Chuyện người cán bộ phòng cháy vượt lũ xiết cứu người

Thứ tư - 19/07/2017 23:24
Tiếng kêu thất thanh của đứa trẻ nhỏ cắt ngang dòng suy nghĩ của Thượng úy Ngô Quang Nam. Anh lao xuống dòng nước dữ dằn, hung tợn từ thượng nguồn cuồn cuộn chảy xuống đang cuốn cháu bé ra xa bờ...


“Tôi viết thư này xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới toàn bộ ban lãnh đạo, chỉ huy đội chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thị xã Nghĩa Lộ cũng như đồng chí Ngô Quang Nam. Cảm ơn lãnh đạo, chỉ huy đã đào tạo và huẩn luyện được đội ngũ chiến sỹ dũng cảm, có tinh thần cao trong công việc cũng như đối xử với nhân dân...” -  đây là trích đoạn lá thư của chị Hoàng Thị Thắm, người phụ nữ Mường, trú tại thôn Á Thượng, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, gửi đến Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) Công an tỉnh Yên Bái ngày 11-7.

Câu chuyện người cán bộ Cảnh sát PCCC vượt lũ cứu người sẽ chẳng mấy ai người biết đến nếu không nhận được lá thư cảm ơn của gia đình chị Hoàng Thị Thắm gửi đến. Bởi với Thượng úy Ngô Quang Nam, cán bộ Đội cảnh sát PCCC&CHCN khu vực Nghĩa Lộ, đây là công việc bình thường của một cán bộ Công an, anh không coi việc mình làm là thành tích cao cả.

Nhập ngũ và vào ngành năm 1998, Thượng úy Ngô Quang Nam là lái xe thuộc Đội  PCCC&CHCN khu vực thị xã Nghĩa Lộ… Công việc của người lính cảnh sát chữa cháy lưu động, với người lái xe còn đòi hỏi phải linh hoạt hơn nữa. Nhận lệnh là lên đường, làm sao đưa phương tiện chữa cháy và cán bộ đơn vị đến hiện trường sớm nhất nhằm làm giảm đến mức thấp nhấp thiệt hại về người và của cho nhân dân.

Ở dưới xuôi, tiếng còi cứu hỏa trở nên quen thuộc nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì vẫn còn lạ lẫm lắm. Đội PCCC và CHCN phụ trách địa bàn có khi cách đơn vị đóng quân hàng trăm cây số, với những cung đường đèo dốc, luôn là một thách thức đối với những người lái xe như anh Nam. Ngoài áp lực phải đến hiện trường sớm nhất còn phải là đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ và các phương tiện dùng để cứu hộ, cứu nạn và cùng đồng đội tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Nhớ lại sự việc xảy ra ngày 9-7, Thượng úy Ngô Quang Nam bộc bạch: Dòng suối Nung bao đời nay là nơi sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Nghĩa Lộ, thường ngày hiền hòa là thế nhưng mỗi khi lũ về lại trở lên hung tợn, dữ dằn... Sau một ngày làm việc căng thẳng, chiều 9-7 như thường lệ, Thượng úy Ngô Quang Nam lại đến nơi đây để cảm nhận được cuộc sống yên ả của người dân vùng cao, lắng nghe tiếng mõ trâu gọi về, mùi nếp tú lệ thơm lừng, quyến rũ và giọng hát trong trẻo của cô gái người Mường, người Thái để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Ven dòng suối, hai đứa trẻ đang nô đùa, tiếng cười, tiếng nói vang cả một khúc suối. Bất chợt nhìn thấy cảnh ấy, Thượng úy Ngô Quang Nam nhớ đến hai đứa con thơ, chẳng biết giờ này bếp nhà đã đỏ lửa?. Vợ anh dạy học cách nhà gần 25 km, rời đi từ lúc gà gáy sáng rồi trở về  khi tối đã nhọ mặt người còn anh thì công tác ở đơn vị chiến đấu, cách nhà gần 100 km đường đèo dốc nên những đứa trẻ luôn thiếu thốn những bữa cơm sum họp gia đình. Dăm bữa nửa tháng, anh mới tranh thủ về thăm nhà một lần... hai đứa nhỏ đều phải nhờ ông bà ngoại trông nom. Những lúc gọi điện thoại về nhà, nghe kể con kể vừa bị ốm hay chiếc bóng đèn nhà lại bị cháy; và  thành tích học tập của con không được như ý muốn, anh cũng cảm thấy chạnh lòng.

Tiếng kêu thất thanh của đứa trẻ nhỏ cắt ngang dòng suy nghĩ của Thượng úy Ngô Quang Nam: Cứu người, cứu người. Theo phản xạ, anh quay ngược lại... Dòng suối lúc trước hiền hòa là thế trong phút chốc bỗng trở nên dữ dằn, hung tợn những con nước đỏ quạch chảy từ thượng nguồn cuồn cuộn chảy xuống đang cuốn cháu bé ra xa bờ.

Thượng úy Ngô Quang Nam chỉ nghĩ đến sự an nguy của bé trai, bằng các kỹ năng cứu hộ đã được rèn luyện, anh tìm mọi cách đưa cháu bé vào bờ ... Vào thời điểm này, cháu bé đã bất tỉnh, toàn thân tím tái. Anh vác ngược cháu chạy khoảng 150 mét rồi tiến hành các biện pháp sơ cứu.

Chuyện người cán bộ phòng cháy vượt lũ xiết cứu người
Thượng úy Ngô Quang Nam và các cán bộ Đội đến thăm gia đình cháu Du.

Sau khoảng ba phút, cháu bắt đầu ho rồi khóc. Khi ấy, anh khóc, cháu bé cũng khóc... nước mắt của niềm hạnh phúc khi cháu bé may mắn thoát được lưỡi hái tử thần. Sau đó, theo sự chỉ dẫn của cháu Thủy (người tắm cùng cháu bé không may gặp nạn), anh đã đưa cháu về trao cho gia đình an toàn.

Ôm con trai trong tay, vợ chồng chị Thắm nghẹn ngào chẳng nói lên lời. Nhìn cảnh gia đình sum họp, Thượng úy Ngô Quang Nam cũng thấy lòng ấm lại... Cháu Du là con trai duy nhất của chị Hoàng Thị Thắm và anh Hoàng Văn Nơi, cũng là cháu trai độc nhất của dòng tộc họ Hoàng ở bản Mường Ả Thượng... Bao đời nay, trong dòng họ chỉ có một cháu độc tôn.


Tác giả: Xuân Mai

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây