Những năm qua, Đảng bộ huyện Chợ Mới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi một số nông sản chủ lực, nhằm đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao thu nhập, giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích.
Địa phương tập trung nguồn lực, khuyến khích người dân, Hợp tác xã xây dựng các sản phẩm OCOP của huyện. |
Đảng bộ huyện Chợ Mới có 43 chi, đảng bộ trực thuộc, 216 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với hơn 3.400 đảng viên. Là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nằm ở cửa ngõ giao thương kinh tế phía Nam của tỉnh Bắc Kạn. Huyện có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 60.600ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là gần 5.500ha, chiếm 9,02% diện tích; đất lâm nghiệp hơn 52.000ha, chiếm 85,97% diện tích.
Những năm qua, mặc dù kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn, thách thức khi sản xuất của người dân còn manh mún nhỏ lẻ, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra đã tác động trực tiếp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Xác định rõ những khó khăn đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2025 huyện tập trung vào phát triển 5 nhóm cây trồng chủ lực: Nhóm sản phẩm gỗ rừng trồng; sản phẩm cây chè; cây ăn quả; cây hồi, quế; cây rau. Đối với mỗi nhóm sản phẩm, huyện đã xây dựng chỉ tiêu phát triển chi tiết, phù hợp với thực tiễn của địa phương làm căn cứ để triển khai thực hiện.
Mặc dù việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực hiện chưa lâu nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị gia tăng; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Một số sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo chuỗi đã đem lại giá trị kinh tế cao và được thị trường đón nhận. Năm 2019, huyện chủ động mời Viện Sinh học Nông nghiệp, Công ty TNHH thực phẩm ORION VINA và các doanh nghiệp khác liên kết triển khai phát triển vùng nguyên liệu khoai tây hàng hóa với diện tích 40ha tại một số xã, thị trấn trên địa bàn đã đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho các hộ nông dân tham gia; liên kết với Công ty Cổ phần Mộc Linh đầu tư chế biến sâu các sản phẩm về chè Shan tuyết và chè trung du; xây dựng được 02 khu nhà lưới để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại xã Như Cố và thị trấn Đồng Tâm.
Cùng với đó, địa phương đã thực hiện thành công chuỗi bí xanh, bí hồ lô và rau; chuỗi liên kết phát triển cá nước ngọt; chuỗi ớt với diện tích 20ha được triển khai tại xã Cao Kỳ và các xã phía Đông của huyện; chuỗi gà với quy mô 07 mô hình tại các xã: Yên Hân, Như Cố, Thanh Thịnh và thị trấn Đồng Tâm đang duy trì và phát triển tốt; chuỗi mơ với quy mô 170ha cung cấp nguyên liệu cho Công ty MISAKI Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thanh Bình để chế biến sâu sản phẩm sau thu hoạch và nhiều mô hình liên kết khác bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Toàn huyện hiện có 15 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng 3 sao như: Chè Shan tuyết, măng khô, mật ong hoa rừng, trà mướp đắng, chuối sấy dẻo… Mục tiêu đến năm 2025, huyện Chợ Mới phấn đấu có 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 05 sản phẩm đạt 4 sao.
Đồng chí Hà Đức Huấn- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Mới cho biết: Để triển khai có hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, mô hình Hợp tác xã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Đảng bộ huyện Chợ Mới xác định: Sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, có chính sách khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ nông, lâm sản; chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy cầm, cá nước ngọt...
Đồng thời, huyện ưu tiên nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Tập trung nguồn lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình có đủ điều kiện, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, có khả năng phát triển sản xuất với quy mô lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường. Vận dụng tốt các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh, để chuyển hướng sản xuất nông nghiệp từ nền sản xuất manh mún, tự cung tự cấp sang quy mô tập trung, kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc sản là lợi thế của địa phương phục vụ nhu cầu thị trường ngày càng cao...
Song song với đó, địa phương chủ động mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư chế biến sâu về sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực của huyện, có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân, khuyến khích các hợp tác xã đầu tư kết nối để sản xuất theo chuỗi có hiệu quả. Tập trung nguồn lực, khuyến khích người dân, các hợp tác xã tạo ra các sản phẩm OCOP của huyện. Hướng sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp của huyện theo quy trình VietGap tiến tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩn OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên vào các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.../.
Tác giả: Duy Khánh
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn