Ngày 24/8 cách đây 70 năm, Bắc Kạn đã giành được thắng lợi trọn vẹn, đánh dấu mốc son lịch sử sạch bóng quân thù.
Thời cơ và thách thức
Nằm sâu trong lòng căn cứ địa Việt Bắc, Bắc Kạn là một trong những địa phương được chọn làm nơi đứng chân an toàn cho cơ quan Trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Sau thất bại trong cuộc tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc năm 1947, bước sang năm 1948, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh lâu dài”. Chúng thay thế cuộc tiến công, hành quân lớn bằng những cuộc hành quân nhỏ, không nhằm trực tiếp tiêu diệt chủ lực mà đánh ta về chính trị, kinh tế.
Thực hiện âm mưu đó, chúng cho quân đóng lại và củng cố 5 cứ điểm theo dọc quốc lộ số 3 là thị xã Bắc Kạn, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông), Nà Phặc, huyện lỵ Ngân Sơn (nay là xã Vân Tùng) và Bằng Khẩu (Ngân Sơn). Ngoài ra, chúng còn lập thêm một số đồn bốt khác ở Nà Cù (Bạch Thông); Bành Trạch (Chợ Rã); Lủng Vài, Lủng Phải, Mèo Đăm (Ngân Sơn).
Tại Thị xã Bắc Kạn, chúng luôn duy trì một lực lượng quân sự khoảng 500 tên và khoảng 200 lính chốt các vị trí ở Phủ Thông, Nà Phặc, Ngân Sơn. Riêng ở Bằng Khẩu, sau những lần bị ta tập kích tiêu diệt, chúng cho tăng quân lúc cao điểm lên tới 600 tên. Ở các cứ điểm, quân địch đều có hỏa lực mạnh, súng lớn các loại và hệ thống hầm hào, công sự kiên cố. Cùng với việc củng cố các cứ điểm, chúng thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét nhằm mục đích khủng bố, giết người, cướp bóc lương thực, thực phẩm. Thực hiện âm mưu về chính trị, quân Pháp cho thi hành những chính sách hết sức thâm độc nhằm lừa gạt, chia rẽ các dân tộc của ta để phá khối đoàn kết kháng chiến.
Trong tình hình mới, Đảng bộ và nhân dân Bắc Kạn đã chủ động đối phó âm mưu của địch về chính trị, ta vạch trần âm mưu thâm độc, cảnh cáo bọn Việt gian thông qua nhiều truyền đơn ở thị xã, thị trấn; tiến hành trừng trị các tổ chức, tay sai đắc lực tiếp tay giúp Pháp liên hệ với thổ phỉ tham gia chỉ điểm, chống phá cách mạng. Trên mặt trận kinh tế, ngoài việc triệt để tiêu thổ kháng chiến xung quanh các vị trí chiếm đóng của địch gây không ít khó khăn cho chúng về hậu cần, Đảng bộ tỉnh còn phát động phong trào thi đua sản xuất lương thực, thực phẩm; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn đã triển khai tốt phong trào này, tiêu biểu như: Các trại tăng gia huyện Na Rì của Tỉnh đội, của Trung đoàn 72. Trong điều kiện chuẩn bị lực lượng cho tác chiến nhưng sản xuất vẫn giành được kết quả quan trọng.
Như vậy, công tác chuẩn bị mọi điều kiện tiến công địch đã được quân và dân ta sẵn sàng khẩn trương triển khai để tiến tới giành thắng lợi, giải phóng toàn tỉnh.
Quyết tâm giành độc lập
Thực hiện phương châm chủ động, khẩn trương, tích cực, quân và dân Bắc Kạn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực chiến đấu tiêu diệt địch. Đêm 29/01/1948, một phân đội của Tiểu đoàn 45 (Bộ Tổng Chỉ huy) cùng một đại đội của Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) tổ chức đánh địch ở đồn Bành Trạch tiêu diệt một số tên, buộc chúng phải rút khỏi vị trí này co cụm về Nà Phặc.
Trong tháng 02/1948, ta mở chiến dịch Xuân-Hè nhằm đánh địch trên các tuyến giao thông và các vị trí đóng quân lẻ; đại đội 77 phối hợp trung đội du kích tập trung huyện Ngân Sơn tấn công các vị trí đồn bốt của địch ở Lũng Vài, Lũng Phải, Mèo Đăm, tiêu diệt phần lớn lực lượng địch.
Trung tuần tháng 3/1948, ta liên tiếp mở các trận tập kích, phục kích trên mặt trận đường số 3. Đêm 13/3/1948, quân ta pháo kích cứ điểm địch ở Phủ Thông, phá sập phần lớn công sự, doanh trại của địch, diệt gần 70 tên. Chúng tăng cường quân ở thị xã kéo lên ứng cứu bị ta đánh quyết liệt, buộc địch phải rút về. Trước nguy cơ vị trí Phủ Thông bị tiêu diệt, quân Pháp vội vàng cho máy bay thả dù tiếp tế lương thực, vũ khí. Ngày 01/5, kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 72 cùng với lực lượng dân quân du kích Bạch Thông tổ chức phục kích đoàn xe tiếp viện của địch trên Quốc lộ 3, cách thị xã Bắc Kạn 14 km; kết quả, ta đã tiêu diệt 64 tên, phá hủy 4 xe vận tải. Thắng lợi của trận này làm cho địch phải chuyển sang tiếp tế chủ yếu bằng đường không cho các cứ điểm.
Trên đà thắng lợi của cuộc kháng chiến, ngày 5/6/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I đã được tiến hành tại Che Ngù, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn đã khẳng định những thành tích to lớn mà Đảng bộ, nhân dân Bắc Kạn đã giành được và chỉ ra những thiếu sót cần khắc phục; đồng thời chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng quân sự (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); tích cực tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương. Quân và dân Bắc Kạn đẩy mạnh các hoạt động quân sự liên tiếp tiến công địch. Đêm 25/7/1948, quân ta đánh địch ở đồn Phủ Thông (Bạch Thông). Tại trận này, ta đã tiêu diệt được gần 100 tên địch, trong đó có tên đồn trưởng và đồn phó; phá hủy một số tường rào, nhà ở, công sự, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Đây là trận đánh địch phòng ngự cứ điểm nhỏ quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên của quân đội ta. Kinh nghiệm của trận đánh đã được phổ biến kịp thời trong toàn quân, góp phần đánh bại chiến thuật cứ điểm nhỏ của địch. Sau thắng lợi ở Phủ Thông, ta đã giành lại thế chủ động, buộc địch phải co cụm rút về các cứ điểm.
Đi đôi với việc tấn công địch bằng quân sự, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn còn chú ý đẩy mạnh công tác binh vận, tăng cường giáo dục nhân dân vùng tạm chiếm. Bên cạnh đó, nhân dân Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất để tự túc, ủng hộ bộ đội và phục vụ kháng chiến.
Bước sang năm 1949, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới. Trên khắp chiến trường, quân và dân ta dồn dập tiến công địch, liên tiếp giành được thắng lợi. Tại mặt trận Bắc Kạn, ta đã chủ động mở nhiều trận tập kích, phục kích; chiến tranh du kích đã trở thành phong trào rộng rãi, hoạt động đều khắp, liên tiếp gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong điều kiện đó, ngày 26/6/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ II đã được tiến hành tại Bản Thi (Chợ Đồn) chỉ rõ các nhiệm vụ công tác trong tình hình mới và hướng vào mục tiêu giải phóng quê hương.
Thực hiện quyết định của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh, mùa hè năm 1949, sau khi nghiên cứu chiến trường, công việc chuẩn bị tiến công địch, giải phóng thị xã Bắc Kạn, vị trí tiền tiêu của địch trong lòng căn cứ địa Việt Bắc, mở màn cho chiến dịch Hè-Thu năm 1949 được triển khai khẩn trương. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ huy do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách làm nhiệm vụ chuẩn bị hậu cần, quấy rối địch trên tuyến đường Bắc Kạn-Phủ Thông.
Đầu tháng 7/1949, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Thực hiện Chỉ thị của Liên khu I, Đại đội Ba Bể, Đại đội Bạch Thông và dân quân du kích được giao nhiệm vụ bảo vệ các kho hậu cần ở khu vực xung quanh thị xã. Trên địa bàn thị xã, bộ đội và dân quân ta khép chặt vòng vây, cắt đứt đường tiếp tế của địch; đội phòng không của ta hoạt động ráo riết, làm cho việc tiếp tế đường không của địch cũng bị gián đoạn.
Ngày 4/8/1949, một chiếc máy bay vận tải của địch lọt khỏi lưới đạn phòng không của ta, hạ cánh xuống sân bay Bắc Kạn, lập tức bị bộ binh ta đột nhập phá hủy máy bay, tiêu diệt một đại úy và 10 lính Pháp. Cùng ngày, ta đánh tàn quân tiếp viện của địch từ Phủ Thông kéo đến. Ngày 7-8/8/1949, ta tấn công vào đồn trại địch trong thị xã. Cứ điểm thị xã Bắc Kạn bị cô lập, sợ bị tiêu diệt hoàn toàn, quân địch buộc phải rút khỏi thị xã và các cứ điểm trên dọc đường số 3 lên Cao Bằng. Đúng 10 giờ ngày 09/8/1949, quân ta hoàn toàn chiếm lại thị xã Bắc Kạn.
Được tin quân địch rút chạy, Tiểu đoàn 55 thuộc Trung đoàn 72 được lệnh hành quân truy kích. Ngày 17/8/1949, quân ta truy kích địch ở Bằng Khẩu (huyện Ngân Sơn) và đã lập công xuất sắc, phá hủy 15 xe quân sự, diệt gần 100 tên, thu nhiều chiến lợi phẩm. Với chiến thắng này, quân và dân Bắc Kạn đã đập tan hoàn toàn âm mưu chiếm đóng của địch, giải phóng quê hương. Địch phải bỏ Bắc Kạn, một cứ điểm quan trọng trong lòng Việt Bắc.
Mở đầu cho những thắng lợi lớn tiếp theo của quân và dân ta
Ngày 24/8/1949, kỷ niệm lần thứ tư Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh độc lập, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh tổ chức mít tinh trọng thể mừng chiến thắng tại sân bay thị xã Bắc Kạn. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào tỉnh Bắc Kạn. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi bộ đội và dân quân du kích cùng đồng bào Bắc Kạn. Khẳng định, lần đầu tiên một thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn.
Tại cuộc mít tinh này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy đã đọc Nhật lệnh: “…Ngày 9/8/1949 chiến trường Cao-Bắc-Lạng lại thêm một chiến thắng mới: Bắc Kạn giải phóng và một phần Cao Bằng cũng vừa mới giải phóng. Đồng thời trong mấy ngày qua, quân ta đã quét sạch quân giặc khỏi một số châu, huyện ở ven Sông Thao và Sông Đà. Đó là những thắng lợi quan trọng trong bước đầu tích cực cầm cự chuẩn bị Tổng phản công của quân và dân ta…”.
Ngày 24/8/1949, tại sân bay Bắc Kạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Nhật lệnh trong buổi mít tinh
chào mừng tỉnh Bắc Kạn được giải phóng (Ảnh sưu tầm).
Cuộc diễu hành bắt đầu, các lực lượng vũ trang và quần chúng tiến hành diễu binh, diễu hành với cờ sao phơi phới, điệu kèn nhạc binh ngân hào hứng trong lòng người của ngày Chiến thắng.
Như vậy, trải qua gần hai năm chiến đấu anh dũng, kiên cường, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tổng Tư lệnh và Liên khu I, quân, dân Bắc Kạn đã giành được thắng lợi trọn vẹn, đánh dấu mốc son lịch sử Bắc Kạn sạch bóng quân thù.
Thị xã Bắc Kạn - thị xã đầu tiên của cả nước được giải phóng là bước ngoặt mở đầu cho những thắng lợi lớn tiếp theo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Căn cứ địa kháng chiến ngày càng được củng cố vững chắc và mở rộng thêm. Đồng bào Bắc Kạn thoát khỏi ách nô dịch lầm than, được sống trong độc lập tự do là động lực vô cùng lớn lao cổ vũ, động viên nhân dân cố gắng đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc./.
Tác giả: Hương Lan
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn