Điều này ngược với thời chiến, đặc biệt là khi gặp địch mạnh. Ví dụ trong kháng chiến chống Mỹ, ta đã phải “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả cho tiền tuyến”... Thời chiến, muốn cũng không thể nào “khoan thư sức dân” được.
Khoảng từ năm 1440 đến 1442, trước vụ Lệ Chi Viên thảm khốc, khi được vua Lê Thái Tông sai soạn lễ nhạc cung đình (nhã nhạc), Nguyễn Trãi tâu, xin nhà vua hãy chăm dân “Sao cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”, bởi vì “Đó là cái gốc của lễ nhạc”. Lúc ấy, cũng đang là thời bình và làm cho “khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”, chính là “khoan thư sức dân”!
Lực lượng Công an giúp dân qua vùng ngập lụt. |
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mất. Người dặn rằng, sau ngày thắng lợi, chính phủ hãy miễn thuế nông nghiệp cho dân vài ba năm. “Sau ngày thắng lợi” tức là thời bình. “Miễn thuế nông nghiệp” tức là “khoan thư sức dân”...
Thành thử, tự cổ chí kim, các bậc vĩ nhân đều “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cảm động/cảm thông với nỗi cực nhọc của nhân dân trong thời chiến, mà chủ trương “khoan thư sức dân” trong thời bình, dù dưới chế độ “Quân chủ” hay “Dân chủ”.
“Khoan thư sức dân” trong thời bình, nghĩa gần nhất/ thấy ngay, là giảm bớt sự đóng góp/ huy động nhân lực vật lực/ sức người sức của, thì giờ/ tiền bạc... của nhân dân so với thời chiến, sao cho dân giầu hơn thời chiến, sung sướng hơn lên chứ không phải lao lung như thời chiến, nghĩa là “nhàn” hơn thời chiến. Bên cạnh đó, còn có những nghĩa xa hơn, trừu tượng hơn: “Lao” thì có “lao lực”, “lao tâm”. Bớt sức, bớt của mới chỉ là bớt “lao lực”.
Bớt được “lao tâm” cũng cần không kém. Cho nên, còn phải“ khoan thư sức dân” bằng cách làm cho dân không bị bất an, phân tâm, loạn tâm, lao tâm khổ trí, bực bội đủ điều, tức là làm cho dân “nhàn tâm”. Vì thế mà Nguyễn Trãi thì xin vua chăm dân sao cho “khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”. Vì thế mà Bác Hồ thì dặn “chớ điếu phúng linh đình mà lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”...
Cũng chính Người đã nói: “Độc lập rồi mà dân chưa hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”. Giành độc lập là việc thời chiến, làm cho dân hạnh phúc là việc thời bình. Xem thế, đủ biết lời Bác Hồ đã gồm nhiều lời của tiền nhân.
Cũng chính từ đó mà sau này, ngoài “Chỉ số tăng trưởng kinh tế”, Liên hợp quốc còn đưa ra “Chỉ số tăng trưởng hạnh phúc”. Cả hai chỉ số này đều chỉ có trong thời bình, đặc biệt là “Chỉ số tăng trưởng hạnh phúc”. Dân không hạnh phúc lâu ngày tất lòng tin lung lay. Thế mà, “Được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả”. Đông đã vậy mà Tây cũng vậy. Triều đình và vua xưa đã vậy, chế độ và nhà nước nào cũng vậy.
Logic tất yếu cổ kim là, để có được lòng dân thì quan lại xưa/ cán bộ nay không được nhũng nhiễu nhân dân, không được tham ô, lãng phí thì giờ và nhân vật lực của nhân dân, tài nguyên của quốc gia. Nói theo lối dân gian, “Hành chính” không phải rằng “hành” là “chính”... Muốn thế, thì đảng viên, cán bộ ta phải yêu điều dân yêu, ghét điều dân ghét; phải thấy việc gì có lợi cho dân thì mới làm, việc gì có hại cho dân thì chết cũng bỏ. Mà muôn đời, dân yêu nhất là “thái bình hạnh phúc”, dân ghét nhất là “thủy, hỏa, đạo, tặc”.
Trong đó, “đạo” là “đạo chích” - trộm cắp/ trộm cướp. Tham nhũng kín là trộm cắp, tham nhũng ngang nhiên là trộm cướp! Tất nhiên, để “sâu rễ bền gốc”, chăm cho dân hạnh phúc, cũng còn là phải lo cho nước mạnh binh cường, phòng khi có giặc. Do đó mà nhà nước phải quy hoạch, phải thu thuế, phải buôn bán/ vay và nợ, lãi và lỗ.
Nhưng các sắc thuế, các khoản vay đều phải chọn, các mức thuế đều phải lường để hài hòa cả hai việc “dân giàu” và “nước mạnh”. Lãi quá ít hay lỗ nhiều thì nợ công chồng chất, dân khó giàu, nước khó mạnh. Dù thế, vẫn phải đinh ninh, trong “nước mạnh”, lòng dân là yếu tố hàng đầu.
Nhưng do đâu mà cổ kim bàn chữ “dân” nhiều thế? Tại sao thời nào cũng nói “khoan thư sức dân” như thế? Xưa, trả lời học trò khi họ hỏi: “Dân là gì?”; nhìn cây, đọc sách, ngẫm xa gần, “Vạn thế sư biểu” nói: “Dân là gốc”. Thế là chuyển nghĩa: “Nhân dân là gốc rễ của nước nhà”, không nói chuyện cây cối nữa. “Vạn thế sư biểu” của Trung Hoa và các nước đồng văn là Khổng Tử. “Vạn thế sư biểu” của nước ta là Chu Văn An.
Cho nên, Văn Miếu nào ở ta cũng thờ Khổng Tử, sau phối thờ thầy Chu Văn An. Người cầm quyền, từ đó mới nói: “Lấy dân làm gốc” - đó là nói về phương pháp cầm quyền thôi - “dân” đã là “gốc” rồi, sao còn phải “lấy”? Hóa ra, những tư tưởng lớn đều mang tính nhân loại. Chúng vượt qua thời gian, biên giới, dân tộc. Chúng đã được “nhân loại hóa”, đáng được khai thác - học hỏi và tiếp biến,không “câu nệ”, “nô lệ” là được. Xưa nay, người ta kém hoặc chết vì “câu nệ”, “nô lệ”.
Có ai kém và chết vì biết học hỏi và tiếp biến đâu. Chỉ những kẻ lợi dụng những tư tưởng ấy để xưng hùng xưng bá để làm hại các dân tộc khác và nhữngngười khác thì ta mới “không chơi nữa”, “bớt giao du”.
Thế thì “khoan thư sức dân” chính là bồi bổ “gốc rễ” của nước nhà, để nước nhà được trường tồn, vẻ vang, chứ thời bình mà không chăm “gốc rễ”, chỉ nương vào công đức/ công sức của tiền nhân để hưởng lợi riêng, “vinh thân phì gia”, thì còn nói đến làm gì.
Lực lượng Công an đến tận nhà giúp dân làm chứng minh nhân dân. |
Đang miên man sau trước, lúc Quốc hội vừa họp xong, anh bạn đưa cho tờ báo, thấy có lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Khoan thư sức dân thì đất nước mới mạnh, mới sâu rễ, bền gốc. Phải giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.
Các cấp, các ngành phải nêu gương trong việc tiết kiệm công quỹ; quyết liệt chống tiêu cực, lãng phí”, chợt thấy lời người xưa/ người trước đang còn “dài” tới tận ngày nay, mà mừng! Nghĩ lại, từ khi Đảng ta và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “nhóm lò” chống tham nhũng, để lò nóng đến mức “củi tươi cho vào cũng phải cháy”, càng thêm mừng!
Vì thế là, cuối cùng, cả Đảng, cả Nhà nước ta, cùng với “gốc rễ” đều đã quá “ghét điều dân ghét” -“thủy, hỏa, đạo, tặc” -mà khởi xướng và lãnh đạo việc dẹp “giặc nội xâm”, nhằm “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Ý Đảng, lòng dân khi là một, sức mạnh sẽ vô song, chỉ còn lo việc chọn cách làm và tốc độ, mức độ cho hợp nữa thôi. Mà việc này, cứ hỏi dân là biết.
Là một nhà thơ, dịp này xin có bài thơ sau:
Ý dân bao nhiêu năm
Thành ý giời vằng vặc
Ý giời thốt ra nhời
Thành “Tuyên ngôn độc lập”
Bác đọc trên đài cao
Ngàn nhời thiêng bay khắp
Nhời nhuần gội lòng người
Như mưa đền dạ đất
Giữa nắng thu, gió thu
Cờ Cộng hòa phần phật
Muôn dân ngước lên nhìn
Hả hê trong nước mắt
Tám mươi năm vong nô
Giờ thành dân độc lập
Lòng ai không mở cờ
Tái sinh cùng giời đất
Nay cùng thu bình thường
Về bên thành Cửa Bắc
Nhớ về thu năm xưa
Lòng tự nhiên hành khúc.
Tác giả: Đỗ Trung Lai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn