Ở mảnh đất biên cương, giữa sắc xuân ngập tràn vẫn có những cán bộ Công an huyện Bát Xát (Lào Cai) ngày đêm bám bản, bám làng thực hiện 3 cùng với bà con vùng cao, góp phần giữ gìn bình yên trên mảnh đất biên cương.
1. Đã thành thông lệ, ba năm trở lại đây khi những cánh hoa đào, hoa mai và hoa mận nở rộ khắp núi rừng Tây Bắc, chính quyền địa phương mà chủ công là Công an huyện Bát Xát lại tổ chức đón Tết sớm với bà con vùng cao.
Thiếu tá Lầu A Hồ tuyên truyền, vận động bà con người Mông, tham gia chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. |
Từ các thôn, bản xa xôi, người dân vùng cao chẳng ngại cái rét thấu da, thấu thịt của miền sơn cước, xúng xính trong những bộ trang phục sặc sỡ tụ họp về cùng vui chén rượu xuân. Cùng với những tiết mục văn hóa đặc sắc, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như chọi gà, ném còn..., là âm vang réo rắt của điệu khèn Mông, âm vọng của núi rừng Tây Bắc đang vào xuân, tất cả như hòa chung làm một.
Mỗi năm, từ ngày 15 đến 25 âm lịch, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng Công an huyện và Công an xã sẽ đón Tết sớm cùng người dân. Trong những buổi giao lưu, cán bộ Công an huyện tổ chức tuyên truyền, vận động bà con không mua bán, đốt pháo nổ; không tham gia các tệ nạn xã hội, không di cư tự do, không xuất cảnh trái phép và chống tảo hôn trong những ngày Tết Nguyên đán. Bởi trong các vùng đồng bào dân tộc, các cặp yêu nhau dưới 18 tuổi thường lợi dụng ngày Tết cổ truyền để tổ chức các đám cưới mà chưa được pháp luật quy định... Sau đó, những cán bộ Công an cắm bản sẽ ở lại đón Tết cùng với bà con vùng cao.
Ngoài 50 tuổi, Thiếu tá Lầu A Hồ, tổ trưởng tổ công tác địa bàn Mường Hum vẫn giữ được vóc người rắn rỏi. Anh lội suối, trèo đèo thoăn thoắt, nhiều thanh niên trong bản đuổi theo vẫn phải mướt mồ hôi. Những câu chuyện trong chuyến ngược rừng cùng người Công an cắm bản, tôi cảm nhận được nhiệt huyết hừng hực của người con Tây Bắc, luôn mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé để giúp đỡ những người đồng bào của mình.
“Nhiều năm nay, đồng bào dân tộc ở huyện vùng cao Bát Xát tổ chức đón Tết cùng với Tết Cổ truyền của dân tộc. Ngày 30 Tết, họ làm cơm cúng tổ tiên. Theo quan điểm của người Mông, trong ba ngày Tết, họ không làm việc; các vật dụng gắn bó với sinh hoạt hàng ngày của đồng bào như con dao, cái quốc, xẻng cũng là người lao động cũng nghỉ ăn Tết. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng mổ lợn để tiếp đón anh em, bạn bè, mời cán bộ Công an và chính quyền địa phương”, vừa đi Thiếu tá Lầu A Hồ vừa chia sẻ với tôi.
Những nơi chúng tôi đặt chân qua, bà con trong bản ai cũng hồ hởi mời vào trong nhà. Họ biết các anh phụ trách ở xã này, ai cũng mời đến gia đình ăn bữa cơm ngày đầu xuân... Chỉ vào một căn nhà có cắm lá xa xanh ở đầu nhà, Thiếu tá Lầu A Hồ nói với chúng tôi: Đây là dấu hiệu thông báo nhà người dân không muốn tiếp khách, không muốn cho người ngoài vào trong nhà trong những ngày Tết.
Trong quá trình công tác ở đây, anh đã giúp những cán bộ của Công an huyện cắm bản là người kinh hiểu thêm về phong tục, tập quán của đồng bào; học ngôn ngữ của họ để gần gũi trong quá trình giao tiếp... Từ phía xa, căn nhà trình tường của cặp vợ chồng anh Sùng A Tùng, người Mông ở Dền Thàng, Bát Xát dần hiện ra trước mắt. Với gia đình họ, Thiếu tá Lầu A Hồ nói riêng và các cán bộ Công an cắm bản như những người thân trong gia đình. Lần đó, Thiếu tá Lầu A Hồ biết vợ chồng Sùng A Tùng có cậu con trai ốm nặng hơn một tuần nhưng không đưa xuống viện khám bệnh mà để ở nhà, mời thầy cúng về “đuổi ma rừng”.
Khi biết việc này, chính quyền và hàng xóm đã đến vận động, thuyết phục nhưng gia đình vẫn không làm theo. Nắm được thông tin đó, anh cùng tổ công tác bám bản đã trực tiếp đến nhà để tuyên truyền, vận động và dùng uy tín của một cán bộ Công an người Mông đứng ra đảm bảo. Sau đó, Sùng A Tùng và vợ đã đồng ý cùng anh đưa cháu bé xuống Bệnh viện huyện Bát Xát để thăm, khám chữa bệnh. Đến nay, cháu bé đã hoàn toàn khỏi bệnh, gia đình từ đó coi anh và các cán bộ Công an cắm bản như những người thân trong gia đình.
Mỗi lần có dịp xuống chợ, họ đều mang theo các sản phẩm nông nghiệp do tự tay mình làm ra như những bó rau cải mèo, vài chục quả trứng gà..., tặng cho các cán bộ Công an cắm bản. Biết gia đình họ còn gặp khó khăn, anh cùng cán bộ đơn vị sau khi nhận quà đã ghi nhận tấm lòng của họ, nhưng vẫn trả tiền để gia đình mua thức ăn, cải thiện cuộc sống cho mấy đứa nhỏ.
2. Rời nhà cặp vợ chồng người Mông, Thiếu tá Lầu A Hồ đưa chúng tôi tham quan những cánh đồng tỏi xanh mướt, mọc ngút ngàn dưới chân núi. “Trước Tết nguyên đán, địa bàn 8 xã khu vực Mường Hum đang thực hiện mô trình trồng 50ha tỏi vụ đông năm 2018. Đây là chương trình nhằm xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương...
Với kinh nghiệm trồng cây tỏi, lại có lợi thể biết tiếng Mông, vào những lúc rảnh rỗi, tôi lại xuống các khu vực trồng tỏi, tham gia làm rồi hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây bằng tiếng của người Mông, giúp bà con dễ hiểu và dễ nghe” Thiếu tá Lầu A Hồ chia sẻ.
Những ngày ba cùng ở địa bàn, tổ công tác cắm bản thấy người đồng bào vẫn có thói quen sử dụng một chiếc nồi nấu thức ăn cho người, đồng thời nấu thức ăn cho gia súc, gia cầm chung vào một chiếc chảo lớn; nấu một bữa để ăn nhiều bữa, thậm chí ăn nhiều ngày. Rồi bà con dân tộc H Mông có tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm sát nơi mình ở. Bởi theo quan niệm của bà con là để tiện chăm sóc, quản lý cũng là để giữ ấm cho gia súc gia cầm vào những ngày đông...
Những điều được mắt thấy, tai nghe ấy khiến các cán bộ Công an cắm bản không khỏi chạnh lòng. Họ nhận thấy cần phải thay đổi những tập quán lạc hậu trên. Vì vậy, tổ công tác đã vận động bà con xuống chợ mua những chiếc xoong, nồi loại vừa và nhỏ về sử dụng. Bằng những đồng lương ít ỏi của mình, họ đã mua tặng một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn các vật dụng trên; hướng dẫn họ cách sử dụng và nấu những món ăn ngon, vừa đủ để ăn một hai bữa...
Không quản vất vả, tổ công tác lặn lội đến từng gia đình nói chuyện, chỉ cho họ tác hại của việc nuôi, nhốt gia súc, gia cầm gần nhà. Một số hộ gia đình quyết định di chuyển chuồng trại, Công an cắm bản cùng lãnh đạo xã, cử cán bộ tham gia lao động, giúp các hộ dân di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở...
“Những năm trở lại đây, UBND huyện Bát Xát đã tạo điều kiện, cấp cho tổ công tác tăng cường cơ sở một số cơ sở vật chất, trong đó có nhà ở nên đời sống của cán bộ Công an cắm bản cũng vợi bớt khó khăn hơn. Cùng ăn, cùng làm và cùng ở ngay tại các địa bàn trọng điểm, các tổ công tác này hàng ngày phối hợp với Ban Công an xã nắm tình hình; tham mưu và giải quyết sự việc ngay từ ban đầu đồng thời phối hợp với các nhà trường đóng chân trên địa bàn xã tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân.
"Mưa dầm thấm lâu, ý thức của người dân về pháp luật dần nâng cao, tình hình vi phạm pháp luật những năm sau giảm hơn năm trước. Năm 2018, trên địa bàn huyện Bát Xát không xảy ra một vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng nào...”, Thượng tá Doãn Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Bát Xát chia sẻ với chúng tôi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Văn Cường, cán bộ Công an cắm bản cho biết: Chúng tôi thường xuyên bám địa bàn, lắng nghe ý kiến giải của nhân dân. Rồi đến từng nhà, vận động người dân, ký cam kết, không tham gia vào tệ nạn xã hội. Đến nay, tệ nạn đánh bạc trong các ngày lễ, Tết trên địa bàn đã giảm hẳn, từ đó góp phần phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội khác.
3. Qua công tác thực hiện, đa số cán bộ chiến sỹ bố trí về địa bàn phát huy được vai trò nắm, quán xuyến tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề nổi lên; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Kết quả lực lượng Công an xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, thường xuyên có mặt tại địa bàn cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã công tác đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phong trào toàn dân tham gia xây dựng và củng cố Quốc phòng, an ninh vững chắc; hướng dẫn lực lượng Công an xã làm tốt công tác nắm tình hình, giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, làm tốt hồ sơ ban đầu chuyển các đội nghiệp vụ giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Qua đó, trên 90% thông tin vụ việc trên địa bàn do lực lượng Công an xã, Công an huyện phụ trách xã cung cấp. Qua mô hình trên, lực lượng Công an huyện phụ trách xã cũng như lực lượng an ninh cơ sở đã nhận được 87 nguồn tin, trong đó 53 nguồn tin có giá trị, chuyển đội nghiệp vụ Công an huyện 64 vụ phạm pháp hình sự, bắt 89 đối tượng.
Vào những ngày Tết đến, xuân về khi chứng kiến gia đình đồng bào vùng cao đoàn tụ, không ít cán bộ Công an cắm bản cảm thấy xốn xang. Nhưng tình cảm nồng ấm của bà con vùng cao giúp xóa đi nỗi nhớ nhà da diết, giúp họ có thêm nghị lực để “chân cứng, đá mềm” thêm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc và mỗi cán bộ Công an huyện Bát Xát đều cảm thấy tự hào vì được đóng góp vào sự bình yên của mảnh đất nơi đây.
Tác giả: X. Mai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn