỗ quý hiếm 19,557m3, thu nộp ngân sách nhà nước gần 4,1 tỷ đồng. Công an toàn tỉnh đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Viện kiểm sát nhân dân tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ 10 vụ xâm hại về rừng, trong đó 04 vụ hủy hoại rừng, 06 vụ vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản. Khởi tố 10 vụ án với 18 bị can về hành vi “Huỷ hoại rừng”. Nhiều vụ việc khai thác, hủy hại rừng gây nên hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, hệ sinh thái và kinh tế dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Điển hình, cuối tháng 1/2021, Công an huyện Na Rì đã phối hợp với lực lượng Kiểm lâm điều tra làm rõ vụ việc hơn 8.500m2 rừng tự nhiên sản xuất, trạng thái rừng hỗn giao gỗ nứa tại khu vực rừng Khuổi Phấy thuộc thôn Khuổi Nộc, Lương Thượng, Na Rì bị phát phá làm thiệt hại 81 cây gỗ tự nhiên loại thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII có khối lượng 25,852m3 và 12 khóm nứa gồm 1000 cây có đường kính từ 01cm đến 02cm. Đây là khu rừng thuộc sự quản lý của ông Dương Văn Sơn, thôn Khuổi Nộc, Lương Thượng, Na Rì. Thủ phạm của vụ phát phá rừng chính là Dương Thị Phanh, sinh năm 1989, trú tại Lương Thượng, Na Rì là con gái ông Sơn. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì đã khởi tố vụ án,  khởi tố bị can đối với Dương Thị Phanh về tội Hủy hoại rừng.

Trước đó, tháng 7/2020, huyện Ngân Sơn phát hiện tại rừng tự nhiên giáp ranh giữa hai xã Ðức Vân và Thượng Quan nhiều đối tượng đã ngang nhiên mở đường vào phá rừng, lấy gỗ. Qua khám nghiệm hiện trường, Công an tỉnh Bắc Kạn xác định, tuyến đường mở trái phép có chiều dài hơn 2,4 km, rộng 3m. Tổng diện tích đất rừng bị tác động hơn 8.889 m2. Hai bên đường có 561 gốc cây bị chặt hạ; tại hiện trường còn 1.468 khúc gỗ với tổng khối lượng hơn 157 m3. Diện tích rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất bị hủy hoại lên tới hơn 6.438 m2 và khối lượng lâm sản bị khai thác trái phép hơn 173 m3.

Từ thực tế các vụ án xâm hại về rừng cho thấy, nguyên nhân rừng bị xâm hại chủ yếu là do nhận thức pháp luật về công tác bảo vệ rừng của một bộ phận người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế. Một số người là dân tộc thiểu số không am hiểu pháp luật, chưa nhận thức rõ được rừng canh tác sản xuất và rừng do Nhà nước quản lý. Các hộ có đất rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất đều ở thôn, bản xa, thiếu sinh kế bền vững, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, nhiều hộ thiếu ăn. Công tác quản lý, giám sát các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản chưa chặt chẽ, vẫn còn trường hợp cơ sở đưa gỗ không có hồ sơ, nguồn gốc hợp pháp vào chế biến, tiêu thụ. Các chủ rừng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, thậm chí buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra nên tình trạng xâm hại rừng xảy ra một thời gian dài mới được phát hiện…công tác đấu tranh với tội phạm về khai thác rừng, xâm hại rừng của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn như điểm xảy ra các vụ việc là tại những khu vực rừng núi hiểm trở; diện tích bị xâm hại lớn đòi hỏi tập trung nhiều lực lượng và phương tiện để khám nghiệm hiện trường, do vậy thường mất rất nhiều thời gian và công sức…

Trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, góp phần cùng với địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, chú trọng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời kiên quyết đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại về rừng.
Bên cạnh sự vào cuộc đấu tranh của lực lượng Công an, Kiểm lâm và sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành. Đòi hỏi các chủ rừng cần phát huy vai trò trách nhiệm trong việc kiểm tra, bảo vệ; giám sát thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng./.


 

Tác giả: Quốc Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC