Sau nhiều năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp, xã hội hóa công tác trồng rừng, tỉnh Bắc Kạn đã nâng độ che phủ rừng từ 35% từ năm 2000 đã tăng lên 70,6% vào năm 2012. Hiện nay, độ che phủ rừng của Bắc Kạn đạt 72,9% và trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về độ che phủ rừng.
Sau khi tái lập tỉnh, cùng với những khó khăn khác, tỉnh Bắc Kạn cũng là "điểm nóng" về tình trạng đốt nương, làm rẫy, phá rừng, khiến nhiều đồi núi trọc xuất hiện. Tuy nhiên, thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tỉnh đã trở thành điểm sáng về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Bà Nông Thị Viên giới thiệu khu rừng của gia đình. |
Chuyển biến nhận thức trong trồng rừng
Từ dưới chân đồi nhìn lên, khu rừng rộng hơn 20ha của gia đình bà Nông Thị Viên, thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) là một dải xanh ngút mắt. Đây là một trong những khu rừng mỡ đã cho thu hoạch ở chu kỳ thứ ba của gia đình bà. Vừa chặt nốt một số cành cây còn sót lại sau đợt tỉa thưa lần một cho rừng mỡ, bà Viên vui mừng cho biết: Những năm 1993 - 1997, rừng nơi đây bị tàn phá nhiều, những gì còn lại đa phần là cỏ lau. Thế nhưng, nhiều người trồng rừng vào thời điểm này thường chỉ suy nghĩ đơn giản là trồng rừng để lấy gạo hỗ trợ, chứ không phải trồng rừng để làm giàu. Do vậy, sau hết thời gian 03 năm được hỗ trợ gạo của Nhà nước (công trồng, chăm sóc 03 năm được hỗ trợ 600kg gạo/01ha), thì nhiều người lại bỏ rừng để làm nương rẫy, hoặc có cây nào vừa to một chút là chặt để bán. Vì thế, cùng với đăng ký trồng rừng theo Chương trình PAM (Rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Chương trình lương thực thế giới, gọi ta tắt là rừng PAM), Dự án 661 (Dự án trồng mới 5 triệu héc- ta rừng theo Quyết định số 661/QĐ-TTg, ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ), gia đình bà Viên mua một số diện tích rừng bỏ hoang của một số hộ dân lân cận, với suy nghĩ đơn giản là trồng rừng không chỉ để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà trồng rừng sẽ giúp thoát nghèo. Do vậy, từ chỗ chỉ có khoảng 4,5ha keo, mỡ đăng ký trồng theo dự án, giờ gia đình bà đã có hơn 20ha rừng keo, mỡ, các loại, trong đó một nửa diện tích bắt đầu cho khai thác. Bà Viên tính nhẩm, sau tỉa thưa lần một, mỗi héc - ta rừng keo, mỡ của gia đình bà hiện có khoảng 800 cây, chỉ cần để vài ba năm nữa, giá trung bình 01 triệu đồng/cây, thì gia đình bà có thể thu về hàng tỷ đồng sau khai thác.
Gia đình ông Hạ Sỹ Lường, khu chợ I, xã Bằng Vân (Ngân Sơn) đã đăng ký trồng rừng theo các dự án và chương trình quy hoạch vùng gỗ nguyên liệu cho nhà máy giấy của tỉnh. Tuy nhiên, sau này, nhà máy giấy không hoạt động theo kế hoạch ban đầu, nên nhiều gia đình chán nản, không muốn trồng. Nhưng do yêu rừng, nên ông quyết định gắn bó với nghề rừng. Ông Lường phấn khởi cho biết: "Tôi không có nhiều vốn, nên chỉ có cách khai thác rừng trồng trước, để đầu tư trồng tiếp những cánh rừng mới”. Với cách làm này, từ năm 1997 đến nay, gia đình ông đã mua và thuê đất của các hộ dân thiếu nhân lực trồng rừng trong xã Bằng Vân và các xã lân cận tại huyện Ngân Sơn thực hiện trồng được trên 300ha rừng thông. Hiện nay, trong tổng số diện tích rừng của gia đình ông đã có 4ha được 20 năm tuổi và đến chu kỳ khai thác, diện tích rừng còn lại của gia đình ông có độ tuổi từ 7 đến 16 năm.
Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn Phạm Ngọc Kiên nhận xét: Nhờ những tấm gương điển hình như các gia đình bà Nông Thị Viên, ông Hạ Sỹ Lường mà người dân trong tỉnh đã hiểu được lợi ích của trồng rừng và hưởng ứng. Nếu như trước kia, người dân trong tỉnh chỉ trồng rừng để nhận gạo cứu trợ, trồng xong bỏ đó hoặc chăm sóc qua loa, nên hiệu quả kinh tế rừng không cao. Nay, việc các hộ dân trồng rừng mỗi năm có thêm vài chục triệu tiền bán gỗ không còn hiếm. Từ trồng rừng mà nhiều hộ đã xây được nhà, mua sắm được ti vi, xe máy, đời sống đầy đủ hơn. Kinh tế rừng trở thành hướng giảm nghèo cho bà con nông dân.
Vươn lên dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng
Cùng với chuyển biến nhận thức trong trồng rừng của người dân, những năm qua, Bắc Kạn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với thực hiện những chính sách của Nhà nước, giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã đầu tư hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ 99 thôn vùng rừng đặc dụng với hơn 8.000 hộ hưởng lợi từ rừng. Từ năm 2016, tỉnh ban hành mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, người dân được hỗ trợ chi phí 01 năm trồng, 03 năm chăm sóc là 30 triệu đồng/ha. Trồng, chăm sóc rừng sản xuất tại huyện 30a được hỗ trợ gần 12 triệu đồng/ha. Đối với các huyện ngoài Chương trình 30a, khi trồng, chăm sóc rừng sản xuất, người dân được hỗ trợ hơn 09 triệu đồng/ha rừng gỗ lớn; 06 triệu đồng/ha rừng gỗ nhỏ. Trồng cây phân tán được hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/ha. Khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên được hỗ trợ từ 300 đến 500.000 đồng/ha/năm. Ngoài ra, từ nguồn vốn Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (gọi tắt là KFW8), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với sự tài trợ của Chính phủ CHLB Ðức thông qua Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), tỉnh đầu tư gần 03 triệu EUR (đồng tiền chung châu Âu) giúp người dân cải tạo rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Đầu tư 100 tỷ đồng để trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020...
Nhờ những chính sách trên, tỉnh ta đã trồng được hàng nghìn héc - ta rừng mới. Diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng cơ bản được bảo vệ, phát triển tốt. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh trồng được hơn 34.000ha rừng, trung bình mỗi năm trồng hơn 6.807ha/6.500ha, đạt 104,72% so với Nghị quyết số 02-NQ/ĐH ngày 17/10/2015 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 (Theo Nghị quyết 02 mỗi năm tỉnh trồng mới 6.500ha, độ che phủ rừng cuối kỳ đạt 72%), trong đó có 17.619ha là rừng trồng cây gỗ lớn và đạt 117,5 % so với mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến cuối kỳ trồng 15.000ha cây gỗ lớn). Sản lượng gỗ khai thác đạt 160.000m3. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đã đạt 72,9%, là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. (còn nữa)
Tác giả: Việt Bắc
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn