Năm 2017 là năm lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bắc Kạn kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (13/4/1947 - 13/4/2017). Trong suốt chiều dài lịch sử 70 năm qua, LLVT tỉnh Bắc Kạn luôn xứng đáng là lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Lực lượng vũ trang tỉnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954)
LLVT Bắc Kạn thực hiện rà phá bom, mìn |
Thực hiện Chỉ thị của Chính Phủ và Bộ Quốc phòng ngày 13/4/1947 tại đồi Độc Lập, thị xã Bắc Kạn, Ban chỉ huy tỉnh đội bộ dân quân tỉnh Bắc Kạn được thành lập (nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn) do đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh được bổ nhiệm làm Tỉnh đội trưởng kiêm chính trị viên Tỉnh đội. Cũng trong giai đoạn này, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đã thành lập lực lượng Công an Bắc Kạn với tên gọi ban đầu là Ty Cảnh sát Bắc Kạn do đồng chí Hoàng Đình Chương, cán bộ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phụ trách. Thực hiện Quyết định số 381/QĐ-TL ngày 21/3/2001 của Tư lệnh Quân khu I, ngày 13/4 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của LLVT tỉnh Bắc Kạn.
Sự ra đời của Ban chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân và Ty Cảnh sát Bắc Kạn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của LLVT tỉnh nhà. Từ đây, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có cơ quan tham mưu phụ trách công tác quân sự và công an, giúp cấp uỷ, chính quyền củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng các kế hoạch tác chiến, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu và hoạt động quân sự của địch, ổn định an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng; làm nòng cốt trong cuộc kháng chiến toàn dân. Để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, Tỉnh đội Bộ dân quân Bắc Kạn đã bắt tay ngay vào việc củng cố, tổ chức xây dựng lực lượng, đến giữa năm 1947 toàn tỉnh đã xây dựng được 17 đại đội dân quân, du kích với 1.500 cán bộ, chiến sỹ, được trang bị vũ khí tương đối đầy đủ, chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ kháng chiến, phối hợp chiến đấu cùng 01 Trung đoàn 23 chủ lực của Khu (sau này đổi tên là trung đoàn 72-Bắc Kạn) do cấp trên điều về. Trước sự điều chỉnh lực lượng của quân Pháp tại Bắc Kạn, Tỉnh ủy, Tỉnh đội bộ dân quân đã lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp các đơn vị điều chỉnh đội hình, đẩy mạnh đánh địch trên đường số 3 và các tuyến đường khác nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, ngăn chặn các cuộc hành quân, càn quét, gây khó khăn cho chúng trong việc tiếp tế, chi viện, liên lạc với nhau.
Chiến công nối tiếp chiến công, bằng sự mưu trí, sáng tạo, phát huy lợi thế vùng núi non hiểm trở trên địa bàn, Tỉnh đội bộ dân quân đã lãnh đạo, chỉ huy lực lượng quân sự, du kích phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, tổ chức nhiều trận phục kích, tập kích làm cho quân Pháp ăn không ngon, ngủ không yên, hành quân không đến được địa điểm, gây tổn thất lớn cho quân địch như các trận phục kích ở Cao Kỳ, Cầu ổ Gà, Yên Đĩnh - Chợ Mới, Nà Đinh, Nà Mày, huyện Chợ Đồn… đã làm cho quân Pháp kinh hoàng, bạt vía. Cùng với các trận phục kích là các trận quấy rối, cường tập, mật tập ở khắp các vị trí đóng quân của thực dân Pháp với quy mô từ nhỏ đến lớn, từ quấy rối để trinh sát đến đánh công kích bằng hoả lực làm cho quân Pháp khốn đốn buộc phải co cụm lại một số điểm và sau đó phải rút khỏi Bắc Kạn ngày 9/8/1949. Đến ngày 24/8/1949, tại sân bay Cầu Phà, thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), Tỉnh uỷ và Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh tổ chức mít tinh chào mừng tỉnh Bắc Kạn được giải phóng. Từ đây Bắc Kạn trở thành hậu phương lớn đối với tiền tuyến.
Sau khi được giải phóng LLVT tỉnh Bắc Kạn lại cùng đồng bào các dân tộc bắt tay vào tiến hành củng cố địa phương, tiêu diệt thổ phỉ, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, các địa danh tại huyện Chợ Đồn như: Đồi Nà Pậu, Bản Ca nơi Bác Hồ ở và làm việc, Khuổi Linh, Nà Quân căn cứ của Trung ương Đảng, Bản Bẳng nơi làm việc của các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái… hay đồi Khau Mạ nơi làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ, luôn được an toàn tuyệt đối. Chính từ nơi đây nhiều chủ trương, đường lối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được truyền đi khắp mọi miền của Tổ quốc.
Cũng trong giai đoạn này, Ty Công an Bắc Kạn đã thành lập đội Công an xung phong do đồng chí Nguyễn Phú Hùng làm Đội trưởng, tham gia cùng đoàn công tác tiễu phỉ ở khu vực phía Bắc Ba Bể. Kết quả ta tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên phỉ, triệt phá sào huyệt của chúng, bảo vệ tính mạng, tài sản cho đồng bào tản cư, ổn định cuộc sống cho bà con, tổ chức đường giao liên phục vụ chiến đấu.
Nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh oanh liệt được cả nước biết đến, nhiều tên núi, tên sông đã trở thành địa danh lịch sử, gắn với những chiến công như Chiến thắng Phủ Thông - Đèo Giàng, Di tích lịch sử ATK Chợ Đồn, Di tích lịch sử cách mạng Nà Tu (Cẩm Giàng, Bạch Thông), nơi Hồ Chủ tịch trên đường đi công tác đã đến thăm và tặng cho Liên đội Thanh niên xung phong 312 4 câu thơ: “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên”.
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1954 - 1996)
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT tỉnh Bắc Kạn khẩn trương củng cố, sắp xếp lại lực lượng, bước vào thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới: Củng cố hậu phương sau chiến tranh, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. LLVT tỉnh đã ngày đêm bám sát trận địa, ruộng đồng, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực khắc phục khó khăn, hăng hái lao động sản xuất, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Chỉ tính trong năm 1955 Tỉnh đội Bộ đã huy động được 2.421 dân công đi sửa chữa đường Phủ Thông -Chợ Rã; xây dựng đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, làm kè sông Cầu và xây dựng kho tàng của Chính phủ. Đồng thời cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn làm tròn trách nhiệm của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, củng cố, xây dựng lực lượng, tuyển gọi thanh niên nhập ngũ, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 04/9/1963 đế quốc Mỹ đã thả 1 toán biệt kích gồm 6 tên xuống cánh đồng Nà Hải, Nà Phải thuộc xã Chiến Thắng (nay là xã Phương Linh), huyện Bạch Thông nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động chống phá hậu phương của ta. Nhưng chúng không ngờ bằng sự cảnh giác sẵn sàng chiến đấu của nhân dân và LLVT tỉnh Bắc Kạn, chỉ sau 64 tiếng đồng hồ toán biệt kích đã bị ta tiêu diệt và bắt sống.
Ngày 21/4/1965 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Từ đây lực lượng vũ trang Bắc Thái cùng chung sức bảo vệ bầu trời, bảo vệ nhân dân và thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.
Chiến công đầu tiên của quân và dân Bắc Thái mở màn cho hàng loạt các chiến công khác, đó là việc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ vào ngày 05/9/1965 trên địa bàn xã Xuất Hoá, huyện Bạch Thông (nay là phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn) và là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên địa bàn Quân khu 1. Với chiến công đó quân và dân trong tỉnh đã vinh dự được đón nhận Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc Kạn đã động viên được 8.029 thanh niên lên đường đi đánh Mỹ, nhiều đồng chí là con em đồng bào các dân tộc Bắc Kạn đã lập công xuất sắc, nhiều cán bộ, chiến sỹ được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Đặc biệt đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT cho 3 đồng chí: Nguyễn Văn Tấn, Hà Văn Vấn và Liệt sĩ Nguyễn Văn Thoát. Cũng trong cuộc chiến này đã có hơn 2.000 liệt sĩ là con em đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã anh dũng hy sinh để đổi lấy độc lập, tự dothống nhất đất nước. Sự hy sinh của các chiến sĩ mãi mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ các thế hệ nối tiếp hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Ghi nhận những công lao đóng góp của quân và dân Bắc Kạn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã tặng thưởng cho quân, dân Bắc Kạn Huân chương Hồ Chí Minh, 1 huân chương Quân công hạng nhất, 2 huân chương độc lập hạng nhì, trên 8.700 huân, huy chương kháng chiến các loại tặngcho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT tỉnh luôn giữ vai trò tiên phong, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Quân và dân tỉnh Bắc Kạn đã trở thành điểm tựa vững chắc, tích cực cùng các tỉnh biên giới đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, LLVT tỉnh Bắc Kạn tỏ rõ sự vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với tổ quốc và nhân dân; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thị xã vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn từ khi tái lập tỉnh đến nay (1997 -2017)
Diễu duyệt đội ngũ trong Lễ ra quân huấn luyện năm 2017 |
Thực hiện Nghị quyết của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX ngày 06 tháng 11 năm 1996 về việc tách tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; ngày 01 tháng 01 năm 1997 tỉnh Bắc Kạn tổ chức lễ mít tinh tái thành lập tỉnh. Bộ CHQS tỉnh và Công an tỉnh cũng được thành lập ngay sau đó. Từ đó đến nay, LLVT tỉnh đã thường xuyên chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, tiềm lực quốc phòng - an ninh từng bước được tăng cường. Thường xuyên chú trọng kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan, đơn vị bộ đội địa phương; xây dựng lực lượng Thường trực vững mạnh, lực lượng Dân quân tự vệ rộng khắp, lực lượng Dự bị động viên hùng hậu, bảo đảm đúng quy định, có tỷ lệ phù hợp với đặc điểm địa phương.
20 năm qua, lực lượng Công an Bắc Kạn đã mở 55 đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, điều tra khám phá 7.917 vụ phạm pháp hình sự, bắt 461 đối tượng có lệnh truy nã, khởi tố 5.956 vụ với hơn 7.800 bị can, lập 962 hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, đảm bảo không để hình thành các băng ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, tỷ lệ điều tra khám phá án hàng năm luôn đạt trên 85%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng điều tra khám phá từ 95% số vụ trở lên. Cơ quan quân sự, Công an các cấp xây dựng, ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện Quy chế theo Nghị định số 77 và Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ, trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tạo sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng, tổ chức nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát động tập trung phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc tạo môi trường tốt để Bắc Kạn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nuôi dưỡng đùm bọc, chở checủa nhân dân, LLVT tỉnh Bắc Kạn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vừa chiến đấu, vừa xây dựng và không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nên những thành tích to lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh, đứng trước nhiều thời cơ và vận hội lớn đồng thời đan xen những nguy cơ thách thức, song LLVT tỉnh luôn tỏ rõ sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, ra sức xây dựng LLVT tỉnh cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”./.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn