Để có số lượt mua cao và đánh giá 5 sao, nhiều chủ cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử thuê người đặt hộ các đơn hàng.
Thông qua hội nhóm trên Facebook, Zalo, các chủ shop đăng tin tìm kiếm người đặt đơn và viết đánh giá cho sản phẩm của cửa hàng. "Khi hoàn thành mỗi đơn, tôi được họ trả 10.000-15.000 đồng", Hoàng Phương, sinh viên tại Hà Nội, nói. "Trung bình mỗi ngày tôi đặt thành công hơn 10 đơn".
Tương tự, Mạnh Linh (Hà Nội) cho biết chủ cửa hàng trên nền tảng thương mại điện tử thường đẩy mạnh chiến dịch trong những đợt sale lớn, do phía sàn sẽ hỗ trợ cấp mã giảm giá theo phần trăm giá trị đơn hàng. Khi móc nối với chủ shop, Linh được chia sẻ một phần tiền chênh lệch từ đơn hàng đặt hộ có áp mã.
"Thông thường, sàn thương mại điện tử trợ giá 10% giá trị đơn hàng trong đợt sale lớn. Với đơn đặt hộ trị giá một triệu đồng, tôi và chủ shop chia khoản tiền 100.000 đồng theo tỷ lệ thỏa thuận trước", anh Linh nói.
Một bài đăng tìm người đặt hộ đơn trên Facebook. Ảnh: Lưu Quý
Ông Đặng Quang Huy, quản trị viên một nhóm chuyên chia sẻ kinh nghiệm bán hàng online, cho biết tuy không có thống kê số lượng cụ thể, tình trạng đặt đơn hộ đang phát triển tràn lan và tinh vi. Trước đây để làm giả thống kê về hiệu suất bán hàng, nhiều gian hàng sử dụng bot hoặc tạo tài khoản ảo để tự thêm đơn. Tuy nhiên, khi bị thuật toán của sàn truy quét, các chủ shop bắt đầu chuyển sang cách dùng tiền mặt để thuê người đặt.
Họ sẽ yêu cầu các cộng tác viên tạo đơn COD theo chỉ dẫn. Khi hàng được giao, người mua không trực tiếp thanh toán mà gọi điện nhắc shop chuyển khoản cho shipper. Nhờ hoàn tất đánh giá năm sao kèm bình luận tích cực về sản phẩm, họ nhận tiền công từ chủ gian hàng.
Trong nhiều trường hợp, người dùng được hướng dẫn thiết lập nơi nhận hàng gần với địa chỉ cửa hàng. Chủ shop sẽ nhận và thanh toán cho chính đơn đó của mình, người mua không phải làm gì ngoài thực hiện thao tác đặt trên ứng dụng điện thoại.
Người dùng mất tiền vì nạn đặt đơn hộ
Thuật toán của các nền tảng thường ưu tiên gian hàng đạt doanh số cao, nhiều đánh giá năm sao. Do đó, tình trạng đặt đơn hộ làm sai lệch thống kê, khiến các cửa hàng kinh doanh trung thực chịu thiệt khi không giành được vị trí tốt trên đề xuất tìm kiếm.
Ông Huy cho biết người dùng thường được khuyên nên tham khảo nhận xét của những người mua trước về món hàng trước khi quyết định đặt. Tuy nhiên, trên nhóm Facebook của ông, các thành viên liên tục phản ánh việc mất tiền vì mua phải món đồ kém chất lượng ở những shop thoạt nhìn rất uy tín, có lượt bán "khủng", được đánh giá tốt. Nhiều trong số đó không thể yêu cầu hoàn trả do khi sử dụng mới nhận ra hàng không như quảng cáo.
Minh Tâm (Hà Nội) cho biết cô quyết định đặt đơn với giá trị vài triệu đồng sau khi thấy một gian hàng kính mắt có lượt bán cao cùng nhiều lời khen ngợi từ người mua trước đó. Tuy nhiên, khi nhận hàng, kính có độ hoàn thiện kém, mẫu mã không giống quảng cáo. Chủ gian hàng trên website thương mại điện tử tỏ ra khó chịu và đôi co khi Tâm yêu cầu trả hàng. "Họ nói những người mua trước đều hài lòng, do đó phản hồi của tôi không chính xác, không có cơ sở", cô nói.
Ông Huy nhận định trường hợp của Tâm có những dấu hiệu cho thấy chủ shop có thể đã thuê cộng tác viên đặt đơn, từ đó leo lên top tìm kiếm và thu hút thêm những người mua khác.
Không chỉ người mua, những người tham gia chiến dịch đặt đơn cũng bị ảnh hưởng. Hoàng Phương nói cô đang phải mượn tài khoản của em gái để mua hàng online sau khi tài khoản của mình bị khóa. Họ tên, số điện thoại của cô bị sàn liệt vào danh sách đen và ngừng cung cấp dịch vụ.
Mạnh Linh cũng mất quyền tham gia mua sắm trên một số nền tảng vì gian lận. Dù đã liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng, số điện thoại và thông tin ngân hàng từng liên kết với sàn hiện không thể dùng để tạo tài khoản mới do bị đánh dấu "có liên quan tới hành vi gian lận".
Đại diện Shopee, một trong những nền tảng thương mại phổ biến tại Việt Nam, cho biết đặt đơn hộ là hành vi gian lận nhằm tăng các chỉ số ảo, ảnh hưởng đến quá trình mua sắm của người dùng. Vì vậy, tài khoản tham gia sẽ bị xử lý theo quy định của nền tảng. Theo chính sách đăng tại trang thông tin người bán, gian hàng vi phạm sẽ bị xóa số lượt bán và đánh giá sản phẩm, giới hạn tài khoản hoặc khóa vĩnh viễn. Với người bán thuộc Shopee Mall, việc tự đặt hàng sẽ bị phạt 2.000.000 đồng cho mỗi đơn gian lận.
Các nền tảng cũng thường xuyên xem xét và lọc ra các đơn hàng đáng nghi từ người mua. Nếu phát hiện hành vi tăng chỉ số ảo, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn. Tất cả đơn hàng, đánh giá, lượt thích từ người mua cũng bị gỡ khỏi gian hàng liên quan. Nền tảng cũng khuyến khích các chủ cửa hàng báo cáo những đơn vị vi phạm nhằm đảm bảo sự công bằng cho cả bên mua và bán.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn