Trong những năm qua, huyện Pác Nặm đã tích cực xây dựng Đảng bộ, chính quyền vững mạnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh…đến nay, bộ mặt của huyện đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có bước chuyển biến rõ rệt.
Huyện Pác Nặm tổ chức họp để nắm tình hình chung, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội |
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Để đạt được kết quả trong các lĩnh vực công tác, huyện Pác Nặm đã tiến hành kiện toàn, sắp xếp bộ máy hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với sở trường, năng lực của cán bộ. Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở huyện cũng kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về năng lực, suy đồi đạo đức nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đảng viên để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Từ năm 2012 đến hết năm 2016, huyện Pác Nặm đã thi hành kỷ luật 34 cán bộ, đảng viên vi phạm với các hình thức kỷ luật: Khiển trách 17 người, cảnh cáo 11 người, cách chức 02 người và khai trừ 04 đảng viên. Kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức Đảng và đảng viên, không để tồn đọng, kéo dài, đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời những tổ chức Đảng, đảng viên có sai phạm.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, tiếp tục thi hành kỷ luật 07 đảng viên với hình thức khiển trách 05, cảnh cáo 01, cách chức 01, trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật có 03 đồng chí là cấp ủy viên các cấp; nội dung vi phạm chủ yếu về phẩm chất đạo đức lối sống, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước 05…
Huyện Pác Nặm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII); Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI); triển khai học tập Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tới các cấp, các ngành trong huyện; tổ chức cuộc thi Thuyết trình việc thực hiện nghị quyết của Đảng gắn với cải cách hành chính và sửa đổi lối làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, sau khi được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện đến nay đã đạt kết quả thiết thực, tạo sức lan tỏa trên địa bàn huyện, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị tồn tại trong những năm qua đã tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo nên những chuyển biến trong việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ.
Theo đồng chí Trần Văn Hùng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm: Bên cạnh những kết quả đã đạt được Huyện ủy cũng đã chỉ ra những hạn chế còn tồn tại cần tiếp tục có những điều chỉnh, thay đổi, đó là: Việc cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động ở một số tổ chức Đảng chưa sát thực tiễn của địa phương, đơn vị. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tự giác tham gia nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng. Vai trò tiên phong gương mẫu, tính tự giác, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của một số cán bộ, đảng viên còn yếu. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng chưa cao…
Nhiều giải pháp trong giảm nghèo
Để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền huyện Pác Nặm đã chỉ ra những khó khăn, thách thức đó là: Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Tiềm năng về đất đai, lao động chưa được khai thác có hiệu quả. Sản xuất công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tuy có bước tăng trưởng nhưng chưa có yếu tố đột phá, quy mô nhỏ lẻ, manh mún còn mang tính tự cung, tự cấp, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa có sức cạnh tranh trên thị trường…từ đó đưa ra những giải pháp chỉ đạo cụ thể.
Theo đó, huyện đã hình thành vùng chuyên canh tập trung như: Vùng trồng ngô tại xã Xuân La, Nghiên Loan, Cổ Linh, Cao Tân; vùng trồng cây quýt, mận tại xã Công Bằng, Xuân La, Bằng Thành; vùng trồng cây đỗ tương tại xã Cao Tân, Cổ Linh. Chú trọng đưa những giống có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất...Nhờ vậy đến nay tổng diện tích gieo trồng cây lương thực bình quân hằng năm đạt trên 5.000 ha (diện tích trồng lúa 2.252 ha/năm, cây ngô 2.810 ha/năm), năng suất lúa bình quân đạt 45 tạ/ha/năm. Sản lượng lương thực bình quân đạt trên 19.000 tấn, đạt và vượt so với nghị quyết, bình quân lương thực đầu người đạt 642kg/năm, cao hơn so với mức bình quân của tỉnh.
Xác định lĩnh vực chăn nuôi là một trong những thế mạnh, Pác Nặm đã chú trọng công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đồng thời phát huy hiệu quả của 03 chợ trâu, bò của huyện (chợ trâu, bò xã Nghiên Loan, Bộc Bố và Công Bằng). Đến nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì và phát triển hơn 17.100 con, riêng trong 9 tháng đầu năm 2017 đàn trâu, bò tăng gần 300 con. Nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ chăn nuôi trâu, bò nuôi nhốt hoặc bán chăn thả, như hộ ông Hoàng Văn Thân, thôn Thôm Mèo, xã Xuân La; Lý Văn Chung, thôn Mạ Khao, xã Cao Tân hay hộ gia đình ông Giàng Văn Tiến, thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan và còn hàng trăm hộ gia đình khác trên địa bàn huyện.
Nhờ chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền những năm gần đây ngành nông nghiệp huyện Pác Nặm tiếp tục đạt được nhiều kết quả cao |
Phát huy nguồn lực hỗ trợ để giảm nghèo
Nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo để giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền huyện đã huy động nội lực và phát huy các nguồn lực bên ngoài nhằm hỗ trợ người nghèo về sinh kế; nhân rộng những mô hình sản xuất phù hợp với thực tế địa phương giúp các hộ thoát nghèo.
Từ năm 2015 đến nay huyện đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình 30a, 135 với số tiền hơn 21 tỷ đồng để hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản; hỗ trợ thực hiện hơn 21ha cây ăn quả; hỗ trợ giống lúa, ngô lai có năng suất cao với hơn 215 tấn; hỗ trợ mua phân bón, máy nông cụ có gắn động cơ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để đầu tư làm đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 30km, đồng thời thực hiện các công trình phụ trợ khác. Phát huy nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh của nhân dân trên địa bàn huyện, đến nay tổng dư nợ trên địa bàn toàn huyện là gần 200 tỷ đồng.
Pác Nặm cũng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng điều kiện làm việc và phục vụ nhân dân được tốt hơn. Đến nay toàn huyện đã có 112/118 thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 110 thôn, bản xe máy đi đến được trung tâm thôn; 100% trẻ đến độ tuổi vào lớp 1 được đến trường, duy trì kết quả phổ cập giáo dục; 10/10 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 10/10 có đủ trường, lớp đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu dạy và học của con, em đồng bào trên địa bàn huyện. Từ năm 2015 đến nay Pác Nặm đã giải quyết việc làm ổn định và thời vụ cho hơn 1.000 người.
Đồng chí Vy Duy Tuyến- Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Để đưa Pác Nặm phát triển, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn mới có sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng huyện Pác Nặm giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về Luật HTX kiểu mới để hình thành và phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế tập thể. Tập trung triển khai có hiệu quả các nguồn vốn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, 30a, 135 và các chương trình giảm nghèo bền vững khác. Có cơ chế ưu tiên các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đến kinh doanh, đầu tư khai thác những tiềm năng, thế mạnh mà Pác Nặm đã và đang có lợi thế.../.
Tác giả: Văn Lạ
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn