Ông Phạm Văn Dần (xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định) được người dân tin yêu như người thân trong gia đình. Không những vậy, ông còn là nỗi khiếp sợ của bọn tội phạm tại địa bàn một thời. Suốt 11 năm đảm nhiệm Trưởng Công an xã, ông Dần nhận không ít giấy khen, bằng khen.
1.Năm 1968, khi mới 18 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Văn Dần tình nguyện lên đường nhập ngũ. Khi ấy ông được đưa lên Sơn Tây huấn luyện đặc công tổng hợp trong thời gian 8 tháng.
Sau đó được cử vào chiến trường phía Tây Nam TP Huế. Tại đây ông Dần đã 3 lần bị trúng đạn của địch tưởng không qua khỏi. Một lần đạn bắn trúng vào tĩnh mạch cảnh ở cổ, lần khác ông lại bị đạn bắn xuyên bắp chân, phải rất khó khăn mới gắp được viên đạn ra. Một lần khác ông lại bị đạn bắn trúng mông bên phải.
Ông hài hước bảo: "Bây giờ vết thương ở mông sâu bằng ngón tay. Dù bị thương khắp người nhưng vẫn còn rất may mắn. Hồi bọn tôi đi từ trại huấn luyện đặc công ở Sơn Tây có tất cả 120 người thì giờ chỉ còn tôi và một người nữa thôi, còn lại mất cả rồi".
Dù trải qua những phút sinh tử ở chiến trường nhưng những ký ức khi làm Trưởng Công an xã là những kỷ niệm ông Dần không bao giờ quên. |
Khi hòa bình lập lại, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Quân cảnh thành phố Huế (lực lượng của Thành đội Huế). Nhưng do gia đình neo người, mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương lại tái phát khiến ông muốn trở về quê hương để gần gũi người thân. Năm 1983, ông quyết định xin trở về địa phương để điều trị vết thương và chăm sóc gia đình.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các địa bàn ngoại ô như xã Liên Minh rất phức tạp. Nạn trộm cắp, cướp giật thường xuyên xảy ra, không những vậy dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa phận xã rất hay bị phá hoại, tháo đường ray.
Nhận thấy ông Dần vốn là lính đặc công, lại là người chính trực, chỉ sau 1 tháng về quê chính quyền xã đã mời ông lên làm Phó trưởng Công an xã.
"Khi ấy những huyện gần với đường quốc lộ, giáp với thành phố Nam Định an ninh phức tạp lắm. Có đợt, do dịch chó dại hoành hành, Nhà nước cấm nuôi chó. Chính điều này lại càng làm tăng nạn trộm cắp vặt. Chuyện mất trộm thóc lúa, nồi, xoong, con gà, con trâu hầu như đêm nào cũng xảy ra. Làm nhiệm vụ Phó trưởng Công an xã với tôi lúc đó cũng không ít những áp lực"- ông Dần nhớ lại.
Khoảng 2 năm ông Dần làm Phó trưởng Công an xã, an ninh của địa phương ổn định trông thấy. Hàng loạt những vụ trộm cắp được ông và anh em công an viên điều tra ra. Các đối tượng trong địa bàn xã liên tục bị tóm gọn và giao cho Công an huyện xử lý.
"Ngày nào chúng tôi cũng cho anh em sục khắp các gia đình có đối tượng nghi vấn. Vào nhà kiểm tra, chỉ cần thấy có một đoạn sắt (đường ray tàu) là đưa lên trụ sở Công an xã lập biên bản, cảnh cáo. Chúng tôi chia các ca trực, đi tuần 24/24h, thấy người lạ vào địa bàn xã là yêu cầu khai báo, kiểm tra hành chính" - ông Dần nhớ lại.
Ông Dần nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng chính phủ. |
2.Được người dân tín nhiệm, yêu quý, chỉ sau 2 năm ông Dần được bầu làm Trưởng Công an xã Liên Minh, ông kể: "Đến năm 1995 thì tôi vừa làm Trưởng Công an xã vừa kiêm Phó Chủ tịch xã.
Người dân ám ảnh nhất vẫn là nạn mất cắp trâu bò. Có điều đặc biệt là, kẻ trộm trâu bò không dắt trâu, bò đi khỏi địa bàn mà thịt luôn ở đó. Nhiều nhà mất trâu bò rồi sau đó phát hiện đầu và chân trâu ở cánh đồng của thôn.
Có thời điểm, chỉ trong có vài ngày mà ở xã mất tới 6 con trâu, bò. Trước tình hình đó tôi đã bàn bạc với cấp dưới của mình và hạ quyết tâm phải tìm bằng được thủ phạm".
Theo lời ông Dần kể, lần đó ông đã cùng với mấy Công an viên nữa rong ruổi suốt 1 tuần lần tìm dấu vết kẻ trộm trâu, bò. "Đội" của ông lùng sục khắp nơi từ Bỉm Sơn (Thanh Hóa) lên Hải Phòng. Vậy mà cuối cùng ông cùng các cộng sự đã lập được kỳ tích.
Ông hào hứng chia sẻ: "Đúng là ông trời không phụ công chúng tôi. Buổi sáng hôm đó tôi cùng mấy anh em đang ăn sáng ở phường Trường Thi (Nam Định) thì vô tình gặp một đồng chí Công an của phường này. Vì quen nhau từ trước đó nên đồng chí ấy có hỏi tôi là đang đi đâu, tôi bảo đi tìm kẻ trộm trâu, bò.
Đồng chí ấy bảo, mấy hôm trước thấy một gia đình có mang về rất nhiều thịt trâu, bò. Có được manh mối đó nên chúng tôi đã vào hỏi gia chủ. Cuối cùng gia chủ phải thừa nhận chỗ thịt đó là do đứa cháu mang từ đâu về không rõ. Khi hỏi người cháu đó thì anh ta thừa nhận đã bắt trộm rồi giết mổ trâu, bò ngay tại trận".
Bằng khen ông Dần vinh dự được Thủ tướng trao tặng. |
Trong cuộc đời làm Trưởng Công an xã Liên Minh, ông Dần không bao giờ quên vụ án "quan tài bay" mà ông chính là người đã đứng ra dàn xếp để không xảy ra án mạng. Khoảng năm 1987, trên địa bàn xã xảy ra một vụ án mạng hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân của vụ án bắt nguồn từ một mối tình tay ba.
"Hồi đó có một thanh niên ở nơi khác đến tán cô Hương (tên nhân vật đã được thay đổi - pv). Tuy nhiên, Hương đã có người yêu ở cùng thôn. Khi thấy bạn gái mình đang đứng nói chuyện với chàng trai lạ và có cử chỉ thân mật đã khiến Trần Văn Thủy nổi cơn ghen. Thủy quay về nhà lấy dao nhọn và lao vào đâm chết tình địch. Khi xảy ra vụ việc đáng tiếc ấy, gia đình của nạn nhân đã cùng với khoảng 60 người khiêng quan tài tới đặt giữa nhà của Trần Văn Thủy. Lúc ấy không khí nóng như chảo lửa, chỉ cần sai sót một ly thì án mạng chắc chắn sẽ xảy ra. Bên nhà nạn nhân đau xót và đầy hận thù, họ xông vào đòi "nợ máu phải trả bằng máu".
Trước tình hình nước sôi lửa bỏng ấy tôi đã phải đứng lên bờ tường và kêu gọi: "Hỡi gia đình của nạn nhân. Nạn nhân đã phải chịu một cái chết đầy đau đớn và uất ức rồi sao còn nỡ đày đọa thêm nữa. Sao không đưa nạn nhân về quê nhà chôn cất. Gia đình làm thế này sẽ khiến nạn nhân bơ vơ, vất vưởng, linh hồn không thể siêu thoát" - ông Dần kể lại.
Sau lời "hiệu triệu" ấy, thay bằng những tiếng la hét, chửi bới đòi chém giết là những tiếng khóc ai oán, xót thương. Ngay lập tức những người trong gia đình nạn nhân không ai bảo ai mà đồng loạt quay đầu. Họ lặng lẽ khiêng chiếc quan tài nạn nhân dời khỏi nhà đối tượng Trần Văn Thủy để về quê an táng.
"Dân làng tôi không ai là không nhớ tới vụ khiêng quan tài đó. Quả là nếu không có ông Dần đứng ra nói lời thấu đáo thì có lẽ chuyện chém giết trả thù chắc chắn sẽ xảy ra. Sau này chúng tôi đã gọi vụ đó là vụ "quan tài bay". Mà cứ hễ nhắc đến là phải nói tới công của ông Dần" - ông Nguyễn Quang Hòa, một người trong xã Liên Minh kể lại.
Trong suốt quá trình chiến đấu, ông Dần 3 lần dính đạn của kẻ thù. |
Những việc làm của ông Dần ngày một khiến bà con nhân dân tin yêu, tuy nhiên lần một mình tay không bắt ba tên cướp mới thực sự làm nên "thương hiệu" của vị Trưởng Công an xã này.
Hôm đó ông trên đường đi công tác cùng với một đồng chí Công an huyện Vụ Bản, về đến cầu Dành thì nghe thấy tiếng người dân tri hô "cướp". Lúc đó một cháu học sinh bị ba tên cướp giật chiếc dây chuyền vàng đã chạy tắt qua cánh đồng để tẩu thoát.
Ông Dần đi chiếc xe máy Misk liền phi thẳng qua đường sắt lao vào đường tắt giữa cánh đồng, lên bờ đê. Ba tên cướp đã chạy khá xa, chúng nhảy vào bốt điện vắng giữa đồng hòng lẩn trốn. Ông Dần để xe trên đê, nhảy vào bốt điện để truy bắt.
Thấy ông Dần đơn thương độc mã, ba tên cướp lao ra định đánh gục để trốn thoát. Chúng không ngờ, dù đã lớn tuổi nhưng ông vẫn nhanh nhẹn hạ gục từng tên một chỉ trong vài phút. Khi cả ba tên trộm bị đánh gục thì bà con xung quanh mới ra tới nơi. Ông Dần trói cả ba tên lại rồi giao cho Công an huyện Vụ Bản xử lý.
"Quả thực lúc đó tôi truy đuổi tên cướp theo bản năng. Không hề biết sợ hãi gì, mặc dù biết chúng có tới ba tên. Khi lao chiếc xe Minck qua đường tàu nhanh đến mức cả hai bánh lao lên không trung rồi hạ xuống đất rất an toàn. Tôi vốn là lính đặc công, việc hạ thủ ba tên cướp đó không quá khó khăn. Sau này nhà trường của cháu bé theo học có gặp tôi và cảm ơn".
Dứt lời ông Dần cười: "Có lần các bạn bên đài truyền hình về phỏng vấn tôi vụ bắt ba tên cướp, họ có bảo tôi phi lại chiếc xe Misk đó qua đường ray tàu để quay lấy hình. Tôi đã làm đi làm lại mấy lần đều không được, không hiểu lúc đó sao có thể phi xe qua đó an toàn được".
Phong AnhNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn