233 thôn, bản chưa có điện
Chiều ngày 19/7, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An chất vấn đại diện Sở Công thương về các vấn đề liên quan đến chất lượng điện và giải quyết hậu quả của việc ồ ạt quy hoạch các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Nghệ An đã thực hiện khá tốt việc bàn giao lưới điện cho ngành điện lực quản lý. Tuy nhiên, chất lượng hạ tầng lưới điện và chất lượng điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Việc bàn giao lưới điện nông thôn đã được triển khai nhưng nhiều nơi chưa được hoàn trả vốn hoặc xảy ra tình trạng ngành điện mượn hạ tầng, tài sản của các cơ sở quản lý cũ nhưng chưa định giá tài sản để tiếp nhận hoặc hoàn trả. Bên cạnh chất lượng điện chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, giá điện tại các chung cư, khu đô thị còn cao cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri và các đại biểu.
Mặc dù trên địa bàn có nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động nhưng mục tiêu đến năm 2020 tất cả người dân nông thôn, miền núi, hải đảo có điện sinh hoạt vẫn khó khả thi. Đến thời điểm hiện tại Nghệ An đang còn 233 thôn, bản chưa có điện.
Việc mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã xảy ra tình huống dở khóc dở cười khi cột điện 'bỗng nhiên" chình ình ngay giữa đường, gây cản trở, mất an toàn giao thông.
Đại diện ngành điện lực thừa nhận có những tồn tại như cử tri và các đại biểu phản ánh. Ngành điện lực và các cơ quan liên quan đang nỗ lực từng bước khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Ông Trịnh Phương Trâm – Giám đốc Điện lực Nghệ An cho rằng việc bàn giao lưới điện nông thôn, điện ở các chung cư, khu đô thị mới cho ngành điện quản lý sẽ có hiệu quả hơn, giảm thất thoát điện và do người dân được mua điện tại gia nên sẽ có giá rẻ hơn. Ngành điện lực tập trung, tìm kiếm nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp lưới điện, vận hành và quản lý.
Hiện ngành điện lực đã cải tạo, nâng cấp được trên 8.000 km sau khi tiếp nhận bàn giao; còn khoảng 3.000 km chưa cải tạo, ngành điện đang tìm vốn để tiếp tục cải tạo, nâng cấp. Trước mắt ngành điện dắm các trạm hạ thế ở chưa có điều kiện cải tạo để nâng cấp chất lượng điện. Ngành điện cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp với ngành điện trong mở rộng đường giao thông, di dời các cột điện nằm trong hành lang ATGT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết tỉnh đã đề xuất với ngành điện lực và Bộ công thương để quản lý điện theo địa giới hành chính để quản lý tốt hơn.
Giám đốc Sở Công thương xin lỗi vì bất cập trong tái định cư thủy điện
Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An đã lên tiếng xin lỗi người dân về những bất cập trong quá trình tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện.
Huyện Quế Phong có 10 dự án thủy điện, trong đó 4 dự án đã đưa vào vận hành. 13 khu tái định cư đã được xây dựng để phục vụ việc di dời người dân phục vụ cho việc triển khai các dự án thủy điện. Tuy nhiên đến nay một số hạng mục tại các điểm tái định cư đã xuống cấp, hư hỏng, nhiều hộ dân chưa được giao đất sản xuất khiến cuộc sống của họ hết sức khó khăn. .
Trong khi đó huyện Kỳ Sơn hiện có 3 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động, 3 dự án đang xây dựng, 3 dự án đang trong quá trình khảo sát và 1 dự án xin đưa vào quy hoạch. Dự án tái định cư thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) tại các huyện Tương Dương và Thanh Chương nhiều hạng mục xuống cấp, nhiều hộ dân trở lại nơi ở cũ, sinh kế của người dân tại khu tái định cư chưa được bảo đảm bền vững.
Theo ông Huỳnh Thanh Điền có 10 vướng mắc về vấn đề này thì có 8 vấn đề thuộc trách nhiệm xử lý của địa phương và 2 vấn đề phải xin ý kiến của Chính phủ. Các ngành chức năng đang nỗ lực giải quyết các tồn tại vướng mắc trong tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở cũ tốt hơn nơi ở mới.
Hiện Nghệ An có 32 dự án quy hoạch thủy điện. Địa phương này đã yêu cầu rà soát quy hoạch và loại 12 dự án thủy điện kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, các dự án phải di dời nhiều người dân và nhiều diện tích đất.
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn