Thông tin về thân thế lãnh đạo cũng “mật” nên dễ bị xuyên tạc

Thứ tư - 11/07/2018 17:06
Nhận xét phạm vi thông tin được xác định là “mật” hiện quá rộng, không cụ thể, các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội dẫn chứng, thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện cũng thuộc danh mục “mật”, dễ bị xuyên tạc, hiểu lầm…

Thông tin về thân thế lãnh đạo cũng “mật” nên dễ bị xuyên tạc
UB Thường vụ Quốc hội họp phiên họp thứ 25

Buổi làm việc sáng 11/7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 25 của UB Thường vụ Quốc hội, các uỷ viên cơ quan thường vụ của Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN).

Băn khoăn về danh mục thông tin “Tuyệt mật”, “Tối mật”, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chỉ những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân mới có thể áp dụng quy định này. Ông Bình nhận xét chung, phạm vi của các bí mật nhà nước hiện quy định quá rộng, không cụ thể.

Chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng phạm vi thông tin “mật” nếu rộng quá rất khó cho việc triển khai, thực hiện.

“Chủ trương đường lối thì phải đến với dân. Thông tin về thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng Nhà nước cũng cần phải tuyên truyền, nếu để mật rất dễ bị xuyên tạc, hiểu lầm” – ông Hải nhận định.

Ngoài ra, ông Hải cũng phân tích, ngoài vấn đề phát ngôn thì còn có những bí mật ở trong đầu các cá nhân. Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách nêu trường hợp cán bộ về hưu viết hồi ký. Nhiều trường hợp phức tạp, Trung ương Đảng đã phải kỷ luật cán bộ về việc phát ngôn, viết hồi ký như vậy. Ông Hải đề xuất quy định về trách nhiệm của các nhân vật nắm giữ BMNN.

Về việc lập danh mục BMNN, nhiều uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát cụ thể. Danh mục BMNN thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lập và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Liên quan đến thời hạn bảo vệ BMNN, các ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, căn cứ xác định thời hạn bảo vệ BMNN. Về điểm này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đã có ý kiến yêu cầu điều chỉnh thời hạn đối với BMNN độ Tuyệt mật là 40 năm, Tối mật là 30 năm và Mật là 20 năm hoặc Tuyệt mật là 20 năm, Tối mật là 10 năm, Mật là 05 năm, có thể được gia hạn nếu xét thấy cần thiết và gia hạn không quá một lần. Một số ý kiến đề nghị xác định những tài liệu cần quy định bảo vệ vĩnh viễn hoặc quy định thời hạn dài hơn.

Tuy nhiên, theo ông Việt, đây là nội dung mới, được Chính phủ bổ sung vào dự thảo Luật để bảo đảm sự công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, do đó thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước theo dự thảo Luật Chính phủ trình cơ bản phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Lưu trữ và pháp luật có liên quan, đồng thời có nghiên cứu, tham khảo pháp luật một số nước.

Đối với ý kiến đề nghị quy định trường hợp bảo vệ vĩnh viễn hoặc thời hạn dài hơn, Thường trực UB Quốc phòng - An ninh thấy rằng, trên thực tế có những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước cần bảo vệ trong thời gian dài song để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, việc xác định thời hạn bảo vệ BMNN lâu dài cần bảo đảm chặt chẽ gắn với BMNN cụ thể. Do đó, đối với trường hợp này, Thường trực UB Quốc phòng - An ninh đề nghị áp dụng quy định gia hạn thời hạn bảo vệ BMNN cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Thông tin về thân thế lãnh đạo cũng “mật” nên dễ bị xuyên tạc - Ảnh minh hoạ 2
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải góp ý về dự án luật

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng không nên quy định cứng nhắc. Ông Định lấy ví dụ, lịch đi công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lịch họp Bộ Chính trị là “tuyệt mật”, nhưng khi hạ cánh rồi, sự kiện xong rồi thì phải tiến hành “giải mật” chứ sao lại phải giữ 30 năm.

Về tiêu huỷ thông tin bí mật nhà nước, ông Định nêu câu hỏi người nắm giữ thông tin trong đầu thì tiêu huỷ thông tin đó thế nào?

Thay mặt Ban soạn thảo giải trình về dự luật, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam khẳng định sẽ làm rõ hơn khái niệm về bí mật nhà nước. Tướng Nam cũng phân trần, nếu ban hành luôn danh mục bí mật nhà nước trong luật thì rất lớn và rất rộng, nên giao thẩm quyền này cho Thủ tướng và các bộ ngành liên quan.

Về thời gian giải mật, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết, qua nghiên cứu cho thấy thời gian đề xuất trong dự thảo luật tương đối phù hợp với giai đoạn hiện nay. Với các tình huống cụ thể, thời gian giải mật sẽ khác đi.

“Ví dụ về lịch làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sau khi sự kiện kết thúc có những cái có thể giải mật ngay. Tuy nhiên, cung có những nội dung lại không thể giải mật ngay được mà có khi phải mất nhiều năm, chẳng hạn như hoạt động đối ngoại” – Thứ trưởng Nam khẳng định, khi có quy định cụ thể sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội sau.

Về quy trình xây dựng các văn bản liên quan, Thứ trưởng Bộ Công an cũng hứa tiếp thu, bổ sung để thể hiện được nhiều nhất các ý kiến góp ý trong văn bản tới đây.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập795
  • Máy chủ tìm kiếm93
  • Khách viếng thăm702
  • Hôm nay138,924
  • Tháng hiện tại3,384,809
  • Tổng lượt truy cập155,420,413
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây