Chiều ngày 07/4/2017, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phương Thị Thanh chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện một số đơn vị và cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 chương với tổng số 38 điều, quy định các nguyên tắc, nguồn lực, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự luật này. Dự luật sẽ được tiếp tục đưa ra xem xét tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phương Thị Thanh tiếp thu ý kiến các đơn vị |
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là nơi tạo việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra hàng triệu lao động mới, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước. Hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Bởi vậy Luật Hỗ trợ doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ đầu tư vào mặt bằng sản xuất. Dự Luật cũng cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho các tỉnh khó khăn như Bắc Kạn thực hiện đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản… (do ngân sách địa phương không thể cân đối thực hiện).
Bên cạnh đó, dự Luật cần có quy định chính sách hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ đăng ký chuyển quyền về tài sản từ hộ kinh doanh thành tài sản của doanh nghiệp (bởi hiện nay có nhiều vướng mắc liên quan đến các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Bộ luật Dân sự…). Các vấn đề này có tác dụng hơn là việc hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp vì hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ý kiến các địa biểu, xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo doanh thu sẽ khó thực hiện, trong khi đó các số liệu tại Điều 4 của dự thảo Luật chủ yếu quy định của năm trước liền kề, do vậy nếu doanh nghiệp mới được thành lập trong năm sẽ không có tiêu chí để xác định. Đề nghị xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa rõ ràng, dễ tính toán, dễ xác định để cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thuộc đối tượng thụ hưởng theo từng chính sách hỗ trợ cụ thể của nhà nước.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, về chính sách hỗ trợ, dự thảo đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc cân đối các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ chưa rõ nét, nhất là về nguồn lực tài chính. Việc xây dựng một nhà nước kiến tạo, nhà nước phụng sự phục vụ người dân, doanh nghiệp cần có một khung pháp lý đồng bộ, tránh tình trạng luật này mở nhưng luật kia lại thắt gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Các ý kiến đã được Đoàn ĐBQH tiếp thu để tổng hợp trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.
Tác giả: Nguyễn Nga
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn