Thực tế, người Đại đội trưởng ấy đã nhiều lần đối mặt với hiểm nguy như vậy, và mỗi lần anh đều có cách ứng biến riêng, khéo léo mà hiệu quả.
Hai lần trực tiếp đấu trí, tước lựu đạn đối tượng
Nhắc lại vụ việc ngày 1-10, Lê Ngọc Sơn (SN 1985), trú Nghi Lộc, Nghệ An là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, lại cầm đầu đường dây ma tuý xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam mà Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá năm 2017.
Khi 4 đồng bọn bị bắt, Sơn trốn ra nước ngoài, gần đây mới quay về địa phương. Do đó đối tượng rất manh động và kiên quyết tử thủ để không bị bắt. Việc khống chế Sơn trở thành bài toán khó, nhất là khi trong tay đối tượng có 4 quả lựu đạn, 1 bình gas và nơi cố thủ lại trong khu dân cư, nếu chẳng may có sơ suất thì thương vong rất lớn…
Lực lượng chức năng khám nghiệm căn nhà đối tượng Sơn cố thủ. |
“Ngay khi nhận được nhiệm vụ, chúng tôi đã dự họp lên phương án xử lý dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An. Sau đó, tất cả lực lượng được huy động đã có mặt ở hiện trường để bố trí quân, vào vị trí tác chiến…”, Đại uý Hội nhớ lại.
Trưa cùng ngày, đối tượng Hoàng Ngọc Sinh (SN 1987), trú Đô Lương, Nghệ An cùng cố thủ với Sơn tự nguyện giao nộp 1 quả lựu đạn đầu thú. Còn Lê Ngọc Sơn “ngáo đá”, ngoan cố, lại còn vào mạng xã hội cập nhật trạng thái thách thức cơ quan Công an…
Đến chiều, đối tượng có mặt ở khu vực tầng 2, Đại uý Phạm Văn Hội trực chiến tại sảnh tầng 1. Việc thuyết phục vẫn chưa thu được kết quả và lực lượng chức năng cũng không thể đưa ra biện pháp cứng rắn hơn. Bố đẻ, chị gái, bạn bè, mẹ nuôi của đối tượng và một số người có uy tín trong xã hội được mời đến để nói chuyện với Sơn nhưng không thành công.
“Tôi thử nói chuyện với đối tượng rồi xin số điện thoại nhắn tin và gọi điện”, Đại uý Hội kể. Anh khuyên bảo Sơn đầu hàng để gìn giữ thanh danh gia đình (bố là bộ đội, bản thân đối tượng từng học đại học rồi bỏ), từ chiều đến tối anh gọi gần chục cuộc điện thoại. Đến khuya thì Sơn chủ động nhắn tin lại. Lúc này anh biết rằng, dù bên ngoài tỏ vẻ cứng rắn nhưng tâm lý đối tượng đã hơi chùng xuống, lại thắp lên hy vọng về việc thuyết phục.
22h30, thấy việc vận động kéo dài không có kết quả, lực lượng Công an đã thể hiện thái độ sẽ xử lý quyết liệt hơn. Lê Ngọc Sơn chạy lên đóng cửa tầng tum rồi xuống bếp lấy dao, dọa xì gas cho nổ cùng lựu đạn đã rút chốt. “Sơn ơi, anh Hội đây, anh Hội sáng giờ nói chuyện với em đây” – Đại uý Hội lần mò từng bước lên cầu thang theo mách bảo của linh tính. Anh xuống đi không em cho nổ đó, em xác định chết rồi - Sơn dọa.
“Anh lên người không đây, súng anh để ngoài rồi, anh em mình xuống đàng hoàng thôi. Em đầu hàng đi, sai đến đâu có pháp luật xử lý…”, Đại uý Hội nói tiếp. Lê Ngọc Sơn tay lăm lăm bật lửa và lựu đạn, bình gas để trước mặt.
“Anh tin em thì anh mới lên đây, bỏ vũ khí đầu hàng đi”, người Đại đội trưởng tiếp tục thuyết phục khi đã gần giáp mặt đối tượng, phát hiện 2 quả lựu đạn khác đặt trên bàn. Sơn xin điếu thuốc và “mặc cả” nếu lực lượng rút hết thì sẽ xuống. Qua xin ý kiến chỉ huy rút quân, Đại uý Phạm Văn Hội tiến sát châm thêm điếu thuốc nữa cho Sơn. Trái ngược với thái độ manh động trước đó, Sơn xin thay quần dài rồi theo Đại uý Hội đi xuống…
Nếu như vụ việc trên là biểu hiện của sự khôn khéo, mưu trí trong vận động, thuyết phục thì lần đối đầu với tên cướp năm 2012 lại bộc lộ tinh thần quả cảm, sự nhạy bén, quyết đoán của Đại uý Phạm Văn Hội. Thời điểm đó mới 27 tuổi đời với cấp bậc hàm Trung uý nhưng anh đã chín chắn trong nắm bắt tâm lý tội phạm và khôn khéo khống chế đối tượng cướp tài sản có súng và lựu đạn.
Đó là vào nửa đêm ngày 9-12-2012, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân tại đường Nguyễn Du, phường Bến Thủy (TP Vinh) có đối tượng mang theo súng và lựu đạn cướp tài sản người đi đường, anh cùng đồng đội tiếp cận hiện trường xác minh. Khi tổ tuần tra áp sát và tước được khẩu súng thì đối tượng đạp cửa taxi bỏ chạy, đồng thời móc lựu đạn đã rút chốt dọa cho nổ.
“Đối mặt với đối tượng khi lựu đạn rút chốt rồi thì ai chả sợ nhưng mình có linh cảm và niềm tin là sẽ thành công. Có lẽ cái này do thực tế đào luyện…” - Đại uý Phạm Văn Hội, Đại đội trưởng Đại đội CSCĐ, Phòng CSCĐ Công an tỉnh Nghệ An bày tỏ. |
Nhận thấy tính chất phức tạp, Trung uý Phạm Văn Hội đã xin ý kiến Thượng tá Trần Khắc Tuấn, Phó Trưởng phòng trực chỉ huy tuần bám theo đối tượng. Lúc đó chỉ đạo của đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh là huy động lực lượng CSCĐ, Công an TP Vinh và cảnh khuyển đuổi theo vận động, thuyết phục, chờ cơ hội khống chế. “Chúng tôi đã xác định có thể hy sinh cảnh khuyển, nhưng bất ngờ đối tượng chạy vào khu vực nhiều dân và sợ rằng bản thân đối tượng cũng tử vong thì nhiệm vụ coi như thất bại...”, anh nhớ lại.
Thế rồi sau hơn 3 giờ truy bắt, đối tượng đã chạy vào ngõ cụt, trước mặt là một cái ao, sau lưng là Trung uý Hội chỉ cách tầm 2m. “Nghĩa ơi, lựu đạn em đã nổ khi mô chưa?” - Em nổ một lần rồi. Anh trò chuyện với đối tượng tự nhiên cũng như cách nói đối với Lê Ngọc Sơn… Lúc này khoảng 3h sáng, trời mùa đông tối mịt, lạnh căm trong khi cả đối tượng và lực lượng truy bắt đều mệt rã rời. Lợi dụng lúc đối tượng sơ hở, Trung uý Phạm Văn Hội đã lao đến tước quả lựu đạn.
Đối tượng được làm rõ là Trần Trung Nghĩa (SN 1991), trú khối 12, phường Bến Thuỷ, TP Vinh. Sự việc kể lại nghe có vẻ đơn giản, thế nhưng trong tình huống hiểm nguy như vậy chỉ có bản lĩnh “thép” mới có thể giúp anh quan sát tốt, nhận diện chính xác thời cơ và hành động cương quyết, chắc chắn. Bản lĩnh “thép” ấy được tôi luyện qua thực tế, vừa cứng rắn, sắc sảo, vừa linh hoạt trong từng tình huống nghiệp vụ và trước đòi hỏi của thực tiễn.
“Vợ nói, em không nghĩ anh liều rứa”
Đại uý Phạm Văn Hội sinh năm 1985, tại Diễn Châu, Nghệ An, trong một gia đình bần nông, có bố là thương, bệnh binh tham gia kháng chiến chống Mỹ. Tốt nghiệp THPT, năm 2005, anh nhập ngũ tại Trung đoàn CSCĐ miền Trung - Tây Nguyên, đóng tại tỉnh Gia Lai. Những tháng năm làm lính nghĩa vụ đã giúp anh rèn luyện thể chất cũng như bản lĩnh, để rồi tháng 8-2006, Phạm Văn Hội thi đỗ và học tại Trường Sỹ quan lục quân I (Sơn Tây, Hà Nội), chuyên ngành Chỉ huy tham mưu lục quân.
Tháng 7-2009 tốt nghiệp ra trường, anh được phân công công tác tại Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc Thủ đô. Đầu năm 2010 được điều động về Đại đội CSCĐ, Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh Nghệ An. Năm 2002, Đại uý Phạm Văn Hội được bổ nhiệm chức vụ Phó Đại đội trưởng Đại đội CSCĐ. Tháng 1-2015, anh học tại Học viện CSND và hai năm sau được bổ nhiệm chức vụ Đại đội trưởng CSCĐ, Phòng CSCĐ Công an tỉnh Nghệ An.
Nhìn lại quá trình học tập, công tác mới thấy, ở môi trường lục quân, Đại uý Hội được rèn luyện thêm về thể lực, huấn luyện khả năng tác chiến ở thao trường khắc nghiệt, đồng thời đào tạo khả năng tham mưu chỉ huy chiến đấu, có nhãn quan về tác chiến tại thực địa… Còn thời gian học tập tại Học viện CSND giúp anh trau dồi kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và bổ sung vốn lý luận riêng cho mình. Từ đó đến nay, anh đã cùng anh em trong đơn vị thực hiện hàng trăm nhiệm vụ công tác đột xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, luôn trực tiếp, đi đầu trong nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, tụ tập đông người, biểu tình…
Đại uý Hội cũng trực tiếp tham gia, chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm soát đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất… Ngoài ra, nhiệm vụ thường xuyên của Đại đội CSCĐ là huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, chiến thuật CSCĐ, Cảnh sát đặc nhiệm, đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin.
Qua trò chuyện với Đại uý Phạm Văn Hội, anh tiết lộ may mắn là vợ cùng công tác ở Phòng CSCĐ Công an tỉnh Nghệ An, do đó luôn hiểu và thông cảm với tính chất công việc của anh. “Mình đi nhiều, trực nhiều và ít về nhà vì ngoài quản lý về công việc thì còn quản lý về con người do là đơn vị vũ trang tập trung. May là gì vợ cũng biết…”. Anh kể, vụ khống chế đối tượng Lê Ngọc Sơn vừa rồi con gái bị ốm, anh chỉ kịp nhắn vợ gửi con về ngoại, xong thì đi luôn một mạch. “Khi về vợ chỉ nói, “không nghĩ anh liều rứa” mà không trách móc gì thêm”, Đại uý Hội tâm sự.
Có chứng kiến những gì anh làm mới thấy anh không hề liều, mà đều có tính toán từ trước. Từng làm Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát của lực lượng CSCĐ, cũng như nhiều vị trí công việc, được tiếp xúc với nhiều loại đối tượng, đặc biệt các đối tượng sống về đêm, có nhiều tiền án, tiền sự… nên bản thân anh đã dạn dày kinh nghiệm và linh cảm nghề nghiệp tốt. Từ đó thôi thúc bản năng hành động.
Tác giả: Quỳnh Vinh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn