5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết nhiệm kỳ 2015 – 2020, tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm kỳ mới.
Một góc của thành phố Bắc Kạn. |
Trong phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Kạn duy trì tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,3%/năm. GRDP đến năm 2020 ước đạt 12.840 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 40 triệu đồng/người, đạt 102% mục tiêu. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Đến năm 2020, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15,2%; dịch vụ chiếm 53,3%. So với năm 2015, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm 4,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 0,9%; dịch vụ tăng 3,9%.
Ngành nông, lâm nghiệp tăng trưởng bình quân 2,4%/năm. Bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản và tổ chức sản xuất có liên kết trong khu vực nông thôn. Công tác trồng rừng được quan tâm chỉ đạo, giai đoạn 2015 - 2020 toàn tỉnh trồng mới được 32,7 nghìn héc - ta rừng, đạt 107% kế hoạch. Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được triển khai khá hiệu quả, đến nay đã công nhận 107 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Một số sản phẩm thông qua chương trình đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế được thị trường đón nhận như gạo Khẩu Nua Lếch, miến dong, tinh bột nghệ curcumin. Qua đó, đời sống vật chất của người dân nông thôn từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được tỉnh quan tâm thực hiện. Phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” được thực hiện đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Bằng các nguồn vốn thực hiện chương trình, đã có trên 1.200 công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư, cải tạo; 145 mô hình và 81 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hỗ trợ. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đến nay đã công bố 19 xã; dự kiến trong năm 2020 công bố thêm 4 xã. Do một số xã được sáp nhập theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 nên sau khi rà soát, còn 19 xã đạt chuẩn), bình quân mỗi xã đạt 11,3 tiêu chí, vượt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 10,5%/năm, vượt kế hoạch đề ra; năng suất lao động khu vực công nghiệp đạt 65 triệu đồng/lao động. Một số dự án được đầu tư hoàn thành đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất như Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Govina, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lechenwood Việt Nam, Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần MISAKI tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới). Một số sản phẩm nông, lâm sản qua chế biến của tỉnh đã có thị trường ổn định như miến dong, tinh bột nghệ được tiếp tục đầu tư phát triển.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Việc thu hút, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhiệm kỳ ước đạt trên 24.000 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 10,7%/năm. Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn bình quân hằng năm đạt trên 80%. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình được quan tâm.
Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhiều mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo và công trình hạ tầng phục vụ chương trình giảm nghèo được đầu tư. Các chính sách giảm nghèo được tổ chức thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,4% năm 2015 xuống còn 19,56% vào năm 2019, dự ước đến hết năm 2020 còn 17,06%. Cùng với đó, các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh" góp phần tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan thuộc khối Đảng, chính quyền, đoàn thể được kiện toàn theo hướng tinh gọn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ bước đầu đi vào nền nếp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được coi trọng.
Tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ mới, với tiềm năng, lợi thế, sự quyết tâm cao, đặc biệt là truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn sẽ chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp./.
Tác giả: Duy Khánh
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn