Nỗ lực đổi mới công tác dạy nghề

Thứ năm - 11/05/2017 13:05
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 18 cơ sở dạy nghề, trong đó trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú là đơn vị đào tạo nghề quy mô lớn nhất. Thời gian qua, trường đã từng bước đổi mới chương trình dạy nghề, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tỉnh Bắc Kạn hiện có 18 cơ sở dạy nghề, trong đó trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú là đơn vị đào tạo nghề quy mô lớn nhất. Thời gian qua, trường đã từng bước đổi mới chương trình dạy nghề, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 Nỗ lực đổi mới công tác dạy nghề

Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú hướng dẫn kỹ thuật trồng chè an toàn cho người dân
xã Mỹ Phương (Ba Bể)

Là một trong những cơ sở đào tạo chất lượng về nguồn nhân lực và dịch vụ chất lượng cao, hàng năm Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú tuyển sinh từ 300 - 500 chỉ tiêu cao đẳng, gần 600 chỉ tiêu trung cấp, gần 2.000 chỉ tiêu sơ cấp và đào tạo thường xuyên; chủ yếu tập trung đào tạo các nghề như: Nông, lâm nghiệp, cơ khí, điện…, trong đó trọng điểm là phát triển mạnh các nghề về nông, lâm nghiệp gắn với dịch vụ nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Năm 2015, nhà trường đã thực hiện thí điểm chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp ở hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bản Nghè, xã Cổ Linh (Pác Nặm).Với sự giúp đỡ của nhà trường về khoa học kỹ thuật, định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế, hoạt động của HTX đã đạt được kết quả tích cực. Tính riêng năm 2015, HTX đã đạt doanh thu trên 200 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, cung cấp nguồn rau an toàn cho 06 trường học trên địa bàn huyện.

Nối tiếp thành công đó, năm 2016, nhà trường mở thêm 04 lớp tại các xã Địa Linh, Quảng Khê và Đồng Phúc của huyện Ba Bể, trong đó phải kể đến lớp đào tạo sơ cấp nghề nông - ngư cho 37 người dân tại thôn Nà Đúc và thôn Nà Lìn (Địa Linh), tập trung đào tạo, hướng dẫn người dân thực hiện canh tác các loại cây rau màu (chủ đạo là cây bí xanh thơm), nuôi cá nước ngọt theo hướng áp dụng quy trình tiêu chuẩn VietGAP; khởi nghiệp kinh doanh và chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian học 6 tháng theo tiến độ mùa vụ sản xuất. Sau khi kết thúc mô hình, các học viên thu được khoảng 96 tấn bí xanh thơm, với giá bình quân 8.000 đồng/kg đã góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập cho các hộ dân.Trong quá trình học, Tổ hợp tác nông - ngư thôn Nà Lìn đã được hình thành với 35 thành viên tham gia, xây dựng được quy chế hoạt động. Trong ban điều hành tổ hợp tác có hộ chị Đồng Thị Vọng đã có giấy phép kinh doanh, được cấp mẫu tem, lô gô sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là điều kiện để nhân rộng mô hình, tuyên truyền, quảng bá và mở rộng thị trường.

Trước đây, cây chè vốn là thế mạnh của xã Mỹ Phương và Chu Hương (Ba Bể) nhưng người dân chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, sản phẩm tự bán cho tư thương. Do vậy, giá trị kinh tế chưa cao, uy tín sản phẩm chưa được khẳng định trên thị trường. Qua khảo sát thực tế tình hình sản xuất và nhu cầu của bà con, tháng 3 năm 2017, Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn đã chính thức mở 2 lớp sơ cấp nghề sản xuất chè an toàn với 64 học viên tại 2 xã. Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, trong quá trình đào tạo nhà trường còn tư vấn, hướng dẫn việc thành lập hợp tác xã kiểu mới. Nhờ đó Hợp tác xã chè Mỹ Phương đã được thành lập với 7 thành viên. Việc thành lập hợp tác xã là “bước đệm” giúp sản phẩm chè địa phương mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập, việc làm cho các hộ dân, góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Với phương pháp đào tạo nghề mới mẻ, trong quá trình đào tạo nghề, nhà trường đã tạo điều kiện cho đại diện tổ hợp tác, hợp tác xã được đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác có các mô hình điển hình. Đặc biệt, ngay trong tháng 4/2017, với sự hỗ trợ của Dự án VIE/034, nhà trường đã mời chuyên gia nông nghiệp của tổ chức quốc tế PUM đến Bắc Kạn để khảo sát tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh. Từ đó, tư vấn, hỗ trợ nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo, một mặt tìm kiếm cơ hội hợp tác trong đào tạo và sản xuất nông nghiệp ở Bắc Kạn.

Phát huy kết quả đạt được, Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú xác định đào tạo nghề nông - lâm - ngư nghiệp là hướng ưu tiên trong thời gian tới; đồng thời tập trung đào tạo nghề gắn với sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường phù hợp với địa phương, dễ áp dụng, chi phí thấp, hiệu quả cao. Nội dung đào tạo chú trọng hỗ trợ các nhóm hộ nông dân cùng sở thích, cùng đam mê hình thành các tổ hợp tác, tiến tới hình thành các hợp tác xã kiểu mới đúng với định hướng phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Trong đào tạo các lớp nghề nông - ngư sẽ chủ động tiến hành khảo sát, lựa chọn được các đối tượng cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, triển khai đúng theo khung mùa vụ để hiệu quả đào tạo được rõ nét hơn, từ đó sản phẩm do người nông dân làm ra sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định hơn./.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập826
  • Máy chủ tìm kiếm128
  • Khách viếng thăm698
  • Hôm nay138,924
  • Tháng hiện tại3,407,543
  • Tổng lượt truy cập155,443,147
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây