Hình ảnh người chiến sĩ Công an gần dân được khắc sâu trong lòng người dân với sự thán phục, tin yêu…
Chúng tôi về xã Tam An, huyện Phú Ninh, nơi đây cũng như bao làng quê khác ở xứ Quảng vừa trải qua cơn lũ lụt, bà con đang hối hả sửa sang lại nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Qua cơn hoạn nạn, người dân Tam An vẫn kể mãi chuyện về những chiến sĩ Công an dầm mình trong mưa, băng qua dòng nước lũ chảy xiết, đối mặt với bao hiểm nguy để sơ tán dân tránh lũ.
Chị Nguyễn Thị Bích Duy, con gái bà Trịnh Thị Tuyền (60 tuổi) cho biết, nếu hôm đó không có các anh Công an đến cứu giúp kịp thời thì không biết chuyện gì sẽ đến với mẹ của chị. Thời điểm đó, khi nước lũ dâng cao thì bất ngờ bà Tuyền lên cơn đau ruột thừa, cần đưa đến bệnh viện để điều trị gấp. Thế nhưng lúc này, gia đình chị và bà con lối xóm không có ghe, xuồng, hay bất cứ phương tiện gì để đưa bà Tuyền ra khỏi vùng ngập lũ.
Bức thư cảm ơn đầy cảm động của chị Duy gửi Công an tỉnh Quảng Nam. |
Trong lúc bà Tuyền đang quằn quại với những cơn đau liên hồi và cả nhà đang rất lo lắng thì tổ công tác của lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam tiếp cận được ngôi nhà chị Duy và dùng ca nô đưa bà Tuyền chuyển khỏi khu vực ngập để đi cấp cứu. Nhờ được đưa đến viện kịp thời, bà Tuyền đã được phẫu thuật qua cơn nguy kịch…
Trong lá thư cảm ơn gửi lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam và lực lượng CSGT đường thủy, chị Duy xúc động viết: “Hôm ngày 11-12-2018, mẹ tôi đau nặng, trong lúc lũ lụt lớn không có phương tiện để đến bệnh viện được, rất may trong lúc này được sự ứng cứu kịp thời của các anh Công an đã đưa mẹ tôi đến bệnh viện. Bây giờ mẹ tôi đã qua cơn nguy kịch. Tôi viết thư này gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam và các chiến sĩ Cảnh sát đường thủy nói riêng đã giúp gia đình tôi trong lúc hoạn nạn…”.
Trực tiếp chứng kiến lực lượng Công an đã giúp đỡ, ứng cứu người dân khỏi vùng ngập lũ, tạo điều kiện bà con có nơi ăn ở trong hoạn nạn, ông Cao Văn Phùng, một cán bộ hưu trí, kể chuyện các CBCS Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Quảng Nam như nói về người thân của gia đình mình.
Lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam nỗ lực di dời người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. |
Ông Phùng nói: “Tôi nhớ lúc các anh Công an đến gia đình chúng tôi, trời đã xế chiều 10-12. Lúc này dường như ai cũng thấm mệt do phải ngâm mình trong nước cả ngày. Vậy mà các anh không biết mệt nhọc là gì, vẫn ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên từng người trong gia đình chúng tôi, sau đó dùng ca nô vận chuyển cả nhà cùng bà con trong thôn đến khu vực cao tránh lũ. Khi đưa mọi người về tập trung tại trụ sở đơn vị Cảnh sát Cơ động, nhìn các anh Công an chia nhau từng miếng mì tôm sống ăn qua quýt cho đỡ đói, rồi tiếp tục đi làm nhiệm vụ, bà con có mặt hôm đó ai cũng nao lòng… Các chiến sĩ Công an còn quá trẻ, như con, như cháu của mình mà biết sống nhiệt huyết, vì nhân dân quên cả bản thân mình, càng tạo thêm niềm tin yêu của người dân vào lực lượng Công an…”.
Trước khi đến những vùng đã qua cơn lũ lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tại trung tâm TP Đà Nẵng, chúng tôi cũng được nghe người dân khu phố K96 đường Điện Biên Phủ, kể lại chuyện các CBCS Công an phường Chính Gián, quận Thanh Khê, trắng đêm cứu các hộ dân bị ngập nặng do trận mưa lịch sử vào đêm 9-12.
Hôm đó, chị Trương Thị Phương (28 tuổi) đang mang thai 5 tháng, cùng 2 con nhỏ là cháu Bùi Hoàng Gia (9 tuổi) và cháu Bùi Hoàng Anh (19 tuổi) bị mắc kẹt trong ngôi nhà ngập nước sâu đến cổ. Trong khi chồng chị Phương đi làm xa. Nhận được tin báo, Công an phường Chính Gián nhanh chóng phối hợp với Công an quận Thanh Khê dùng phao tiếp cận nhà chị Phương đưa chị và các con nhỏ ra ngoài an toàn.
Thiếu tá Trương Huy Chương, Phó Công an quận Thanh Khê cho hay, đêm ấy, các CBCS Công an còn cứu rất nhiều gia đình bị mưa gây ngập sâu, đưa bà con và tài sản đến nơi cao ráo an toàn…
Đợt mưa lũ kỷ lục ở tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CTV |
Đại úy Trần Văn Nhân, Phó Công an phường Chính Gián kể thêm rằng, tại khu vực K96/169 đường Điện Biên Phủ, khuya 9-12, còn có một người đàn ông bị liệt mắc kẹt trong căn nhà nhỏ bị nước bao vây. Nước cao quá đầu người, nghe tiếng kêu cứu trong ngôi nhà bị khóa kín cửa, các chiến sĩ Công an đã lập tức vừa bơi vừa lặn vào trong nước mà dùng cây sắt bẩy cánh cửa. Sau gần nửa giờ đồng hồ, các anh đã cứu được người đàn ông kia ra ngoài…
Gặp chúng tôi trong không khí của ngày cuối năm, khi khắp nơi đang rộn ràng chuẩn bị đón năm mới, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam, bày tỏ: “Trong những ngày mưa lũ rất vất vả, nhiều bữa vì nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bị ngập lụt mà anh em chúng tôi chỉ vội ăn miếng bánh lương khô mang theo cho qua bữa... Với chúng tôi, điều đáng mừng nhất là đã đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc trên các tuyến giao thông bị ngập lũ lụt, nhất là quốc lộ 1A”.
Nhớ lại, những ngày lũ lụt ngập sâu nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương đã phân công hơn 670 CBCS, cùng hàng trăm lượt phương tiện hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông, nhất là tại các điểm ngập nặng trên quốc lộ 1A; phối hợp với các lực lượng khác tham gia di dời hơn 1.900 hộ dân, với hơn 3.700 người, cùng nhiều tài sản đến nơi an toàn; giúp đỡ đưa những người ốm đau, bị thương đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Chính những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình trong mưa lũ của các cán bộ, chiến sĩ Công an đã để lại trong lòng nhân dân nhiều tình cảm, sự tin yêu và mến phục.
Tác giả: Ngọc Thi - Hoài Thu
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn