Qua 3 năm thực hiện, Ðề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030” bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Các hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức sôi nổi |
Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh về việc thực hiện đề án, các đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của các đơn vị, địa phương đảm bảo việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án.
Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được phối hợp triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ được các hành vi về bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân, trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. 3 năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các kỹ năng sống cho 130 đại biểu; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về công tác bình đẳng giới thu hút được 400 đại biểu; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng tránh bạo lực gia đình cho 200 người tham dự; phối hợp với UBND xã Khang Ninh, huyện Ba Bể tổ chức 02 lớp nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng thí điểm mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng trên địa bàn xã Khang Ninh, huyện Ba Bể”.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh duy trì đường dây nóng phòng, chống bạo lực gia đình. Các cơ sở Hội duy trì 282 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và kịp thời có những hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình như: Tư vấn, can thiệp kịp thời, thông báo cho các cơ quan chức năng khi có bạo lực gia đình xảy ra góp phần thực hiện công tác hòa giải và bảo vệ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 16 câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình” với 512 thành viên tham gia, định kỳ sinh hoạt, chia sẻ kiến thức phòng chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc tại các cơ sở.
Ngoài ra, tại các địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, tiêu biểu như:Huyện Chợ Đồn tổ chức Hội thi “Gia đình hạnh phúc” cấp huyện năm 2018. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Ba Bể tổ chức cuộc thi tìm hiểu về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình. Ban Vì sự tiến bộ thành phố Bắc Kạn tổ chức nói chuyện chuyên đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Pác Nặm tổ chức Hội thi “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, Hội thi “Gia đình hạnh phúc”...
Việc đa dạng hóa các loại hình truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới qua đó giúp phụ nữ được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, có kinh tế độc lập, vị thế trong gia đình được nâng lên, xu hướng nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái ngày càng tăng.
Song song với các hoạt động truyền thông, việc nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức luôn được chú trọng. Công tác phối hợp liên ngành trong xử lý các vụ việc liên quan tới bạo lực trên cơ sở giới đạt kết quả tốt. Tính đến cuối năm 2018, 100% số nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý, sức khoẻ; 100% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình.
Các hoạt động triển khai trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm đã thu hút sự quan tâm và tham gia hành động của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và xã hội qua đó thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn xảy ra. Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2016 xảy ra 161 vụ, năm 2017 là 125 vụ và năm 2018 là 96 vụ. Tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn biến phức tạp, theo thống kê của các huyện, thành phố, năm 2016 có 10 vụ xâm hại trẻ em, năm 2017 có 13 vụ, năm 2018 có 09 vụ, riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 03 vụ.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu của Đề án, trong thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân về công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị, địa phương, cộng tác viên cơ sở. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành, chú trọng phát huy vai trò của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trong triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2020, 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời;100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới các đơn vị, địa phương được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 50% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp; ít nhất 50% người dân tại cộng đồng được phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới. |
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn