Ngày 28, 29/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ…
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Du - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lý Thái Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, năm 2017, cả nước đã hoàn thành xuất sắc 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tăng trưởng GDP của cả nước đạt 6,81%. Khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, trong đó thủy sản tăng 5,54%. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu người. Hệ thống hành chính đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh tinh giản biên chế; giảm 03% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, đưa ra xét xử công khai các vụ án lớn được dư luận quan tâm…
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, Chính phủ xác định phương châm hành động trong năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành, đó là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2017, các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ráo riết lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị. Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực hiện ngày càng tốt hơn cả ba chức năng là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ, chính quyền các địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện một cách sâu sát, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và Quốc hội; chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề mới phát sinh, vượt quá thẩm quyền...
Tổng Bí thư lưu ý các cấp, các ngành phải “tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Vì vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trước hết, phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII; cần nhận thức, quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại; phát triển có hiệu quả văn hóa - xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, xem xét về Đề án Cải cách chính sách tiền lương và Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, rà soát và hoàn thiện chính sách với người có công, bảo đảm an sinh xã hội…; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm ban ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố quốc phòng an ninh; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác cán bộ, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017. Lãnh đạo các Bộ, Ngành trình bày các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải đã báo cáo một số kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh trong năm 2017. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Bắc Kạn đạt 5,5%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 26,1 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2016; lương thực bình quân đầu người đạt 570kg/năm; diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao tăng so với năm 2016; tổng diện tích trồng rừng năm 2017 đạt hơn 7.200ha, đạt 113% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,04% so với năm 2016. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với tổng số vốn đăng ký và cam kết đầu tư trên 8.000 tỷ đồng…
Nhân dịp này, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo giải quyết những khó khăn cho Bắc Kạn về một số vấn đề như: Quản lý bảo vệ rừng; xây dựng nông thôn mới; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến đường từ Chợ Mới đi thành phố Bắc Kạn. Các Bộ, Ngành Trung ương sớm giải quyết những nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương tại Thông báo số 600/TB-VPCP ngày 23/12/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội nghị |
Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị. Trong chiều 29/12 hoặc muộn nhất là đầu tháng 01/2018, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo phụ lục 242 công việc cụ thể để các địa phương triển khai ngay, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó, phải chú trọng phát triển bền vững, phải tái cơ cấu kinh tế một cách thực sự. Bên cạnh đó, tăng cường nền tảng xã hội, xây dựng bộ máy trong sạch, phòng chống tham nhũng, tập trung giải quyết hậu quả thiên tai năm 2017 và phòng chống thiên tai năm 2018.
Thủ tướng cũng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể như: Nông nghiệp chuyển biến mạnh theo hướng tích tụ ruộng đất, phấn đấu đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 30% GDP; thu hút vốn FDI có chọn lọc chứ không ồ ạt, không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá; tăng kim ngạch xuất khẩu 10%.
Về dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2018, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, không để thiếu hàng sốt giá; tập trung chăm lo Tết cho người dân, nhất là lo cho vùng thiên tai, không để người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đứt bữa. Tập trung giải quyết một số vụ việc dư luận xã hội quan tâm, lên án như xâm hại trẻ em, trẻ em đuối nước, phá rừng… Giải quyết vấn đề tái nghèo ở vùng bị thiên tai là rất quan trọng, các địa phương cần quan tâm./.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn