Truyền thông Philippines đưa tin, theo ông Ryan Martinson, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, hai tàu khảo sát đại dương của Trung Quốc là Zhanjian và Dong Fang Hong 3 gần đây đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ông Martinson đã đăng tải hình ảnh cho thấy lộ trình của các tàu trên Twitter.
Cụ thể, tàu Zhanjian được nhìn thấy hoạt động cách bờ biển phía đông của Philippines khoảng 80 hải lý. “Nó đang hoạt động với sự cho phép của Manila?”, ông Martinson đặt câu hỏi hôm 6/8.
Theo chuyên gia Mỹ, con tàu trên đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines kể từ ngày 3/8.
Dựa vào việc theo dõi đường đi của tàu Zhanjian, ông Martinson cho rằng con tàu đang tiến hành hoạt động nghiên cứu biển và có thể đặt hoặc thu hồi các dụng cụ trong khu vực.
Đến ngày 7/8, ông Martinson đã đăng tải một bản đồ mới theo dõi lộ trình của một tàu khảo sát khác của Trung Quốc, cho thấy nó ở phía bắc đảo Luzon. “Bổ sung Dong Fang Hong 3 vào danh sách các tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hôm nay”, ông cho hay.
Dữ liệu từ trang MarineTraffic chuyên theo dõi các tàu cũng cho thấy Dong Fang Hong 3 xuất hiện trong vùng biển của Philippines vào ngày 7/8.
Theo một bài báo trên Xinhua, Dong Fang Hong 3 là tàu nghiên cứu đầu tiên của Trung Quốc đạt chứng chỉ Silent-R, chứng chỉ cao nhất cho việc kiểm soát độ ồn dưới nước.
Bình luận trên Twitter về thông tin của ông Martinson, Giám đốc Viện Minh bạch Hàng hải châu Á Gregory Poling cho rằng hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc trong khu vực có thể được sử dụng cho các hoạt động của tàu ngầm trong tương lai.
Ngoại trưởng Philippines nói gì?
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết ông chỉ dựa vào thông tin của quân đội nước này để xác nhận các thông tin trên. “Điều đó không xảy ra cho tới khi tôi nắm được thông tin chính thức từ các lực lượng vũ trang”, ông Locsin viết trên Twitter.
Chuyên gia Martinson đã giám sát các động thái triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây, trong đó có việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ tháng 7.
Cụ thể, từ trung tuần tháng 7, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 25/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
An Bình
Theo Inquirer, Philstar
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn