Ngày đại thắng trong ký ức của Cựu chiến binh Bắc Kạn

Thứ bảy - 29/04/2017 00:02
Miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất được 42 năm nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30/4/1975 luôn được khắc ghi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất được 42 năm nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30/4/1975 luôn được khắc ghi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt là đối với những cựu chiến binh tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Tiến vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn

Cựu chiến binh Vũ Xuân Thu (xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông) vinh dự là một trong những người lính Bắc Kạn đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập, được chứng kiến những giây phút đầu tiên của ngày miền Nam giải phóng. Đã 42 năm trôi qua và tuổi đã cao (ông đã 67 tuổi) nhưng trò chuyện với chúng tôi về chiến thắng ngày 30/4/1975, ông vẫn nhớ như in bởi đó là những ngày tháng không bao giờ quên của “một thời máu lửa”.

Ngày đại thắng trong ký ức của Cựu chiến binh Bắc Kạn
 Cựu chiến binh Vũ Xuân Thu vinh dự là một trong những người lính Bắc Kạn
đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập

Sinh năm 1950, ông Vũ Xuân Thu nhập ngũ năm 1971 khi vừa tròn 21 tuổi; tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 khi đó ông là Đại đội Phó Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, sư đoàn 304 (đơn vị C9D9E66F304). Ông nhớ lại ngày 30/4/1975 khi ngồi trên xe thuộc mũi thọc sâu của tiểu đoàn 9 tiến vào thành phố Hồ Chí Minh, đường Hồng trật tự nay là đại lộ Nam Kỳ Khởi nghĩa im lìm, nhà nhà khép kín, thi thoảng gặp một toán lính ngụy đã cởi bỏ quân phục, vũ khí. Rồi trung đội ông gặp một nữ bộ đội nhảy lên xe chỉ tay về phía trước nói rằng: “Trước mặt các anh là Phủ tổng thống ngụy Sài Gòn”. Sau mới biết đó là nữ biệt động Sài Gòn có nhiệm vụ dẫn quân ta vào Dinh độc lập.

Vì là mũi thọc sâu nên lúc nào đơn vị cũng phải đi đầu, luôn cố gắng bám sát xe tăng để hỗ trợ chiến đấu nên xe Trung đội ông Thu vinh dự là một trong những ô tô chở bộ binh đi đầu tiếp ngay sau 2 xe tăng 843 và 390 đến Dinh Độc lập đầu tiên. Khi đến Dinh Độc lập, cổng dinh đã bị xe tăng húc đổ, địch không có phản ứng gì, xe ô tô lao vút vào sân. Ông thấy một chiến sỹ thuộc binh chủng tăng thiết giáp cầm lá cờ chạy thẳng qua sân giữa hai chiếc xe tăng hộ tống hai bên, chạy vào sảnh Dinh, sau này mới biết đó là Bùi Quang Thận). Bộ binh trên các ô tô cũng ào xuống, trào vào sân. Các hướng chưa kịp đến, trước mặt ông chỉ có mấy chục người. Thấy bọn lính ngụy đã ở trong tình trạng rã đám, nộp súng, ngồi bệt trong sân. Khẩu hiệu “Chớp thời cơ, chiếm Dinh Độc lập” vang lên trong đầu, ông lao thẳng lên cầu thang, đến tầng hai thấy hành lang chỉ có vài phóng viên người Việt và nước ngoài đang chớp máy ảnh; suốt hành lang không có một họng súng nào thò ra, không có tên địch nào phục ở các góc tường để đấu súng … Vừa lúc đó, Trung đoàn Phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cũng lên đến và đưa ra lệnh mới: “Mũi thọc sâu đến đây cơ bản nhiệm vụ đã hoàn thành, đồng chí Thu phân công anh em cảnh giới phía dưới”. Nén lại ý muốn xem cảnh Trung đoàn mình bắt bọn sỹ quan đầu sỏ ngụy như thế nào, ông Thu liền quay xuống thực hiện lệnh của chỉ huy. Trong sân, tiếng máy tăng vẫn gầm rú nhưng cánh lính tăng đã nhảy lên nóc xe kéo từng tràng 12 ly 7 rung trời rồi nhảy xuống ôm nhau, tung mũ, hò reo sung sướng. Ông không kịp bày tỏ nỗi vui mừng như các đồng đội mà khẩn trương triển khai đội hình của Đại đội canh gác cầu thang, các sảnh và ngoài sân.

Do đã có kinh nghiệm chiến trường, có ý thức kỷ luật cao nên nhận được nhiệm vụ mới, Đại đội 9 của ông Thu cùng Đại đội 10 đã nhanh chóng tản ra cảnh giới. Sau các gốc cây, góc tường đều có nòng súng chĩa ra sẵn sàng. Bộ binh đã vây hết trong sân, rải ra tận cổng, lợi dụng địa hình địa vật tỏa ra canh gác, đề phòng địch phản công. Cảnh giới lúc này khá khó khăn vì trong sân rất lộn xộn, bộ đội đông dần lên cùng với nhiều lực lượng khác.

Một lúc sau, thấy Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng một đoàn người đi xuống, ông Thu đứng nép vào lan can cầu thang để cả đoàn đi qua. Đi qua rồi mới biết chỉ huy của mình sẽ đưa Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng, ông cũng xuống theo. “Chính tôi đã được nghe Tổng thống ngụy Dương Văn Minh hỏi Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ rằng “Các ngài có đảm bảo tính mạng cho tôi không?” và ông Phạm Xuân Thệ đáp lại rằng từ người dân bình thường đến những người lính và tướng tá các ông khi vào tay chúng tôi đều được bảo đảm an toàn” - Ông Thu kể lại.

Minh chứng cho việc ông là người được chứng kiến chỉ huy của mình áp giải Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh, ông Thu hồ hởi cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp cảnh Trung đoàn Phó Phạm Xuân Thệ dẫn Dương Văn Minh đang đi trong sân Dinh ra xe (In trong Tạp chí Sự kiện và nhân chứng số 136-Tháng 4/2005) có cả ông Thu đang cảnh giới phía sau. Tấm ảnh đấy đã trở thành kỷ niệm vô giá đối với ông, cùng là niềm tự hào chung của những người lính quê hương Bắc Kạn đã cùng đồng đội chiến đấu giành độc lập dân tộc.

Sài Gòn chiều 30/4/1975

Chiều 30/4, Sài Gòn đã hòa bình, người dân lúc bấy giờ mới dám ra khỏi nhà chào đón các cánh quân của bộ đội giải phóng. Người dân tụ tập thành từng nhóm, gặp bộ đội thì vui mừng hỏi han nhưng vẫn còn nhiều người ra đường chỉ để xem bộ đội Bắc Việt như thế nào, dè dặt dò xét thái độ của cách mạng… Nhưng rất may, phần lớn nhà cửa, cửa hàng cửa hiệu … vẫn còn nguyên, không nhốn nháo, không có cảnh hôi của, không có cảnh “tắm máu” như địch vẫn tuyên truyền. Chính vì vậy, nhân dân yên lòng và tin tưởng ở cách mạng.

Theo ông Thu, “Ngày hôm ấy, sắc áo xanh của bộ đội ta đã tràn ngập thành phố Sài Gòn. Vừa phải cảnh giới, chúng tôi vừa phải khẩn trương kiểm tra khu vực được phân công nên chưa được nghỉ ngơi”.

Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng ngày đại thắng mùa xuân năm 1975 và những ngày tuổi trẻ anh hùng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn mãi trong ký ức của người cựu chiến binh Vũ Xuân Thu. Lần giở tập ảnh ghi lại chuyến thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, ông Thu giới thiệu với chúng tôi mỗi tấm ảnh là một địa điểm đáng nhớ và ông lại tự hào kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà không nhụt chí trước quân thù của bộ đội ta để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Với ông Thu, hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam, ký ức lại ùa về, những hình ảnh về năm tháng lịch sử ấy cứ dần hiện lên như thước phim quay chậm./.

Tác giả: Hương Dịu

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập615
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm551
  • Hôm nay116,327
  • Tháng hiện tại942,428
  • Tổng lượt truy cập157,058,929
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây