Tại Pác Nặm, sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, lĩnh vực nông - lâm nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế; sản lượng lương thực tăng, an ninh lương thực được đảm bảo, đến nay đã hình thành được một số vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Pác Nặm có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 47.000ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 4.000ha, còn lại là đất lâm nghiệp. Toàn huyện có hơn 6.800 hộ, với dân số hơn 33.300 người, gồm 07 dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn chiếm hơn 44%.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Pác Nặm đã thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển nông - lâm nghiệp, huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa như: Vùng trồng ngô tại xã Nghiên Loan, Xuân La, Cao Tân, Cổ Linh; vùng trồng cây cam, quýt tại xã Công Bằng; cây mận sớm tại xã Xuân La, Bằng Thành; vùng trồng các cây lương thực như đỗ tương tại xã Cao Tân, Cổ Linh, trồng cây có giá trị cao như thảo quả và một số cây dược liệu khác tại xã Nhạn Môn. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, tập trung đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Hoạt động tiếp dân được huyện Pác Nặm chú trọng thực hiện tốt. |
Những nỗ lực trên đã giúp tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện tăng từ 20.263 tấn năm 2015 lên 21,245 tấn năm 2016 tăng, đạt 100,2% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; bình quân lương thực năm 2015 đạt 633kg/người/năm thì năm 2016 tăng lên 642kg/người/năm, đạt 107% so với Nghị quyết Đại hội. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt hơn 12.900 tấn, bằng 97% kế hoạch. Tổng đàn đại gia súc tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định với tổng đàn đạt hơn 17.800 con, trong đó, đàn trâu hơn 9.000 con, đàn bò hơn 8.000 con; tổng đàn gia cầm hiện có hơn 108.000 con; tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng luôn được huyện quan tâm thực hiện. Diện tích rừng trồng mới tập trung, trồng cây phân tán tăng qua hằng năm. Từ năm 2015 đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 1.200ha rừng, đạt trên 61% kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 55,2%, vượt chỉ tiêu so với nghị quyết. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm lâm luật, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đến người dân về phòng chống cháy rừng.
Pác Nặm đã tận dụng và phát huy tốt các nguồn lực hỗ trợ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2015 đến nay huyện đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a, 135 với số tiền hơn 21 tỷ đồng để hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản với số lượng hơn 1.200 con; hỗ trợ thực hiện hơn 21ha cây ăn quả; hỗ trợ giống lúa, ngô lai có năng suất cao với hơn 215 tấn; hỗ trợ mua phân bón, máy nông cụ có gắn động cơ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, đời sống tinh thần, vật chất cũng được cải thiện.
Đồng chí Vi Duy Tuyến- Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm đánh giá: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự nỗ lực cố gắng của các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, thu ngân sách đều đạt và vượt kế hoạch giao, giá trị sản xuất nông nghiệp được duy trì và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện, tạo ra diện mạo mới cho huyện, các vấn đề về giải quyết việc làm, an sinh xã hội tiếp tục có bước chuyển biến tích cực… qua đó, đời sống tinh thần vật chất của nhân dân được nâng lên... |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Pác Nặm cũng đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Công tác chỉ đạo, điều hành đôi khi chưa thực sự quyết liệt; công tác kiểm tra, đánh giá tổ chức hoạt động của UBND các xã chưa kịp thời; một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện chưa thực sự bám sát chương trình công tác năm nên một số công việc còn chậm so với kế hoạch; sự phối hợp giữa các phòng, ban, các xã có nơi còn mang tính hình thức nên hiệu quả công việc chưa cao…/.
Tác giả: Văn Lạ
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn