Tàu tiếp vận Mỹ thử nghiệm nạp tên lửa vào bệ phóng thẳng đứng trên chiến hạm, nhằm chuẩn bị cho kịch bản tác chiến cường độ cao.
Cuộc thử nghiệm nạp tên lửa trên biển diễn ra tại các quân cảng ở bang Colorado và California từ ngày 4 đến 7/10, nhưng thông tin chỉ được hải quân Mỹ công bố hôm 18/10.
Thông thường tàu chiến Mỹ sẽ được nạp tên lửa tại cảng, đòi hỏi chiến hạm phải quay về cảng nhà để neo đậu và tiếp thêm vũ khí, sau đó quay lại chiến trường. Hải quân Mỹ cho biết đây là lần đầu một tàu tiếp vận xa bờ được sử dụng để thử nghiệm khái niệm nạp đạn cho hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) cho tàu chiến ngay trên biển, giúp tiết kiệm thời gian trở về cảng nhà.
Trong đợt thử nghiệm, tàu tiếp vận xa bờ MV Ocean chuyển các ống phóng thẳng đứng sang tàu khu trục USS Spruance và nạp vào bệ phóng của chiến hạm này tại vùng biển trên vịnh San Diego. Quan chức hải quân Mỹ cho biết các ống phóng là phiên bản huấn luyện, không chứa tên lửa chiến đấu.
Hiện chưa rõ hải quân Mỹ có quyết định tiến hành thử nghiệm ở vùng biển ngoài khơi, nơi sóng mạnh hơn và các tàu rung lắc nhiều hơn, hay không.
Ống phóng được nạp vào bệ Mark 41 trên tàu USS Spruance trong thử nghiệm ngày 4/10. Ảnh: US Navy.
Hải quân Mỹ đang tìm cách khôi phục khả năng nạp đạn trên biển cho hệ thống VLS Mark 41 của tàu chiến. Đây là yếu tố có thể thay đổi đáng kể khả năng hậu cần trong tình huống giao tranh cường độ cao với các đối thủ ngang hàng.
Kể từ khi bắt đầu vận hành trên tuần dương hạm USS Bunker Hill vào năm 1986, Mark 41 và biến thể mới Mark 57 đã trở thành hệ thống hỏa lực chính trên hạm đội tàu mặt nước của Mỹ. Nó tương thích với nhiều loại vũ khí trong biên chế hải quân Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa chống ngầm VL-ASROC, tên lửa phòng không tầm xa SM-2, SM-3 và SM-6.
Điều này cho phép mỗi tàu mang được cả tên lửa phòng thủ và tấn công tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau khi hệ thống VLS sử dụng hết tên lửa, các tàu chiến phải rút về cảng đồng minh để nạp đạn. Đây là điểm yếu nghiêm trọng, đặc biệt trong kịch bản giao tranh cường độ cao.
Khi mới đưa vào biên chế, hệ thống Mark 41 vẫn có thể nạp các tên lửa nhẹ vào ống phóng ngay trên biển. Khả năng này bị loại bỏ sau Chiến tranh Lạnh, do Mỹ tin rằng sẽ không bao giờ có đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đủ sức thách thức sự thống trị đại dương của họ.
Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng tăng, buộc hải quân Mỹ thay đổi chiến thuật, tìm cách nạp tên lửa gần tiền tuyến cho hạm đội tàu chiến. Việc tàu chiến phải về cảng cách chiến trường hàng nghìn km để nạp đạn có thể khiến chúng vắng mặt vào thời khắc quan trọng, trong khi các căn cứ hậu cần dễ trở thành mục tiêu bị tấn công.
Tác giả: Vũ Anh
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn