Gần 1.000 website phát bóng đá lậu bị chặn

Thứ bảy - 21/10/2023 03:16

Khoảng 1.000 website vi phạm bản quyền bóng đá bị chặn trong vòng một năm, nhưng chưa thể dẹp vấn nạn này, theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử.

Tại tọa đàm bảo vệ bản quyền ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số ngày 26/9 ở Hà Nội, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra hết phức tạp ở mảng bóng đá, phim và mới đây bùng nổ ở cả nội dung tranh anime Nhật Bản.

Riêng lĩnh vực bóng đá có khoảng 70 nhóm web lậu, trong đó có 5 nhóm dẫn đầu như xoilac, cakhia... với nhiều địa chỉ website khác nhau. Trong mùa giải 2022-2023, website của các nhóm này đạt 7,7 triệu người dùng, 1,5 tỷ lượt xem theo thống kê của Similarweb. Phim lậu có hơn 200 website, thu hút 120 triệu lượt xem mỗi tháng.

Theo ông Hải, điểm chung của các website trên là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ẩn giấu thông tin. Bên cạnh phát nội dung, chúng hiển thị quảng cáo độc hại, cá độ. Khi bị chặn, các website này liên tục đổi tên miền. Trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến 8/2023, cơ quan chức năng của Việt Nam đã chặn gần 1.000 web lậu về bóng đá.

 
Một trang phát sóng lậu trận đấu tại World Cup 2022, đi kèm quảng cáo game cờ bạc. Ảnh: Lưu Quý

Một trang phát sóng lậu trận đấu tại World Cup 2022, đi kèm quảng cáo game cờ bạc. Ảnh: Lưu Quý

Tại tọa đàm, bà Phạm Thanh Thủy, phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình K+, dẫn số liệu Media Partners Asia cho thấy Việt Nam nằm trong số ba nước dẫn đầu khu vực về số lượng vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập website lậu. Nếu xét tên tỷ lệ dân số, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á. Theo bà Thủy, trước đây tình trạng vi phạm có xuất hiện ở cả TV Box cài sẵn ứng dụng xem lậu. Tuy nhiên đến nay, phần lớn vi phạm xảy ra ở nền tảng số, như website, mạng xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia, đánh giá khi mạng xã hội và các nền tảng OTT phát triển, việc bảo vệ bản quyền càng trở nên thách thức, khi khoảng 80% vi phạm nằm ở các nền tảng số. Các nhóm phát lậu có thể nằm tại Việt Nam, nhưng dùng phần mềm VPN giả địa chỉ, nhằm lấy nội dung từ nước ngoài và phát cho người Việt, ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của dịch vụ trong nước đã mua bản quyền. Ước tính vi phạm bản quyền nội dung khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 350 triệu USD năm 2022.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây