Cơ quan lập báo cáo nêu nhận định khái quát, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự nỗ lực của các cấp, ngành, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được triển khai thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ, đạt được kết quả khá toàn diện.
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là khiếu kiện đông người, các hoạt động chống phá của các tổ chức phản động. Đặc biệt, các ban đã chỉ đạo đối phó thận trọng, kịp thời và xử lý kiên quyết các hoạt động gây rối và mất an ninh trật tự thông qua hoạt động biểu tình, bạo động phản đối một số dự án luật trong thời gian gần đây.
Các cơ quan này cũng đã nghiên cứu, lựa chọn các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm; các vụ án có đơn, thư phản ánh oan, sai; các vụ án còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để tham mưu đưa 408 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ theo dõi, chỉ đạo, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2017.
Một số ban nội chính các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Gia Lai, Ninh Thuận, Trà Vinh… đưa được nhiều vụ việc, vụ án vào danh sách tham mưu, chỉ đạo.
Cụ thể, tính đến thời điểm này, các ban nội chính tỉnh ủy đã tham mưu giúp cấp ủy địa phương chỉ đạo, xử lý xong 108/408 vụ việc, vụ án.
Đối với nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ, theo Phó Trưởng Ban Võ Văn Dũng, sáu tháng đầu năm đã tham gia ý kiến đối với 1.564 trường hợp cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, trong đó có 167 trường hợp bổ nhiệm chức danh tư pháp, chiếm tỷ lệ 11% trong tổng số.
Ngoài ra, các ban nội chính tỉnh uỷ còn giúp cấp uỷ cho ý kiến về việc xây dựng Đề án cơ cấu vị trí việc làm đối với cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành uỷ và các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trên địa bàn; tham gia ý kiến về quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ năm 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh và quy hoạch cán bộ của các cơ quan khối nội chính và các chức danh tư pháp.
Giám sát lĩnh vực dễ tiêu cực, ngăn chặn vòi vĩnh, nhũng nhiễu
Các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ đã thực hiện nghiêm quy định về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các trường hợp, đơn thư được Thường trực Tỉnh uỷ giao. Tham gia với Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại, tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, các cơ quan này đã tiếp 1.245 buổi/cuộc với 4.834 lượt, nhận tổng số 6.335 đơn các loại (bằng 99,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, ban nội chính xác minh, tham mưu xử lý 1.032 đơn (chiếm 16,3%), chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 1.823 đơn (chiếm 28,78%), phát hành 551 phiếu hướng dẫn; qua xử lý đơn đã phát hiện 18 vụ việc vi phạm, chuyển cơ quan chức năng xử lý (05 vụ có dấu hiệu tham nhũng).
Ngoài các nhiệm vụ trên, một số ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ còn được cấp uỷ giao là thành viên, cơ quan thường trực một số Ban Chỉ đạo của tỉnh uỷ thuộc lĩnh vực nội chính, hoạt động rất hiệu quả, được tỉnh ủy đánh giá cao trong việc tham mưu giúp tỉnh ủy chỉ đạo các vấn đề, vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp tại địa phương.
Về phương hướng, nhiệm vụ nửa sau của năm 2018, các ban nội chính tỉnh ủy xác định nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ thực hiện tốt công tác rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2018, tổng hợp báo cáo Ban Nội chính Trung ương theo quy định.
Tiếp tục chủ động, phối hợp tham mưu giúp tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc ("tham nhũng vặt"); nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Kịp thời báo cáo, đề xuất ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vụ việc, vụ án về nội chính, tham nhũng, kinh tế có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn