Phát biểu tại hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện kết luận số 120 của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở do Ban Dân vận Trung ương Đảng tổ chức sáng 16/7, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ về 2 mô hình tự quản của người dân đã được xây dựng tại địa phương.
Mô hình tổ nhân dân tự quản bắt đầu từ 36 đơn vị thí điểm, đến nay đã lập, vận hành hệu quả được gần 12.500 tổ. Đây là mô hình tự quản của cộng đồng dân cư, quy mô từ 30-40 hộ, hoạt động với 2 nội dung trọng tâm là khuyến học và giữ an ninh trật tự. Đây cũng là nơi kịp thời tiếp nhận những thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng dân cư đến với các cấp uỷ, chính quyền.
Mô hình “hội quán” cũng bắt đầu từ tổ chức “Canh tân hội quán” thành lập tháng 7/2016. Đến nay, đã có 52 hội quán với gần 1.800 thành viên, phát triển được 5 hợp tác xã. Ông Hoan giải thích, Hội quán ra đời gắn với một ngành nghề, mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, do người dân tự nguyện lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ chuyện làng xóm, chuyện nhà…
Bí thư Đồng Tháp chia sẻ tâm huyết trong việc gây dựng mô hình hội quán. Qua nhiều cuộc đối thoại với nông dân, ông vẫn băn khoăn với câu hỏi, nông dân Việt Nam thông minh, cần cù, điều kiện tự nhiên ưu đãi mà sao vẫn không thành công, đa phần người dân vẫn sống nghèo, sống khổ bên cạnh ruộng đất màu mỡ. Đi tìm câu trả lời, ông lý giải lại với người nông dân tại địa phương, lý do là do nông dân Việt Nam chưa có tinh thần hợp tác, hoạt động sản xuất mới chỉ mamh mún, nhỏ lẻ kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.
Từ đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề, cần tổ chức không gian để người dân kết nối, ban đầu đơn thuần chỉ là ngồi uống nước chè với nhau chia sẻ những chuyện gia đình, cuộc sống.
“Khi tôi mới đưa ra ý tưởng đó cũng nhiều người can gián, bảo sẽ không ai muốn “vác tù và hàng tổng” đâu nhưng tôi kiên nhẫn động viên. Chỉ là một mái hiên nhà với bộ bàn ghế đơn sơ kê ra cho bà con ngồi với nhau thôi mà. Từ mô hình sơ khai đó, hội quán ngoài việc là góc uống nước chè, người dân đã tiếp xúc, kết nối với nhau và liên kết với doanh nghiệp để phục vụ việc tiêu thụ nông sản. Họ vui vẻ và tự nguyện, sẵn sàng sinh hoạt dưới tán xoài cũng được, không cần trụ trở nguy nga, không nề hà thuốc nước…” – Bí thư Lê Minh Hoan kể, ông đã rất xúc động khi chứng kiến những cuộc sinh hoạt hoàn toàn tự nguyện như vậy mà người dân đứng chào cờ trước ảnh Bác Hồ một cách nghiêm túc.
Các hội quán không hề có sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước mà chỉ cần kêu gọi đầu tư ban đầu một màn hình, một máy chiếu, loa đài đơn giản mà kết nối trực tiếp được cả cộng đồng người dân với chính quyền, với doanh nghiệp, với nhà khoa học…
Đến giờ, tại Đồng Tháp, người nuôi cá vào hội quán nuôi cá, người trồng xoài thì vào hội quán trồng xoài, người làm khô, làm mắm… cũng vậy. Thực tế, không hiếm những cuộc sinh hoạt tới 12h đêm để hướng dẫn kỹ thuật chăm xoài, trồng quýt. Có hội quán có tới 5 Đại tá về hưu, có người còn xung phong đứng lên làm Chủ nhiệm.
Chính quyền cũng chủ động tuyên truyền bằng cách giới thiệu những hình ảnh, bài học kinh nghiệm của nông nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc… cho bà con xem, tự so sánh.
“Có lẽ chúng ta hơi thiếu niềm tin với người dân chứ cứ đi xuống cơ sở mới thấy, nhiều người rất nhiệt tâm với công tác xã hội. Chúng ta cần thay đổi quan điểm về việc lo cho người dân đi, sao để bà con không phải là người ở trọ trong xóm làng nữa mà chính là chủ thể trong cộng đồng đó. "Mọi sự hỗ trợ của chính quyền đều vô nghĩa nếu người dân không thay đổi”. Điều đó có nghĩa chúng ta cần thay đổi mô hình, từ chính quyền quản lý thành quản trị xã hội. Người dân phải tự vận động cùng với chính quyền chứ không phải cầm đồng tiền mà chính quyền đưa mãi. Việc đó làm sẽ nảy sinh sự chây ỳ, sự đổ thừa… như thực tế đã bộc lộ” – ông Hoan bày tỏ.
Nhấn mạnh nguyên lý, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chính là về gần với người dân, sống với người dân, Bí thư Đồng Tháp kể lại việc ông đã mừng thế nào khi sau một buổi nói chuyện với người nông dân trồng xoài, ông này đã xác nhận là “bị thuyết phục rồi”. Ông này tự xác định, sự nghèo đói kéo dài lâu nay có lỗi của chính người nông dân vì tư duy manh mún, nhỏ lẻ, không hợp tác với nhau, thậm chí còn cạnh tranh thiếu lành mạnh kiểu như nói xấu lẫn nhau, bán phá giá...
Cũng chia sẻ những câu chuyện về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn gới việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết, tỉnh đã quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Theo đó, từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng, chính sách an sinh xã hội, huy động đóng góp… đều được công khai. Chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bàn bạc, quyết định, tham gia của người dân. Nhiều nội dung phải lấy ý iến của nhân dân nhiều lần, trình bày kỹ để người dân hiểu, người dân giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Bên cạnh 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới được đề ra, Ninh Bình quy định thêm tiêu chí số 20 về “Ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân” để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, chỉ khi nhận được từ 90% số phiếu nhất trí đồng tình trở lên của người dân thì địa phương mới được xem là đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với cách làm chủ động đó, hơn 7 năm qua, Ninh Bình đã huy động được gần 33.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn huy động từ sự đóng góp của người dân là trên 8.100 tỷ đồng. Người dân cũng hiến hơn 1.000ha đất để dồn điền đổi thửa, xây dựng giao thông nông thôn, huy động trên 1 vạn ngày công.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn