Trung đoàn 72 Bắc Kạn với sự kiện lịch sử giải phóng tỉnh Bắc Kạn

Thứ hai - 26/08/2019 00:30
Tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đầu tiên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một thắng lợi to lớn trong thời kỳ đầu chiến tranh.

Tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đầu tiên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một thắng lợi to lớn trong thời kỳ đầu chiến tranh.

Tuy bị thất bại nặng nề trong cuộc tiến công chiến lược Thu Đông, thực dân Pháp vẫn chiếm đóng trên đường số 4 nhằm phong tỏa biên giới Việt - Trung, chiếm đóng 5 điểm trên đường số 3 thuộc địa phận tỉnh Bắc Kạn, cắm sâu vào căn cứ địa Việt Bắc của chúng ta để khi có thời cơ trong đánh ra, ngoài đánh vào nhằm chiếm căn cứ địa Việt Bắc.

Bắc Kạn giải phóng như cắt được ung nhọt trên cơ thể căn cứ địa của ta, dập tắt vĩnh viễn âm mưu này của chúng. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều này. Thắng lợi đã tạo điều kiện cho lưc lượng kháng chiến phát triển rất mạnh.

Ngày 17-8 địch rút khỏi Bằng Khẩu, thì ngày 19-8 trên quyết định thành lập trung đoàn 174-Cao Bắc Lạng trên cơ sở sáp nhập 3 trung đoàn 72-Bắc Kạn, trung đoàn 28-Lạng sơn và trung đoàn 74-Cao Bằng; ngày 28-8, lễ thành lập đại đoàn 308-Quân tiên phong, binh đoàn cơ động chiến lược đầu tiên của quân đội ta được cử hành tại Đu (Phú Lương ).

Tháng 10-1949, ta mở chiến dịch Đường số 4 thắng lợi. Tiếp đó chiến dịch Biên giới 1950 mở toang cửa khai thông nước ta với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Từ sau Bắc Kạn giải phóng, ta giành được thế chủ động hoàn toàn trên chiến trường. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới.

Trong sự kiện thắng lợi vẻ vang này có Trung đoàn 72 tham gia.

Trung đoàn 23, tiền thân của Trung đoàn 72 được thành lập ngày 22/5/1946, theo sắc lệnh số 71 của Chính phủ, đổi tên Vệ Quốc đoàn thành Quân đội quốc gia, các chi đội Vệ quốc đoàn được thành lập thành các trung đoàn và tiểu đoàn độc lập. Trung đoàn 23 là một trong những trung đoàn thuộc Chiến khu I (nay là Quân khu 1) có nhiệm vụ bảo vệ 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, có 2 Tiểu đoàn 43, 55 đóng quân tại Thái Nguyên và Tiểu đoàn 49 đóng quân tại Bắc Kạn huấn luyện tân binh.

Ngày 10/7/1947, thực dân Pháp tổ chức một cuộc hành binh quy mô lớn tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc từ ba hướng: Đường không (mạo hiểm nhảy dù xuống Bắc Kạn và Chợ Mới); đường bộ, mũi phía đông từ Lạng Sơn theo đường số 4 đánh lên kết hợp với nhảy dù xuống Cao Bằng nhằm tiến xuống Bắc Kạn; đường thủy, mũi phía tây (một binh đoàn hỗn hợp thủy quân và bộ binh ngược sông Hồng vào sông Lô  nhằm đánh chiếm Tuyên Quang, hướng lên Chiêm Hóa cùng mũi phía đông hợp vây căn cứ địa). Cuộc hành binh này nhằm các mục tiêu cơ bản: Chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, đánh quỵ quân chủ lực, phá hủy tiềm năng kháng chiến của ta, dọn đường thành lập Chính phủ bù nhìn Bảo Đại, thực hiện chủ trương chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, kết thúc chiến tranh xâm lược nước ta.

Trong hồi kí “Thời sôi động" của mình, đồng chí Chu Huy Mân, lúc đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72 nhớ lại : “Trước tình hình trên, anh Chu Văn Tấn, lúc này là Tư lệnh Chiến khu I cho gọi tôi và anh Hoàng Xuân Tùy, chính trị viên Trung đoàn về Bộ Tư lệnh. Anh nói: “Địch đã đổ bộ binh đoàn nhảy dù xuống Bắc Kạn và Chợ Mới mở đầu cho cuộc tiến công quy mô lớn hòng đánh úp cơ quan đầu não của ta. Các anh cho bộ đội cơ động theo đường Chợ Chu về Chợ Đồn đứng phía sau thị xã Bắc Kạn, phối hợp với các lực lượng địa phương, vận dụng các hình thức tập kích, phục kích, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, triệt để phá hoại đường xá, cầu cống, triệt đường tiếp tế của chúng, giúp nhân dân làm vườn không, nhà trống, triệt để phối hợp với nhân dân phòng gian, trừ gian”.

Ngay sau khi đặt chân lên chiến trường, trước tình hình mọi thứ chưa ổn định, đồng chí Trung đoàn trưởng Chu Huy Mân bàn với tỉnh để bộ đội có một bộ phận bảo vệ và giúp các cơ quan cả Trung ương và địa phương, Đài Phát thanh Trung ương, các binh công xưởng về phía sau, xa địch, bảo vệ và giúp dân thu hoạch mùa màng. Và trong suốt thời gian địch chiếm đóng ,Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan, Trung đoàn đã phối hợp với Tỉnh tổ chức mạng lưới phòng gian, bảo vệ tốt nên không có cơ sở nào bị tấn công bất ngờ.

Để vừa tác chiến có hiệu quả, vừa đẩy mạnh được chiến tranh du kích, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, chấp hành phương châm chỉ đạo của trên, tổ chức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, Trung đoàn đã kiện toàn Tiểu đoàn 55 làm tiểu đoàn tập trung, giải tán 2 Tiểu đoàn 43 và 49 để tổ chức thành 5 đại đội độc lập cử về các huyện.

Đại đội độc lập Bạch Thông (935), Đại đội độc lập Ngân Sơn (648), Đại đội độc lập Chợ Rã (652), Đại đội độc lập Chợ Đồn (653) và Đại đội độc lập Na Rì (903). Các đại đội độc lập giúp tổ chức, trang bị, huấn luyện mỗi huyện 1 trung đội du kích tập trung, mỗi xã 1 tiểu đội và tổ chức dân quân tự vệ rộng rãi; Trung đoàn giúp Tỉnh tổ chức đại đội du kích Ba Bể trên cơ sở Trung đội du kích Thị xã. Các đại đội độc lập khi tác chiến đều tổ chức, phối hợp với du kích và dân quân. Do đó, phát động được chiến tranh nhân dân rộng rãi, tiếng súng đánh địch vang lên khấp nơi làm nức lòng nhân dân trên toàn địa bàn Tỉnh.

Về phương thức tác chiến, căn cứ vào thực lực của mình, trên cơ sở so sánh lực lượng địch ta, lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở “núi rừng che khuất bộ đội, và tinh thần dũng cảm quyết tâm diệt giặc của bộ đội trung đoàn thường dùng chiến thuật mật tập khi đánh cứ điểm, đột nhập vào lòng địch của các đội biệt động, phục kích lớn nhỏ trên đường giao thông; bắn tỉa. bố trí nhiều trận địa lôi thường xuyên và liên tục trên đường số 3 và các đường nhỏ, từ cứ điểm xuống bản làng; bao vây, quấy rối căn cứ địch…,

Đêm ngày 30/11/1947, Đại đội độc lập Bạch Thông (395) phối hợp với trung đội du kích thị xã tấn công cứ điểm Phủ Thông lần thứ nhất. Bộ đội ta được trang bị súng trường (rất ít), mã tấu, gậy tre vót nhọn, dao găm bí mật tiếp cận, dùng thang vượt tường rào, xông vào đồn đánh giáp lá cà với địch diệt 15 tên, làm bị thương 35 tên, thu 2 súng máy, 1 tiểu liên và 1 súng trường. Chiến thắng này đánh dấu sự trưởng thành của bộ đội ta, làm cho quân địch trong các đồn bốt trên toàn mặt trận hoang mang, lo sợ không biết bao giờ đến lượt mình. Trận tấn công lần thứ 2 vào cứ điểm này bằng hỏa lực, cũng gây cho địch nhiều thiệt hại và làm chúng càng thêm hoang mang.

Các đội biệt động của Tiểu đoàn 55, đại đội du kích Ba Bể, đại đội trinh sát 100, đã nhiều lần đột nhập thị xã rải truyền đơn có lần phá kho đạn đầu Cầu Phà, đánh hỏng nhà máy điện.

 Các trận phục kích và bố trí trận địa lôi của Trung đoàn 72 kể thì rất nhiều. Đáng kể là trận ngày 11/5/1948, Tiểu đoàn 55 đã phối hợp với dân quân du kích Bạch Thông bố trí trận địa phục kích dài hơn 2km từ cầu Nà Cù lên phía Bắc, diệt 64 tên, phá hủy 4 xe vận tải. Sau trận này địch buộc phải tiếp tế bằng đường không, Tiểu đoàn 55 đã bắn rơi 1 máy bay vận tải từ Hà Nội hướng lên Bắc Kạn, tiêu diệt toàn bộ bọn địch trên máy bay, trên máy bay chứa toàn lương thực thực phẩm chủ yếu là khoai tây (6/1948).

Về phối hợp với bộ đội chủ lực của Bộ cử lên chiến trường, xin điểm một số trận chủ yếu.

Hai trung đội Ba-zô-ka của đại đội trợ chiến tiểu đoàn 55, đại đội  độc lập Chợ Đồn (653) phối hợp với đơn vị thuộc Trung đoàn 165, ngày 15/12/1947 đánh một trận phục kích trên đường số 3 tại Đèo Giàng, phá hủy 17 xe cơ giới, diệt 60 tên, thu 2 triệu bạc Đông Dương và nhiều quân trang, quân dụng khác. Trận này là trận đánh lớn cuối cùng buộc địch phải rút quân, chấm dứt cuộc tiến công đại quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc với thất bại thảm hại.

Đại đội Chợ Rã phối hợp với Tiểu đoàn 39 đánh đồn Bành Trạch và tấn công cứ điểm Nà Phạc tháng 3/1948.

Ngày 25-7-1948 trận công kiên của Tiểu đoàn chủ lực 11, với pháo binh yểm trợ vào cứ điểm Phủ Thông lần thứ ba theo hình thức cường tập, tiêu diệt gần hết quân địch đồn trú, thu 5 súng máy, 1 súng trường. Trận này Trung đoàn 72 có Tiểu đoàn 55 và Đại đội Ngân Sơn chặn địch từ Bắc Kạn lên, và Nà Phạc xuống Ta giao chiến tại Bó Bả (cây số 6), địch không lên được phải rút về thị xã. Nà Phạc không dám tiếp viện xuống.

Từ sau trận Phủ Thông này, Bộ không điều đơn vị chủ lực nào lên chiến trường Bắc Kạn, chỉ còn Trung đoàn 72 và nhân dân các dân tộc Bắc Kạn quần nhau với địch.

Bị đánh mạnh trên khắp chiến trường Bắc Kạn, địch phải co cụm tại 5 điểm trên đường số 3, thị xã Bắc Kạn, Phủ Thông, Nà Phạc, Ngân Sơn, Bằng Khẩu. Cũng bằng tập kích, phục, bao vây… ta đã hạn chế tối đa các cuộc hành quân tiếp tế của địch trên đường số 3 từ Cao Bằng xuống và phải tiếp tế bằng máy bay.

Để bảo đảm an ninh cho hậu phương, Trung đoàn đã cử đại đội Chợ Rã, cùng đội tuyên truyền vũ trang của Trung đoàn phối hợp với công an địa phương tiến hành tiễu phỉ ở Chợ Rã. Lực lượng này đã kết hợp tiến công quyết liệt bằng quân sự, tiêu diệt bọn đầu sỏ, với vận động các gia đình có con, em nhẹ dạ đi theo phỉ trở về với bản làng. Qua nhiều cuộc tiến công, truy lùng các hang ổ của chúng, diệt nhiều tên đầu sỏ. Đến tháng 10 năm 1949, đội công an xung phong đã dùng mưu bắt tên trùm phủ Trương Văn Khoảng tại bản Pục. Ngày 11/10, tên trùm phỉ Sỉ Lìn bị viên đội người Dao đỏ bắn chết, các tên cầm đầu khác như: Triệu Hiểu Nhất, Lý Tuần Qua, Triệu Tài Vân cũng tan rã. Đến năm 1949, về cơ bản lực lượng phỉ ở Chợ Rã bị tan rã, cuộc sống của nhân dân đã dần đi vào ổn định.

Mục đích cuối cùng của chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp,  thực dân kiểu cũ là phải chiếm được đất, chiếm được dân, binh định tình hình mới có thế khai thác, bóc lột được. Thế mà trong gần 2 năm chiếm đóng Bắc Kạn, địch hoàn toàn bị cô lập trong 5 cứ điểm, không những không chiếm được đất, không lập được tề, ngụy mà còn bị tổn thất nặng nề về người và của. Có thể nói, bọn thực dân Pháp đã hoàn toàn thất bại trong âm mưu xâm chiếm và bình định Bắc Kạn.

Khi biết tin ta chuẩn bị đánh lớn nhằm giải phóng Bắc Kạn, để tránh bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng buộc phải rút khỏi thị xã Bắc Kạn ngày  ngày 9/8, rồi lần lượt rút Phủ Thông, Nà Phạc, Ngân Sơn, Bằng Khẩu. Trung đoàn 72 truy kích, đánh một trận lớn tại Bằng Khẩu, giết và làm bị thương nhiều quân địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng ngày 17/8/1949. Từ đây, Bắc Kạn sạch bóng quân xâm lược và là tỉnh đầu tiên bị tạm chiếm được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Điểm lại một số nhận định khách quan đánh giá Trung đoàn 72

Báo cáo Tổng kết “Du kích chiến tranh” của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Kạn đánh giá “Trung đoàn 72 phái đến Bắc Kạn vừa làm nhiệm vụ xây dựng đơn vị, vừa phân tán thành các đại đội độc lập dìu dắt du kích, phát triển chiến tranh du kích, nhờ đó mà ngay từ những ngày đầu du kích huyện, xã đã thực tế được giúp đỡ rèn luyện ngay trong chiến tranh (tr51), Bắc Kạn giữ được thế giằng co với địch nhờ có sự hoạt động liên tục của Trung đoàn 72 bên cạnh, sự nỗ lực đóng góp của nhân dân (tr87), cho nên trước hết phải nhắc lại rằng từ khi Trung đoàn 72 lên làm chủ lực quân của địa phương là một điều hết sức sát với yêu cầu và đặc điểm của Bắc Kạn. Nếu không như thế thì tình hình chiến sự chuyển biến một cách khác”.

Theo lịch sử Bộ Tổng tham mưu, trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng phân tích: “Thành công mặt trận đường số 3 là đưa các đại đội đội độc lập và phát động được phong trào du kích chiến tranh lên, xây dựng các khu căn cứ Chợ Đồn, Chợ Rã, Bạch Thông. Nhờ các đại đội đội độc lập hoạt động tích cực và có hiệu quả nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng, nhất là ở Chợ Đồn. Các Nhà máy, kho tàng tại Bân Thi, Đầm Hồng, Chợ Đồn, Đài phát thanh ở Chợ Rã đều được tổ chức di chuyển kịp thời, an toàn. Kho tiền và giấy bạc tại Bân Thi được chuyển sâu vào rừng, được tổ chức bảo vệ cẩn mật. Hầu hêt các cơ quan TW Đảng và Chính phủ tập trung ở Chợ Đồn đều an toàn (tr 222-223).

Lịch sử Tỉnh và Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn tập 1, trang 164 có ghi: “…Những chiến công vang dội của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn gắn liền với vai trò của Trung đoàn 72 hoạt động trên địa bàn. Đây chính là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, đẩy mạnh hoạt động quân sự và làm nên những chiến công vang dội của quân và dân ở Bắc Kạn. Tên tuổi của Trung đoàn 72 mãi mãi gắn liền với những địa danh lịch sử: Phủ Thông, Đèo Giàng, Bằng Khẩu…với từng tên bản, làng, sông, núi của Thủ đô kháng chiến”.

Trong Lễ Chiến thắng, Bác Hồ đã gửi thư có đoạn viết: “Tôi thay mặt Chính phủ gửi lời thân ái khen ngợi bộ đội và dân quân du kích cùng đồng bào Bắc Kạn, Tôi gửi lời an ủi đồng bào thị xã Bắc Kạn đã được trở lại trong cánh tay yêu mến của Tổ quốc. Trong cuôc kháng chiến trường kỳ của chúng ta kỳ này, đây là lần đầu tiên một Thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này để làm đà cho những thắng lợi khác to hơn, lớn hơn, vẻ vang hơn…”

Tin vui Trung đoàn 72 được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.đã làm nức lòng không những ccb Trung đoàn 72 năm xưa mà còn nức lòng nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn anh hùng. Họ đã tự hào lại càng tự hào thêm về sự nuôi dưỡng và hiệp đồng tác chiến của họ đã góp phần tích cực vào thành tích đặc biệt xuất sắc của Trung đoàn 72. Những thành tích mà Trung đoàn 72 đạt được không tách rời sự đùm bọc, giúp đỡ và cùng tham gia kháng chiến của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn là một chiến trường đầy khó khăn gian khổ, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề. Cán bộ, chiến sỹ từ dưới xuôi lên, người nào cũng chỉ được 3 đến 4 tháng là bị sốt rét rừng. Sao ác liệt thế cái rét đậm, rét hại của núi rừng Bắc Kạn sáng ngủ dậy thấy mảng nước chảy về đầu nhà đóng băng, chậu hứng nước ngoài trời cũng đóng băng. Toàn Trung đoàn có hơn 1.000 người được phát có 200 cái chăn mỏng”.

Người dân Bắc Kạn có truyền thống yêu nước, tích cực tham gia kháng chiến, những vùng gần địch, hoặc thuận tiện địch đi đến thì làm vườn không, nhà trống, thực hiện 3 không; tích cực tham gia phá hoại giao thông, động viên chồng, con tham gia du kích, dân quân; nhân dân các dân tộc Bắc Kạn thương yêu bộ đội, coi bộ đội như con em trong gia đình, cho mượn chăn, nhường bếp lửa cho bộ đội những đêm đông giá buốt. Quên sao được những bát nước măng chua nóng hổi, cộng với ớt cay của các mẹ, các chị giúp người bệnh lui cơn. Những vạc nước lá tắm ghẻ, những vạc nước sôi sùng sục luộc quần áo đầy chấy rận là những hình ảnh khắc sâu vào tâm khảm chúng tôi.

Thời bình Bắc Kạn cũng thiếu lương thực, thời chiến diện tích canh tác bị thu hẹp, dân cũng thiếu lương thực, nhưng vẫn làm đầy hũ gạo nuôi quân. Ngày Tết, dân có thứ gì thì bộ đội cũng có thứ ấy dân ủng hộ gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, bánh khảo… Bộ đội tổ chức canh gác ở những nơi đường địch có thể vào được.  Mùng 1 bộ đội ăn tết nơi trú quân, dân tổ chức từng đoàn vào chúc Tết Mùng 2, dân phân công đón bộ đội về nhà ăn Tết, do vậy chiến sĩ trung đoàn 72 mới biết đến các món ăn dân tộc như hém nựa, hém pia, lạp sườn, lạp nhục…, mà dư vị vẫn như còn đến bây giờ.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 72 dù đi chiến trường nào vẫn luôn nhớ về chiến trường Bắc Kạn, biết ơn và nhớ đồng bào các dân tộc Bắc Kạn.

Vinh quang này thuộc về Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn anh hùng và trung đoàn 72 Bắc Kạn anh hùng.

 

 Đỗ Hạp

Trưởng BLL Truyền thống

 Trung Đoàn 72 Bắc Kan Anh hùng

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây