Sáng 07/4/2017, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. ĐBQH Triệu Thị Thu Phương - Phó ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan và cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH.
Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gồm có 9 chương, 78 điều, đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai; dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội.
ĐBQH Triệu Thị Thu Phương - Phó ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự Luật |
Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng: Điều 1 dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án - như vậy, đối tượng của Luật là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Tuy nhiên, dự Luật lại không quy định rõ đối với cá nhân, pháp nhân, các tổ chức nước ngoài có được điều chỉnh với Luật không và việc bồi thường được quy định như thế nào. Do vậy, về phạm vi điều chỉnh đề nghị Luật cần có sự quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đồng thời sửa đổi Điều 2 quy định về đối tượng được bồi thường như sau: “Cá nhân, tổ chức trong nước; cá nhân tổ chức nước ngoài bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định tại Luật này”.
Về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường nhà nước, tại khoản 5, Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã xác định văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Đồng thời tại các Điều 8, 9, 10, 11 quy định văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên với quy định này chưa thể hiện rõ cách thức để cá nhân, tổ chức có được “văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường”, cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, từ đó dẫn đến tình trạng “né tránh” trách nhiệm nếu cơ sở ban hành văn bản làm căn cứ bồi thường không cụ thể, không rõ ràng.
Các đại biểu cũng cho rằng, Khoản 2, Điều 4 quy định việc giải quyết yêu cầu bồi thường phải được tiến hành “trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường” là không phù hợp. Bởi lẽ việc thương lượng bồi thường giữa các cơ quan gây thiệt hại và người bị thiệt hại gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là đối với các vụ án hình sự oan sai. Về thời gian tiến hành thương lượng, có những trường hợp cơ quan nhà nước và người bị thiệt hại thương lượng rất nhiều lần nhưng chưa đưa đến kết quả cuối cùng. Việc thương lượng này thể hiện tính chất dân sự nhiều hơn là quan hệ về trách nhiệm của nhà nước trong việc bồi thường. Xét về mặt chủ thể đã thể hiện sự không bình đẳng giữa một bên là nhà nước - bên gây thiệt hại và công dân - người bị thiệt hại. Do đó, nên chỉ quy định nguyên tắc bồi thường “ưu tiên việc thương lượng hoặc việc thương lượng giải quyết bồi thường chỉ được đặt ra đối với những trường hợp khó xác định thời gian, cách tính bồi thường về tinh thần, về các chi phí bồi thường khác và suy cho cùng chỉ là trong hoạt động tố tụng oan sai”.
Các ý kiến đã được Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bắc Kạn tiếp thu để tổng hợp trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.
Tác giả: Nguyễn Nga
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn