"Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”, lời chúc thật giản dị nhưng sâu sắc đã trở thành mục tiêu, nhiệm vụ của lực lượng Phòng cháy chữa cháy. Bởi làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra cháy thì lực lượng phòng cháy luôn phải tận tâm, tận lực không ngừng rèn luyện. Đối phó với “giặc lửa” là một cuộc chiến đầy nguy hiểm và phức tạp, vì vậy để củng cố phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy là hết sức quan trọng. Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an Bắc Kạn đã tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gắn với xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, với phương châm bốn tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư an toàn vì thế các vụ cháy ở Bắc Kạn đã giảm đáng kể. Tích cực hướng dẫn các kỹ năng đảm bảo an toàn PCCC và CNCH cho người dân trên địa bàn bằng hình thức phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp bằng những nội dung sát tình hình thực tế, phù hợp với đặc điểm loại hình cơ sở kinh doanh; tổ chức thông báo, khuyến cáo về PCCC thông qua các hoạt động của Chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể tại khu dân cư, hệ thống loa phát thanh địa phương, trên các trang mạng xã hội …với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, thu hút nhiều lượt tương tác của người dân. Duy trì có hiệu quả 1.170 đội dân phòng ở cơ sở, các thành viên đã và đang khẳng định vai trò hạt nhân, nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC. Họ là những người đi đầu, tổ chức tập hợp, hướng dẫn nhân dân và trực tiếp thực hiện các biện pháp an toàn PCCC tại cơ sở, khu dân cư. “Phòng cháy từ gia đình, đừng để mất bò mới lo làm chuồng” đó là điều mà ông Lê Trí Phụ, tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn luôn nhắc nhở bà con khu phố. Để các chủ trương kịp thời đến với nhân dân, ông đã kêu gọi xã hội hóa lắp đặt hệ thống loa truyền thanh. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hạn chế tập trung đông người thì việc tuyên truyền bằng loa phát thanh đã thực sự đem lại hiệu quả tích cực. Khu dân cư nơi ông sống là khu dân cư điển hình trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được gọi là nghề khó bởi không phải ai cũng dễ dàng nhận lấy những gian nan thử thách của nghề. Những người lính cứu hỏa thường xuyên tập luyện dưới cái nắng gay gắt, việc tập luyện với các tình huống cũng vất vả không kém gì so với thực tế hiện trường. Họ cũng phải mặc trang phục, đeo các thiết bị thực hiện các thao tác như thật. Bởi vậy ngay từ đầu họ phải là những người có quyết tâm sắt đá lắm mới thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng ta đã thấy hình ảnh những người lính cứu hỏa Bắc Kạn lăn xả vào đám cháy để dập lửa, hay trầm mình dưới sông để tìm kiếm cứu nạn… đầy gian nan thử thách đe đọa trực tiếp đến tính mạng của người chiến sỹ. Nhưng họ vẫn ngày đêm hăng say miệt mài luyện tập, mong được cống hiến, được sẻ chia, được cứu “những cái còn trong cái mất”.
Trong 3 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 69 vụ cháy, có 40,6% vụ cháy là do lực lượng chữa cháy tại chỗ dập tắt. Cháy xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng chỉ khi trực tiếp được chứng kiến sự hoành hành của “giặc lửa” mới thấy hết được sự nguy hại và những hậu quả của nó. Khi hỏa hoạn xảy ra, bao nhiêu tài sản tích cóp được bỗng chốc bị thiêu rụi, thậm chí mạng sống của con người cũng bị đe dọa từ “giặc lửa”. Bắc Kạn có địa hình đồi núi, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn việc ứng cứu khi hỏa hoạn xảy ra tại các địa bàn xa trung tâm gặp rất nhiều trở ngại. Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lực lượng PCCC& CNCH Công an Bắc Kạn luôn năng động, sáng tạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa, xử lý tốt phần gốc trong công tác PCCC ở địa phương./.