Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”

Thứ tư - 27/12/2017 03:43
Công tác dân vận được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng để củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác dân vận, nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”.

Công tác dân vận được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng để củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác dân vận, nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”.

Hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với chủ trương xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã có trên 700 mô hình, điển hình đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn hoá, đảm bảo an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”
Người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các cấp, ngành tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; vận động những hộ có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ cho các hộ nghèo… Một số mô hình tiêu biểu như: Hội Cựu Chiến binh xã Cường Lợi (Na Rì) vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế xã hội; bà Quan Thị Giang ở xã Xuân La (Pác Nặm) phát triển mô hình chăn nuôi ngựa bạch, ngựa thịt, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương …

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào “dân vận khéo” được triển khai gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Vì sức khỏe cộng đồng” và các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”,“Gia đình 5 không, 3 sạch”… cùng các hoạt động tương thân tương ái, chăm lo giúp đỡ người nghèo. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có ông Phạm Quốc Bình - Bí thư Chi bộ 4, thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới) đã vận động nhân dân xây dựng tổ dân phố văn hóa; tổ dân phố 11A, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) vận động các hộ dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường và thắp sáng ngõ hẻm...

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân… Gương tiêu biểu thực hiện tốt công tác “Dân vận khéo” trong lĩnh vực này có ông Dương Văn Tu (Công an huyện Chợ Đồn) vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc Mông không theo đạo trái pháp luật; Ban Công tác Mặt trận tổ 2, phường Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn) vận động quần chúng nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong xây dựng nông thôn mới, phong trào “Dân vận khéo” được các cấp, các ngành phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả. Toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiểu biểu, nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới như: Khối dân vận xã Quân Bình (huyện Bạch Thông) vận động hội viên, nông dân hiến hàng nghìn m2 đất làm đường giao thông liên thôn; Hội Phụ nữ xã Nông Hạ (huyện Chợ Mới) tổ chức tuyên truyền các tiêu chí nông thôn mới, vận động thành công 120 hộ hiến đất làm đường giao thông liên thôn... , góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 02 xã nông thôn mới được công nhận (Quân Bình, Cẩm Giàng huyện Bạch Thông) và 07 xã vừa hoàn thành cơ bản 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” - Ảnh minh hoạ 2Đường nội thôn tại xã Quân Bình được bê tông hóa từ sức dân

 

Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh được gắn với thực hiện Quyết định số 81-QĐ/TU, ngày 05/01/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bắc Kạn” và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Nhiều cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị đã quy định cụ thể việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, mở hội nghị góp ý, hòm thư góp ý, công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành các quyết định có liên quan đến nhân dân. Chính quyền các cấp quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân... Qua đó đã góp phần nâng cao được nhận thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” hiện nay

Nhằm huy động sự vào cuộc của tất cả các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị cùng tổ chức thực hiện, thúc đẩy phong trào thi đua “Dân vận khéo” thiết thực, hiệu quả, có tính bền vững và sức lan tỏa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận đúng phương châm “trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân”, vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả phong trào dân vận khéo trong giai đoạn hiện nay”.

Đề án thực hiện từ năm 2018 - 2020, hướng đến các mục tiêu cụ thể: 100% đơn vị, địa phương, tổ chức Đảng trong toàn tỉnh phổ biến, tuyên truyền và có kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. 100% xã, phường, thị trấn có mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đối với các xã yêu cầu phải xây dựng được ít nhất 01 mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới có hiệu quả. 100% cơ quan, đơn vị công sở các cấp thực hiện phong trào và có ít nhất 01 mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả. 100% mô hình “Dân vận khéo” được rà soát, đánh giá, khuyến cáo nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao. Phấn đấu hàng năm đạt 80% sự hài lòng của người dân và các tổ chức về tinh thần, trách nhiệm, thái độ, thời gian và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước các cấp.

Để nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai thực hiện theo Đề án đó là: Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong phát triển phong trào “Dân vận khéo”, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trọng tâm trong giai đoạn 2018-2020. Trong đó, tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực: Xây dựng nông thôn mới; xây dựng lực lượng cốt cán; vận động thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, xây dựng cơ quan, công sở; xây dựng tổ chức Mặt trận, đoàn thể vững mạnh, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên; vận động cán bộ, nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả. Nội dung kiểm tra, giám sát đó là: Công tác thực hiện việc quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trong đó có nội dung về xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”; hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo” các cấp; chất lượng các mô hình, điển hình dân vận khéo theo đăng ký.

Để nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, việc bồi dưỡng cán bộ tham mưu trực tiếp là hết sức quan trọng. Theo đó, hệ thống chính trị của tỉnh thường xuyên rà soát, bổ sung chương trình về đào tạo lý luận, chuyên môn, kỹ năng công tác dân vận cho cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể theo hướng mỗi cán bộ, đảng viên thực sự trở thành cán bộ làm công tác dân vận của Đảng; có cơ chế lựa chọn, phân công người có năng lực, có uy tín, kinh nghiệm làm công tác vận động…

Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng. Hàng năm cấp ủy huyện, thành phố và tương đương thẩm định, rà soát đánh giá chất lượng mô hình; tiến hành sơ kết, khen thưởng và khuyến cáo các mô hình cần nhân rộng. Trong đó, chú trọng nhân rộng các phương pháp dân vận khoa học, hiệu quả gắn với triển khai nhiệm vụ công tác hàng năm. Thông qua các kênh thông tin, kiểm tra, giám sát phát hiện những cách làm hay, vận động, khuyến khích, hướng dẫn tiếp tục thực hiện đạt kết quả đảm bảo các tiêu chí về dân vận khéo...

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua cùng những giải pháp được cấp ủy các cấp sát sao chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, chắc chắn phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra./.

Tác giả: Hương Dịu

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây