Xác định rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy Bạch Thông luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp.
Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 15- CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam". Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 120-KH/HU ngày 16/4/2013 về biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền cân đối ngân sách để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản.
Đến nay, ở cấp huyện đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản 05 cuốn lịch sử các loại gồm: Lịch sử Đảng bộ huyện Bạch Thông tập 1 (giai đoạn 1930 - 1975); Lịch sử Đảng bộ huyện Bạch Thông tập 2 (giai đoạn 1975 - 2005); Bạch Thông anh hùng và đổi mới; Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bạch Thông (1945 - 1975); Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bạch Thông (1975 - 2010).
Đối với cấp cơ sở, tính đến tháng 9/2017 đã có 07 đảng bộ xã, thị trấn biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử đảng bộ gồm các xã: Cẩm Giàng, Vũ Muộn, Đôn Phong, Phương Linh, Tân Tiến, Hà Vị và Thị trấn Phủ Thông. Có 6 xã đã tổ chức hội thảo bản thảo chi tiết, đang hoàn chỉnh để tiến hành đề nghị thẩm định và xin phép in ấn xuất bản trong năm 2017 gồm xã Vi Hương, Lục Bình, Quân Bình, Nguyên Phúc, Quang Thuận, Dương Phong. 4 xã còn lại đang xây dựng đề cương, tiến hành sưu tầm tài liệu và tổ chức biên soạn theo kế hoạch gồm Sỹ Bình, Cao Sơn, Mỹ Thanh, Tú Trĩ; dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Hội thảo Lịch sử Đảng bộ xã Lục Bình (giai đoạn 1953 - 2015) |
Tại xã Lục Bình (Bạch Thông) thực hiện chủ trương của Huyện ủy về xây dựng cuốn lịch sử Đảng bộ xã, thị trấn; năm 2015, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết tổ chức thực hiện và thành lập ban chỉ đạo, tổ sưu tầm, ban biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1953- 2015, đồng thời chủ trì, phối hợp với các thầy giáo khoa xây dựng Đảng, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên tổ chức biên soạn cuốn lịch sử. Đến nay cơ bản đã viết xong bản thảo chi tiết và tổ chức hội thảo, hiện đang hoàn chỉnh và dự kiến trong tháng 10/2017 này sẽ tiến hành đề nghị thẩm định và xin phép in ấn xuất bản.
Đồng chí Hoàng Văn Trí- Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Lục Bình (Bạch Thông) cho biết: Trong quá trình biên soạn, tổ chức hội thảo chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm qua các thời kỳ. Tuy vậy, trong thực hiện gặp một số khó khăn đó là khó tìm nhân chứng sống trước giai đoạn 1965, tài liệu lưu trữ ở xã không đầy đủ nên một số tư liệu chỉ dựa vào thông tin một chiều do vậy không xác minh được cụ thể…
Qua tìm hiểu, khó khăn chung của các địa phương khi triển khai biên soạn cuốn lịch sử đều gặp đó là nhiều cán bộ lão thành, nhân chứng lịch sử ở cơ sở tuổi đã cao, trí nhớ giảm hoặc đã từ trần nên việc dựa vào nguồn tư liệu sống để nghiên cứu, sưu tầm khó thực hiện. Công tác lưu trữ tư liệu không đảm bảo, thất lạc nhiều. Chưa bố trí được cán bộ chuyên ngành để đảm nhiệm công tác lịch sử Đảng ở cả cấp huyện và cơ sở. Kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử từ huyện đến cơ sở tuy đã được cấp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng một số cuốn sách lịch sử Đảng bộ cơ sở chưa thực sự được như mong muốn…
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bạch Thông cho biết: Để thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn lịch sử Đảng, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương. Chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm biên soạn lịch sử ở cơ sở. Phấn đấu đến năm 2019, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện xong việc biên soạn cuốn Lịch sử đảng bộ xã, thị trấn. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; tiếp tục chỉ đạo, huy động các nguồn kinh phí để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống như: ngân sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, nguồn kinh phí cân đối của mỗi đơn vị và xã hội hóa…
Thường trực Huyện ủy Bạch Thông cũng đưa ra kiến nghị là đề nghị các cơ quan liên quan cấp tỉnh, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn đối với công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí cho huyện, cũng như các xã, thị trấn để nghiên cứu nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống trong các giai đoạn tiếp theo./.
Tác giả: Nông Vui
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn