Kết thúc ngày dài làm việc, Fujiwara mệt mỏi trở về căn hộ rộng chưa đầy 10 m2, dự định tập yoga nhẹ nhàng trước khi chợp mắt.
Cô trải tấm thảm yoga ngay cạnh bệ bếp, đối diện nhà vệ sinh. "Tôi cần phải sáng tạo các tư thế tập, nếu không muốn va đụng đồ vật xung quanh", Asumi Fujiwara, 29 tuổi, nhân viên Giải Bóng chày Chuyên nghiệp Nhật Bản (NPB), kể về cách tập yoga trong căn hộ siêu nhỏ giữa lòng thủ đô Tokyo.
Tokyo là một trong những đô thị đông dân bậc nhất thế giới, nổi tiếng với những căn hộ 9 mét vuông, khi giá bất động sản đắt đỏ. Những căn hộ như vậy được gọi là phòng ba tatami (loại chiếu của Nhật Bản), dựa trên số lượng chiếu có thể trải kín sàn nhà.
Nhu cầu thuê chúng cũng rất mạnh. Căn hộ ba tatami có diện tích chỉ bằng 1/2 căn studio trung bình tại thủ đô, nhưng có trần nhà cao 4 mét, nơi có thể bố trí một gác xép để ngủ. Chúng cũng được thiết kế rất phong cách, với sàn và tường được sơn trắng để tạo cảm giác rộng rãi hơn. Nếu khéo sắp xếp, chủ nhà vẫn có thể bố trí đủ máy giặt, tủ lạnh, sofa và cả bàn làm việc.
Một phụ nữ làm việc bên trong căn hộ siêu nhỏ tại Tokyo, ngày 26/5. Ảnh: Mainichi.
Giá thuê những căn hộ siêu nhỏ này khoảng 340-630 USD/tháng, rẻ hơn nhiều so với các căn studio khác trong khu vực. Hơn 2/3 người sống trong các căn hộ này là thanh niên ngoài 20 tuổi, có thu nhập trung bình 17.000-20.000 USD/năm, theo dữ liệu từ chính phủ Nhật Bản.
Với người trẻ ở Nhật, những không gian nhỏ như vậy phù hợp với phong cách sống của họ. Người Nhật thường không tiếp khách tại nhà. Fujiwara thậm chí chưa từng có khách ghé thăm căn hộ của cô suốt hai năm qua. "Không gian này là dành cho tôi", cô nói.
Người Nhật thường xuyên làm việc nhiều giờ và ít dành thời gian ở nhà. Ngày càng có nhiều người sống một mình tại thủ đô Tokyo, khiến những căn hộ siêu nhỏ ngày càng được săn lùng.
Ngay cả khi phải thanh lý bộ sưu tập giày thể thao vì không còn chỗ để trong căn hộ siêu nhỏ, Yugo Kinoshita, sinh viên 19 tuổi, tuyên bố "sẽ không sống ở bất kỳ nơi nào khác".
Kinoshita làm thêm ca tối tại một chuỗi nhà hàng cơm bò đến 23h. Tan ca, anh thường ăn suất ăn nhân viên miễn phí, tắm tại nhà tắm công cộng sento và "bất tỉnh" ngay khi về tới nhà. Trong ngày, Kinoshita phải đối phó với núi bài tập để lấy bằng cử nhân dinh dưỡng, nhưng vẫn dành thời gian gặp bạn bè.
Khi thức dậy, chiếc giá đỡ TV sẽ biến thành bàn học và bàn ăn. Để lau sàn nhà, tất cả những gì Kinoshita cần là một cây lăn quần áo.
Một sinh viên bên trong căn hộ siêu nhỏ của mình tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, năm 2019. Ảnh: Japan Times.
Đối với một số người, những căn hộ này là cánh cửa dẫn đến sự độc lập lâu dài. Hai năm trước, Kana Komatsubara, nhà tạo mẫu móng 26 tuổi, bắt đầu tìm nhà khi quyết định ra ở riêng. Cô muốn một không gian mới xây, thuận tiện đến chỗ làm, có nhà vệ sinh và phòng tắm riêng biệt, nhưng ngân sách tương đối eo hẹp.
Sau khi xem các quảng cáo trên mạng, cô quyết định thuê một căn hộ siêu nhỏ. "Tất nhiên, càng rộng càng tốt", Komatsubara nói. "Đây chỉ đơn giản là lựa chọn tốt nhất dành cho tôi vào thời điểm đó".
Tòa nhà nơi Komatsubara ở cách ga tàu điện ngầm gần nhất ở Shinjuku một phút đi bộ, qua một con hẻm nhỏ hẹp. Căn hộ của cô ở trên tầng ba, có cánh cửa màu đỏ tía giống những căn còn lại dọc hành lang chung.
Bên trong là một giá nhỏ xếp vừa ba đôi giày, một hành lang liền bếp dẫn tới "phòng khách". Komatsubara để một tuýp kem đánh răng và một chai nước súc miệng ở bồn rửa trong bếp. Tại nơi dự định để máy giặt, cô bố trí các thiết bị làm việc của mình. Túi nilon đựng rác treo trên nắm đấm cửa.
Cô nói sống trong không gian nhỏ hẹp như vậy có một lợi ích nhỏ là hạn chế ăn kem. Chiếc tủ lạnh mini trong căn hộ không có ngăn đá. Cùng thói quen tập boxing hàng ngày, thân hình cô trở nên gọn gàng hơn.
Một người đàn ông làm việc trên gác xép căn hộ "siêu nhỏ" ở Tokyo, Nhật Bản, năm 2018. Ảnh: Spilytus.
Trong khi đó, Fujiwara, nhân viên giải NPB, chuyển đến sống tại căn hộ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cô từng sống trong một ngôi nhà chung, nhưng không gian riêng tư bị hạn chế trong thời gian làm việc tại nhà khiến cô lo âu và căng thẳng.
Không gian nhỏ hơn khiến Fujiwara thúc đẩy lối sống bền vững. "Căn hộ giúp tôi suy nghĩ kỹ mỗi khi mua thứ gì đó mới", cô nói.
Nhưng, bên cạnh bồn rửa trong bếp là một chồng khoảng 40 chiếc cốc giấy màu nâu. "Tôi không có không gian bố trí giá đựng bát đĩa", Fujiwara cho hay.
Cả Fujiwara và Komatsubara đều mơ ước có nhiều không gian hơn để xếp quần áo, những thứ họ đang treo gọn trên gác xép. Mỗi khi giao mùa, Komatsubara lại phải đến nhà bố mẹ để lấy quần áo.
Họ cũng từ bỏ máy giặt để sử dụng không gian hiệu quả hơn. Thay vào đó, họ đi giặt tiệm một hoặc hai lần mỗi tuần.
Trong khi đó, sinh viên Kinoshita có máy giặt nhưng không có máy sấy, buộc anh phải phơi quần áo trên thanh treo rèm. Anh cũng không thể hoàn thành một số bài thực hành về bộ môn dinh dưỡng tại nhà, do không gian bếp quá nhỏ.
Nhưng Komatsubara bày tỏ niềm hài lòng của mình đối với căn hộ, bởi chi phí phải chăng là điều cô mong muốn. "Càng nhiều tuổi, nhu cầu về không gian sống trong căn hộ của tôi lại càng nhỏ hơn", cô nói.
Tác giả: Đức Trung
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn