Đoàn ĐBQH lấy ý kiến cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Thứ năm - 13/04/2017 16:29
Sáng ngày 12/4/2017, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Tham dự có đại diện sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự, Công an tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Đoàn Luật sư tỉnh và cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Sáng ngày 12/4/2017, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Tham dự có đại diện sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự, Công an tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Đoàn Luật sư tỉnh và cộng tác viên pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Đoàn ĐBQH lấy ý kiến cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để tiếp tục xem xét tại kỳ họp thứ 3. Dự thảo Luật sau khi chỉnh sửa gồm 8 chương, 50 điều; quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tại Hội nghị, đại diện các sở ngành, đơn vị, các cộng tác viên pháp luật đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các quy định về: Người được trợ giúp pháp lý; xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Đối với Điều 7 (Người được trợ giúp pháp lý), đại biểu cho rằng người được trợ giúp pháp lý quy định trong dự thảo Luật phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Việc quy định người được trợ giúp pháp lý là những người “khó khăn về tài chính” hoặc “không thuộc trường hợp buộc tội” như dự thảo Luật là chưa phù hợp; trong khi đó quy định “Người bị buộc tội dưới 18 tuổi” là không cần thiết vì quy định này đã có trong các Bộ luật tố tụng hình sự. Mặt khác quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý như trong dự thảo là rất “mở”, cơ quan soạn thảo cần tính đến tình trạng quá tải số vụ việc trợ giúp pháp lý trong khi nguồn lực đảm bảo cho hoạt động này lại chưa có cơ chế cụ thể.

Đại biểu đề nghị Luật cần quy định cụ thể mô hình tổ chức của Trung tâm trợ gúp pháp lý, chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để tạo cơ sở pháp lý cho các Trung tâm, chi nhánh hoạt động. Tuy nhiên điều kiện để thành lập chi nhánh theo dự thảo Luật còn nhiều bất cập. Quy định về việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý còn chưa phân định cụ thể giữa hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan hành chính nhà nước với hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật trong tham gia trợ giúp pháp lý.

Các quy định về tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý; lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý, đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật cần có cơ chế thu hút đội ngũ luật sư tham gia, mở rộng đối tượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý nhằm tăng cường xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý.

Các ý kiến của đại biểu được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3./.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây