Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Thứ hai - 26/08/2019 00:30
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, ngày 24/8/1949, quân Pháp đã phải rút khỏi thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), tỉnh Bắc Kạn hoàn toàn giải phóng. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã luôn phát huy thành quả cách mạng, đoàn kết, nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, ngày 24/8/1949, quân Pháp đã phải rút khỏi thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), tỉnh Bắc Kạn hoàn toàn giải phóng. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã luôn phát huy thành quả cách mạng, đoàn kết, nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải thăm gian trưng bày giới thiệu sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội
 

Những chặng đường lịch sử vẻ vang

Bắc Kạn là một trong những địa bàn được coi là “miền quan yếu” ở phía Bắc, có vị trí rất quan trọng về chính trị - quân sự. Chính vì vậy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Bắc Kạn luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước đánh bại nhiều đạo quân xâm lược hung hãn.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, để đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa một cách có hệ thống trên quy mô lớn, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy thống trị. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã dấy lên phong trào kháng Pháp mạnh mẽ. Mặc dù các cuộc đấu tranh trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX không giành được thắng lợi, nhưng tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Bắc Kạn vẫn tiếp tục được hun đúc, nuôi dưỡng...

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Trong quá trình vận động cách mạng, Bắc Kạn đã vinh dự là một trong những tỉnh nằm trong khu giải phóng Việt Bắc, được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành an toàn khu. Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, Bắc Kạn hết lòng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán; bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, nhiều gương chiến đấu, hy sinh oanh liệt được cả nước biết đến, nhiều tên núi, tên sông đã trở thành địa danh lịch sử, gắn với những chiến công hiển hách như Phủ Thông, Đèo Giàng, Chợ Rã… Các cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta buộc thực dân Pháp phải rút chạy, Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên được giải phóng ngày 24/8/1949. Sự kiện lịch sử vẻ vang này được Đảng đánh giá cao, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong thư, Bác đã khẳng định “Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”.

Sau ngày giải phóng, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã hăng hái khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Một năm sau ngày giải phóng, Bắc Kạn trở thành địa phương dẫn đầu trong phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc. Năm 1950, Bắc Kạn được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được vinh dự giữ Cờ luân lưu “Đơn vị có phong trào thi đua khá nhất” do Hồ Chủ tịch trao tặng.

Với vai trò và nhiệm vụ là căn cứ địa cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã dồn sức chi viện cho tiền tuyến. Trong 09 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp hơn 3 triệu ngày công, 2.000 tấn lương thực, 2.633 chiếc chăn và áo ấm. Hàng nghìn thanh niên con em các dân tộc đã lên đường nhập ngũ. Nhiều đơn vị bộ đội địa phương, du kích tập trung đã lập công xuất sắc, được phong tặng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn luôn thực hiện tốt vai trò tỉnh căn cứ địa, nhiều đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 2/10/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn. 5 huyện, thị xã Bắc Kạn và 17 xã trong tỉnh  được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển

Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển - Ảnh minh hoạ 2
Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay
 

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngày 6/11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ mười đã phê chuẩn việc chia lại địa giới hành chính của một số tỉnh. Trong đó, tỉnh Bắc Thái được chia thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái lập và đi vào hoạt động với muôn vàn khó khăn của một tỉnh miền núi vùng cao, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm do đặc trưng là kinh tế thuần nông, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi; mặt bằng dân trí thấp, nhiều tập tục trong đời sống kinh tế - xã hội còn lạc hậu. Đứng trước nhiều khó khăn thử thách Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ những mục tiêu, chương trình được hoạch định rõ ràng, qua hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển. Kết thúc năm 2018, tổng giá trị gia tăng GRDP năm 2018 ước đạt 6.641 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,6 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 644 tỷ đồng, đạt 110,2%  kế hoạch. Toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 1.386ha đất một vụ sang cây trồng có giá trị kinh tế cao; có 3.300ha diện tích đất nông nghiệp cho thu hoạch trên 100 triệu đồng.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, đến nay đã có 129 hợp tác xã nông nghiệp; 122 tổ hợp tác... Để mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, tỉnh liên tục tổ chức quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư hàng nông lâm sản. Đồng thời, tích cực thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đến nay đã có 76 sản phẩm được xét duyệt, trong đó có 33 sản phẩm xếp hạng 3 sao, 5 sản phẩm xếp hạng 4 sao. Nhiều sản phẩm như hồng không hạt, miến dong, gạo Bao thai, chè tuyết, cam, quýt Quang Thuận, rượu chuối Tân Dân, tinh bột nghệ... được thị trường ưa chuộng, mang lại thu nhập và ổn định việc làm cho người dân trồng nguyên liệu. Công tác phát triển rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với hơn 80.000ha rừng trồng. Toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, mỗi năm khai thác và trồng lại sau khai thác trên 2.000ha, mang lại nguồn thu hơn 100 tỷ đồng.

Từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn vay Ngân hàng Thế giới, tỉnh đã tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, kênh mương thuỷ lợi nội đồng... Nâng tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 97%; toàn tỉnh đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nỗ lực phấn đấu tới cuối năm 2019 có thêm 5 xã nữa đủ tiêu chí nông thôn mới.

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác. Hệ thống hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư với hệ thống siêu thị, chợ được đầu tư xây dựng. Công tác lao động, việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội đạt được một số kết quả nhất định. Giáo dục - đào tạo có bước chuyển biến, tiến bộ. Hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Mạng lưới y tế trên địa bàn thường xuyên được củng cố, phát triển với đầy đủ hệ thống bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã và một số phòng khám đa khoa khu vực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định...

Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề và động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Kạn thêm quyết tâm phấn đấu, vươn lên khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu mới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, nhanh chóng đưa Bắc Kạn tiến kịp các tỉnh miền xuôi./.

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây