Người quản trang nặng nghĩa tình đồng đội

Thứ ba - 18/07/2017 12:41
Suốt 27 năm qua, ông Lục Văn Phổ đã gắn bó với Nghĩa trang liệt sỹ Phủ Thông. Ông luôn tâm niệm việc chăm lo cho những phần mộ liệt sỹ nơi đây là trách nhiệm của bản thân mình - của một người lính cụ Hồ với những đồng đội đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Suốt 27 năm qua, ông Lục Văn Phổ đã gắn bó với Nghĩa trang liệt sỹ Phủ Thông. Ông luôn tâm niệm việc chăm lo cho những phần mộ liệt sỹ nơi đây là  trách nhiệm của bản thân mình - của một người lính cụ Hồ với những đồng đội đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Lục Văn Phổ sinh năm 1955 tại xã Tú Trĩ, huyện Bạch Thông. Năm 1975, ông xung phong nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, các tỉnh Tây Nguyên. Năm 1985, vì lý do sức khỏe, ông giải ngũ, nghỉ chế độ bệnh binh tại thị trấn Phủ Thông.

Ông Phổ năm nay 62 tuổi nhưng đã có thâm niên 27 năm là quản trang khu Nghĩa trang Liệt sỹ Phủ Thông. Chính vì vậy, có lẽ hiện nay ông là người rõ nhất về khu Nghĩa trang này.

Nghĩa trang liệt sỹ Phủ Thông được xây dựng năm 1958. Khi ấy nghĩa trang còn rất hoang sơ, chỉ là một khu đất có vài chục ngôi mộ nằm dưới những hàng cây, chủ yếu là phần mộ các anh hùng liệt sỹ hi sinh trong trận đánh giặc Pháp tại Đồn Phủ Thông.

Năm 1990, tỉnh Bắc Thái (cũ) xây dựng, nâng cấp nghĩa trang với quy mô lớn hơn, có trên 200 phần mộ; có cổng, có tường bao quanh, có đài tưởng niệm… Ông tự nguyện thực hiện nhiệm vụ quản trang từ bấy giờ. Đến tháng 4/1991, ông Lục Văn Phổ được UBND huyện ban hành văn bản chính thức quyết định giao cho nhiệm vụ quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Phủ Thông.

Người quản trang nặng nghĩa tình đồng đội
 Ông Lục Văn Phổ bên phần mộ của Liệt sỹ Đức Xuân

Chia sẻ về nguyên do nhận nhiệm vụ làm quản trang Nghĩa trang liệt sỹ, ông tâm sự: “Tôi tình nguyện trông coi nghĩa trang không vì lợi ích cá nhân nào cả mà bởi tôi thấy đây là một công việc cần làm, phải làm khi may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh, tôi được trở về từ chiến trường. Chính vì vậy, tôi muốn chăm lo phần mộ các liệt sỹ hàng ngày thay lời tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập - tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân ngày nay”.

Đối với ông Phổ và gia đình, những ngôi mộ trong nghĩa trang như phần mộ của chính những người thân trong gia đình mình. Chính vì vậy, ông cùng gia đình luôn quan tâm, chăm lo hương khói không chỉ ngày 27/7 hàng năm mà cả những ngày lễ, tết, ngày rằm và ngày mùng một hàng tháng; ngày 3/3 hàng năm đều tổ chức tảo mộ theo phong tục của nhân dân địa phương cho các liệt sỹ chưa biết tên và liệt sỹ chưa có thân nhân đến nhận, chăm sóc. Cây cối cũng được ông tự tay chăm sóc, cắt tỉa vừa tạo cảnh quan đẹp cho Nghĩa trang vừa để tạo “bóng râm” cho các liệt sỹ yên nghỉ.

Theo chân ông đến thắp hương cho các liệt sỹ ngày rằm tháng 6 vừa qua, nghe ông giới thiệu từng khu mộ liệt sỹ các thời kỳ: Đánh giặc đồn Phủ Thông, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phía Bắc, tôi càng cảm nhận rõ rằng đối với ông Phổ, công tác quản trang tại Nghĩa trang liệt sỹ không đơn thuần là làm nhiệm vụ mà còn là một sự thể hiện tình cảm sâu nặng đối với các anh hùng liệt sỹ, những người đồng đội không có được may mắn trở về từ chiến trường như ông.

Người quản trang nặng nghĩa tình đồng đội - Ảnh minh hoạ 2
 Ông Lục Văn Phổ chăm sóc các phần mộ

Tâm huyết với công tác quản trang, chăm sóc những mộ phần trong Nghĩa trang liệt sỹ Phủ Thông, ông Phổ còn có hẳn một cuốn sổ ghi danh sách từng ngôi mộ với các thông tin về liệt sỹ mà ông có được như: Số mộ, họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đơn vị, ngày và nơi hy sinh, ngày quy tập mộ về nghĩa trang… Và sau gần 30 năm chăm sóc từng ngôi mộ, giờ ông có thể giới thiệu rất rõ về các liệt sỹ trong từng phần mộ bất kỳ. Biết tôi quê ở xã Quân Bình - nơi có nhà bia tưởng niệm liệt sỹ Đức Xuân, ông Phổ đã dẫn tôi đến thăm phần mộ liệt sỹ Đức Xuân và giới thiệu những thông tin cơ bản về liệt sỹ mà ông cất công sưu tầm từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Hay như đứng trước phần mộ một liệt sỹ tên Soạn, ông kể cho tôi biết rằng đồng chí hy sinh ở xã Sỹ Bình, biết mình bị thương nặng không qua khỏi đã hát tặng bà con địa phương trước khi tắt hơi thở cuối cùng. Đứng trước 01 trong 146 ngô mộ chưa biết tên, ông cho tôi biết đó là ngôi mộ đôi và kể về trường hợp hy sinh của 02 liệt sỹ đang yên giấc dưới mộ phần chung; đó là 2 thanh niên xung phong hy sinh tại Hồ Nà Đon (xã Thanh Vận) vào năm 1968, khi tìm thấy thi thể 2 liệt sỹ ở cạnh nhau và biết trước lúc hy sinh họ có tình cảm yêu thương nên nhân dân đã táng chung mộ, khi quy tập về Nghĩa trang cũng được chung mộ thể hiện sự tôn trọng những người đã mất…

Day dứt vì trong Nghĩa trang vẫn còn có những ngôi mộ cả có tên và chưa có tên đã rất lâu chưa có người thân đến nhận và thăm viếng, để tỏ lòng thành kính và tri ân với các anh hùng liệt sỹ, ông Phổ đã nhiều lần nhờ đến các phương tiện thông tin đại chúng địa phương và Trung ương giúp đỡ tìm thân nhân liệt sỹ. Đã có lần ông viết thư cho Ban Tổ chức thực hiện chương trình “Trở về từ ký ức” (Chương trình Truyền hình Nhân đạo của Đài Truyền hình Việt Nam có mục đích Tìm kiếm - Kết nối thông tin Liệt sĩ) đề tìm lại người thân và đồng đội cho các liệt sỹ đang yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sỹ Phủ Thông.

Đã 02 lần ông Phổ trực tiếp đến Tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân (tại số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội) nhờ đơn vị đăng thông tin tìm thân nhân liệt sỹ. Lần đầu tiên, tháng 11/2012, ông một mình tìm đến Toàn soạn với thông tin của 7 liệt sỹ tại Nghĩa trang chưa tìm được thân nhân. Theo ông Phổ, đến nay, đã có 3/7 phần mộ liệt sỹ đó đã có thân nhân đến nhận; trong đó có mộ liệt sỹ Soạn quê Bắc Ninh có đến 4 gia đình nhận thân nhân và đã có 02 gia đình thực hiện các thủ tục xét nghiệm AND tuy nhiên kết quả không như mong đợi còn 02 gia đình do điều kiện kinh tế nên chưa thực hiện xét nghiệm AND được. Có gia đình khi đến nghĩa trang nhận mộ liệt sỹ muốn đến nơi người thân của họ hy sinh, ông Phổ đều đưa đến tận nơi.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), ngày 13/6 vừa qua, ông đã cất công đến Toàn soạn Báo Quân đội Nhân dân lần thứ 2 nhờ Toàn soạn tiếp tục đăng tải thông tin tìm thân nhân liệt sỹ cho 05 liệt sỹ, gồm 4/7 liệt sỹ lần trước chưa tìm được và 01 liệt sỹ chưa biết tên.

Ông tâm sự rằng: Tìm thân nhân cho các liệt sỹ có mộ phần tại nghĩa trang đã có cơ quan chức năng thực hiện nhưng mỗi lần đến thắp nén hương tại những ngôi mộ ấy, những câu hỏi “quê hương họ ở đâu?”, “người thân họ đang ở đâu, còn hay mất?”… không ngừng thôi thúc ông lên đường. Bởi đã nhiều lần chứng kiến thân nhân đến nhận mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang, ông thấu hiểu được nỗi khổ tâm của các gia đình đang ngày đêm tìm kiếm mộ liệt sỹ trên khắp chiến trường, tại các nghĩa trang khắp cả nước và mong muốn được góp phần làm vơi đi những đau thương mất mát của các thân nhân, gia đình liệt sỹ.

Với công tác quản trang gần 30 năm qua, những việc làm thầm lặng của ông Lục Văn Phổ đã làm ấm lòng những người nằm xuống, làm yên lòng các thân nhân liệt sĩ tại Nghĩa trang này. Và hơn hết, ông chính là tấm gương góp phần giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ ngày nay./.

Tác giả: Hương Dịu

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập648
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm575
  • Hôm nay241,241
  • Tháng hiện tại852,265
  • Tổng lượt truy cập156,968,766
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây