Nguyễn Văn Du
Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Nửa thế kỷ Bác đi xa, nhưng tất cả nội dung trong Di chúc của Người vẫn mãi là kim chỉ nam, luôn đồng hành với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn mãi khắc ghi lời căn dặn của Người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn cuối cùng của vị lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng. Di chúc chứa đựng nhiều nội dung quan trọng về sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng thế hệ trẻ; nâng cao đời sống nhân dân; về đoàn kết quốc tế; những việc cần làm sau khi chiến tranh kết thúc và về việc riêng của Người. Mỗi nội dung chứa đựng trong đó là những vấn đề cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ khác nhau và đích đến cao nhất là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới”. Những tư tưởng lớn trong Di chúc đã, đang soi sáng đường đi và sự nghiệp cách mạng. Đó là những chỉ dẫn cho việc xác định đường lối, phương hướng, nhiệm vụ, hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, xây dựng chương trình hành động sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân trong thời kỳ mới đưa đất nước ổn định, phát triển bền vững và hiện đại
Nội dung của Di chúc toát lên một tư tưởng, đạo đức lớn - tư tưởng Hồ Chí Minh. Đạo đức, tác phong, phong cách Hồ Chí Minh vừa cao cả, mang tính nhân văn sâu sắc, nhưng lại rất gần gũi với mọi người, ai cũng có thể học tập, noi theo, luôn phù hợp mọi lúc, mọi nơi. Đó chính là đạo đức, phẩm chất con người mới, con người biết phấn đấu, hy sinh, “mình vì mọi người”, làm chủ bản thân, làm chủ đất nước, xây dựng một xã hội mới. Thấm nhuần tư tưởng đó, kiên trì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, việc học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên đối với mỗi cá nhân, tổ chức.
Trong suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn thủy chung son sắt một lòng theo Đảng, theo cách mạng, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn thử thách để đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Bắc Kạn đã có 9.021 thanh niên xung phong ra mặt trận. Trong chiến đấu, nhiều người đã lập công xuất sắc, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta đã tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 3 cá nhân là các đồng chí: Nguyễn Văn Tấn, Hà Văn Vấn và liệt sĩ Nguyễn Văn Thoát; hơn 2.000 con em đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã anh dũng hy sinh để góp phần giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 99 “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh (1997), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn thách thức, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh.
Công tác xây dựng Đảng thường xuyên được coi trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, nhất là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. So với năm 1997, tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh đã tăng gần 3 lần; phương thức lãnh đạo của các cấp ủy luôn được đổi mới. Tổng số đảng viên của đảng bộ hiện nay là 34.021 người, chiếm trên 10,3% dân số. Chất lượng các chi, đảng bộ và đảng viên không ngừng được nâng lên. Công tác tư tưởng thường xuyên được chú trọng.
Trong những năm qua, cấp ủy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và của từng cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn hiệu lực, hiệu quả”, “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp” trọng tâm là kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có trách nhiệm, có năng lực tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân…
Đồng thời, duy trì thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, tư tưởng cho đảng viên. Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được tiến hành thường xuyên. Việc tổ chức quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được thực hiện một cách kịp thời, có sự đổi mới về phương pháp theo hướng đi sâu phân tích, liên hệ làm rõ những vấn đề mới và được cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.
Bộ máy tổ chức được củng cố và kiện toàn, công tác cán bộ có nhiều đổi mới được triển khai đồng bộ ở tất cả các khâu từ đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm… Tổ chức bộ máy hướng đến mục tiêu tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa cơ quan quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; giảm bớt đầu mối, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm số lượng, chất lượng. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả sát hạch hai vòng (lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ - cụ thể là báo cáo thuyết trình chương trình hành động trước Hội đồng tư vấn của tỉnh) và chọn nhân sự có số dư. Trong hơn ba năm qua, với các kỳ sát hạch “tuyển chọn lãnh đạo”, Hội đồng tư vấn tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn được những cán bộ nổi trội từ nhiều lượt ứng viên để bổ nhiệm vào các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cũng với hình thức kiểm tra sát hạch, nhiều lượt cán bộ đã được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào các chức danh diện thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và ban thường vụ huyện ủy, thành ủy quản lý.
Những kết quả từ công tác xây dựng Đảng đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh; bộ máy chính quyền, đoàn thể được củng cố, kiện toàn. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục được tăng cường, hướng hoạt động về cơ sở, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…
Nông dân xã Sỹ Bình (Bạch Thông) tích cực xây dựng nông thôn mới |
Từ một tỉnh chậm phát triển, đến nay Bắc Kạn đã có sự đổi thay, chuyển mình vươn lên, đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.641 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.939 tỷ đồng; công nghiệp-xây dựng đạt 1.038 tỷ đồng; dịch vụ đạt 3.466 tỷ đồng. So với năm 1997, tổng thu ngân sách đạt 643 tỷ đồng, tăng 42,8 lần; tổng sản phẩm (theo giá hiện hành) đạt 9.962 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần; thu ngân sách tăng bình quân 19,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 24,4 lần...
Từ một nền kinh tế thuần nông, tỉnh đã từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành một số diện tích cây trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã có 6 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, diện tích trồng rừng bình quân đạt trên 6.000ha/năm. Với độ che phủ rừng đạt trên 72,1%, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều tiến bộ. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, bắt đầu hình thành các phân ngành công nghiệp như chế biến khoáng sản, chế biến gỗ, nông sản...
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Nhiều dự án, công trình giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hoá thông suốt giữa các vùng miền và đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và nông thôn, tạo ra năng lực mới phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm đầu tư, mạng lưới giáo dục được mở rộng, chất lượng đào tạo được nâng cao. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có sự cải thiện đáng kể. Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn với quy mô 500 giường bệnh được khánh thành, đưa vào sử dụng với trang thiết bị hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hoạt động văn học - nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình được quan tâm phát triển. Các chính sách đối với người có công, công tác an sinh xã hội thực hiện kịp thời, đầy đủ. Sự nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày được nâng cao cả về chất và lượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50% (năm 1997) xuống 21,8% (năm 2018), đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, nâng cao. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, chỉ số PAPI của tỉnh năm 2018 đạt được 44,36/80 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng - quân sự luôn được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững đã tạo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thực hiện theo Di chúc của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn hơn bao giờ hết luôn luôn khắc ghi, tin tưởng tuyệt đối ở lý tưởng cách mạng do Đảng lãnh đạo, có tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, chỉ lối. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ để làm tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Đó là cách thiết thực nhất để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện trọn vẹn những điều Người đã căn dặn trong Di chúc trước lúc đi xa./.
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn