Trong cuộc trao đổi với các nhà báo tại Washington, Mỹ ngày 8/8, ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cho biết Mỹ là một trong những nước cung cấp Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất cho ASEAN. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.
Theo ông Mealy, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng do chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp tại Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều thách thức, song họ vẫn có những cơ hội để phát triển. Ông Mealy dẫn các số liệu thống kê cho thấy, tốc độ phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ chậm lại trong năm nay do tác động của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và trong bối cảnh tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc cũng có xu hướng chững lại.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN khẳng định các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn có cơ hội phát triển ngay cả trong điều kiện khó khăn. Khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có sự thay đổi, nhiều công ty đa quốc gia và châu Á đã bắt đầu điều chỉnh chuỗi cung ứng bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Ông Mealy lấy ví dụ về trường hợp của Việt Nam như hình mẫu của một quốc gia biết cách tận dụng cơ hội để phát triển.
“Xét về mặt cơ hội, tôi nghĩ phía Mỹ chúng tôi tin rằng Việt Nam đã trở thành một “hiện tượng mới”, là một trong những nơi được truyền thông nhắc đến nhiều nhất như một quốc gia đạt được lợi ích từ bối cảnh hiện nay. Việt Nam không chỉ có những nền tảng cơ bản của một nền kinh tế mới nổi năng động, mà họ còn chào đón các doanh nghiệp rằng, “nếu các doanh nghiệp muốn có một nơi để phân bổ nguồn lực và điều chỉnh chuỗi cung ứng, hãy nhìn vào Việt Nam như một môi trường hoàn toàn phù hợp để kinh doanh”, ông Mealy nói.
Trong bài viết đăng trên Business Times hồi tháng 7, ông Mealy cũng nhận định rằng, “Việt Nam là một trong những nước được cho là hưởng lợi nhiều nhất” từ xu hướng thương mại hiện nay, xét đến tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1 năm 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng 38% so với quý 1 năm 2018, một phần do tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chuyển một phần dây chuyển sản xuất điện thoại di động xuất khẩu sang các nhà máy tại Việt Nam.
Ông Mealy đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thương mại toàn cầu, đồng thời khẳng định sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp Mỹ đối với khu vực nhiều tiềm năng này.
Ông Mealy nói rằng Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN vẫn luôn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến chính trị và kinh tế tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm các cuộc bầu cử, để có thể nắm bắt tình hình và cung cấp thông tin chính xác cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Mục đích của việc làm này là nhằm chuẩn bị tốt hơn cho các doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi vẫn nghiên cứu các tiến trình bầu cử trong khu vực và mối quan hệ của tiến trình này đối với việc thực thi các chính sách từ chính phủ mới và cũ của các nước”, ông Mealy nói.
Theo ông Mealy, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận tiềm năng phát triển thực sự của các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Mealy nhấn mạnh rằng các nước trong khu vực vẫn cần phải có các quy định và chính sách phù hợp, chẳng hạn giảm thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, để họ có cơ hội phát triển trở thành các doanh nghiệp có trị giá “tỷ đô” trong tương lai.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại của ASEAN khi Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm tới, ông Mealy cho biết những gì chính phủ Việt Nam đang đặt ưu tiên cho năm Chủ tịch ASEAN cũng là những mục tiêu mà phía Mỹ muốn thúc đẩy.
“Phía Mỹ cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc làm sâu sắc thêm cộng đồng kinh tế ASEAN trong những khía cạnh như loại bỏ hàng rào thuế quan vốn đang tồn tại trong khối và xây dựng ASEAN thành khu vực mở cửa, đồng thời thực thi chương trình chính sách thương mại để thúc đẩy tự do hóa thương mại hơn nữa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Mealy chia sẻ.
Một vài điểm nhấn ấn tượng trong báo cáo gửi các phóng viên của Trung tâm Đông - Tây tại Washington và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN về sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và ASEAN.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ hàng năm từ Mỹ vào ASEAN đạt hơn 105 tỷ USD. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 đối với hàng hóa của Mỹ, sau Canada, Mexico và Trung Quốc. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN.
- ASEAN là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 4 của Mỹ trên quy mô toàn cầu và lớn thứ 2 tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sau Trung Quốc. Kim ngạch thương mại Mỹ - ASEAN đã tăng gần 30% trong hơn 10 năm qua.
- 50 bang của Mỹ đều có hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu sang ASEAN. Hợp tác thương mại với ASEAN mang lại hơn một nửa triệu việc làm tại Mỹ.
- ASEAN là điểm đến đầu tư số 1 của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. ASEAN đã nhận gần 329 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Mỹ, lớn hơn so với số vốn đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản cộng lại.
Thành Đạt
(Từ Washington, DC)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn