Chuyện viết trên đường tầm nã

Thứ sáu - 21/07/2017 17:52
Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (TNTP) cho biết, mỗi lần bắt được đối tượng nào, giao cho cơ...


Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (TNTP) cho biết, mỗi lần bắt được đối tượng nào, giao cho cơ quan điều tra xong, cán bộ, chiến sỹ lại tiếp tục bước vào cuộc chiến mới, bắt đối tượng truy nã (ĐTTN) mới, trừ mầm họa cho xã hội và cũng là phục vụ cho công tác điều tra, mở rộng các vụ án trước đó. Dặm trường bắt đối tượng truy nã từ Nam ra Bắc, từ trong nước đến ngoài nước cũng thật nhiều gian nan.

Mong được đón con đúng giờ tan học

Từng xuất hiện trong chương trình truyền hình "Người đương thời", câu chuyện mà Thượng tá Lê Quốc Dương, Trưởng phòng 4, Cục Cảnh sát TNTP (khi ấy anh đang công tác tại Cục Cảnh sát hình sự) đã làm xúc động hàng vạn người xem truyền hình với những chuyện đánh án, chuyện đời thường của người chiến sỹ Công an.

Chuyện viết trên đường tầm nã
Tổ công tác Cục Cảnh sát truy nã tội phạm chuẩn bị lên đường tầm nã.

Sau mỗi lần đánh án trở về, mơ ước của anh thật giản dị, được đi xe máy chở vợ dạo phố phường và đón con vào đúng giờ tan học. Đó cũng là nỗi niềm của nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an khác khi mà bước vào cuộc chiến đấu với các loại tội phạm, giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân thì chính các anh lại có những chuyến công tác dài đằng đẵng, phải hy sinh hạnh phúc của cá nhân mình.

Từ khi thành lập Cục Cảnh sát TNTP, Thượng tá Lê Quốc Dương là một trong những người có mặt sớm nhất trong lực lượng chuyên trách truy bắt ĐTTN. Với kinh nghiệm nhiều năm cùng đồng đội truy bắt, vận động hàng trăm ĐTTN ra đầu thú, Thượng tá Dương lại truyền cho lớp trẻ trong đơn vị, có những vụ anh trực tiếp làm và hướng dẫn chỉ bảo tận tình cho anh em.

"Quay đầu là bờ, lấy nhân tâm thu phục lòng người", vận động đầu thú là tốt nhất, vừa tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho Nhà nước, cho cán bộ, tránh được sư nguy hiểm khi truy bắt, đó chính là phương châm xuyên suốt trong quá trình truy bắt, vận động đầu thú của lực lượng Cảnh sát TNTP toàn quốc.

Nghiên cứu hồ sơ về ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Tuấn Anh, SN 1983, trú tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, Thượng tá Lê Quốc Dương và trinh sát Phòng 4 đã chọn cách tiếp cận người thân để vận động ĐTTN ra đầu thú.

Đối tượng Tuấn Anh là mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán, vận chuyển 373 bánh heroin từ Lào sang Trung Quốc do Nguyễn Thanh Tuân cầm đầu. Với tính chất và mức độ nguy hiểm của đường dây này, có ý kiến cho rằng nên lập kế hoạch bắt để đảm bảo thành công hơn là vận động đầu thú.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, các trinh sát nhận thấy Tuấn Anh có thân nhân tốt, là người sống nặng về tình cảm, nhất định sẽ quan tâm tới gia đình mình. Tìm hiểu, biết Tuấn Anh có vợ là giáo viên, hiện đã chuyển về nhà mẹ đẻ ở và nuôi con trai nho; để sinh sống, chị H có mở thêm một cửa hàng tạp hóa bán hàng tự chọn, trinh sát đã nhiều lần tiếp cận bằng cách đến mua hàng và giúp đỡ những việc lặt vặt khi gia đình cần.

Trong câu chuyện giữa chủ hàng và người mua hàng, dù chưa bao giờ trinh sát đề cập đến chồng mình, chỉ đề cập đến chuyện đạo, chuyện đời, với những gương người tốt, việc tốt và tình hình thời sự nhưng với sự mẫn cảm của người vợ có chồng trốn truy nã, chị H đã thẳng thắn trao đổi với trinh sát rằng, những ngày qua, tiếp xúc với họ, chị tin đây chính là người sẽ giúp đỡ chồng mình hoàn lương, hướng thiện.

Đúng như dự đoán, thấy gia đình được đối xử tốt, thấy vợ ốm mà trong nhà không có tiền nhưng cán bộ Công an bỏ tiền túi để đưa chị H đi khám bệnh tại Hà Nội..., Tuấn Anh đã ra đầu thú.

Nam tiến truy bắt hàng chục đối tượng trốn nã

Có một thực tế rằng, nhiều ĐTTN sau khi gây án đã chọn các tỉnh phía Nam làm nơi tá túc, lẩn trốn và tạo vỏ bọc mới để đánh sự truy bắt của cơ quan chức năng. Vì vậy, mỗi lần xuất quân là các trinh sát đi cả tháng trời, lang thang từ tỉnh này tới tỉnh khác để truy bắt các đối tượng.

Thiếu tá Bùi Đăng Khanh, Phó trưởng Phòng 4 và Thượng úy Đặng Thế Nam, Phó Đội trưởng là những người thường xuyên rong ruổi trên các cung đường bắt các ĐTTN từ Bắc vào Nam.

Nhớ lại chuyến công tác dài 13 ngày (từ 4-12 đến 17-12-2016), tổ công tác do đồng chí Khanh và đồng chí Nam làm tổ trưởng, có sự phối hợp của lực lượng Cảnh sát TNTP phía Nam và Công an các địa phương đã đi 5 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bình Dương, truy bắt được 9/10 đối tượng theo kế hoạch đặt ra.

"Biết mỗi lần đi là tốn nhiều công sức, tiêu tiền bạc của đơn vị, nhiều khi thâm hụt quỹ của gia đình nên chúng tôi phải lên kế hoạch thật chi tiết, thật tỷ mỷ, xác minh thật kỹ, chắc chắn bắt được thành công mới xin lãnh đạo Cục và lãnh đạo Phòng phê duyệt kế hoạch đi công tác" - Thiếu tá Bùi Đăng Khanh bộc bạch. Chính vì vậy, chưa lần nào anh và đồng đội ra về tay không.

Có chuyến đi từ đất liền ra đảo, tỉnh này sang tỉnh kia, anh và đồng đội bắt được hơn 10 đối tượng là ĐTTN do nhiều tỉnh, thành phố truy nã như TP Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thái Bình, Tuyên Quang ra lệnh truy nã và nhiều đối tượng cộm cán có trong chuyên án điểm của Bộ Công an đặc biệt nguy hiểm, đã trốn sâu, trốn kỹ nhiều năm.

"Tiếng là lãnh đạo nhưng ở Cục Cảnh sát TNTP, khi truy bắt thì lãnh đạo cũng như anh em, phải cùng đồng cam cộng khổ, cũng nằm bờ nằm bụi, ăn cơm hộp, uống trà đá vỉa hè để lần theo tung tích đối tượng, nhìn lãnh đạo gương mẫu nên anh em cũng tích cực hơn với công việc..."- Thiếu tá Khanh cho biết.

Những chuyến bắt nã nên duyên vợ chồng

Trong ngôi nhà chung của những người lính truy nã, có những chuyến công tác bắt nã mà nên duyên vợ chồng. Đó là trường hợp của Thượng úy Nguyễn Duy Tân, cán bộ Phòng 4 và vợ là Trung úy Quản Thanh Ngân, cán bộ Phòng 7. Bố vợ Thượng úy Tân cũng là lính truy nã gạo cội có tiếng, Đại tá Quản Trọng Quỳnh, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát TNTP.

Trong đời thường có cả những câu chuyện rất vui. Có lần cả nhà đang đi nghỉ mát tại Nha Trang, nghe tin báo có ĐTTN phạm tội giết người đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh, để truy bắt kịp thời, đồng chí Tân đã báo cáo chỉ huy và lên đường bắt nã.

Chàng lính trẻ cười bảo: "Cũng may bố vợ và vợ đều là lính truy nã nên không gây khó dễ chuyện này". Bắt xong đối tượng, Thượng úy Tân lại vội vã trở về tranh thủ được 1 ngày nghỉ ngơi bên gia đình nhỏ. 

Một mảng công việc quan trọng của Cục Cảnh sát TNTP chính là công tác truy tìm. Thượng úy Lò Ngọc Hoàng, Phó Đội trưởng Đội 1, Phòng 6, Cục Cảnh sát TNTP, kể lại câu chuyện truy tìm em học sinh bị mất tích về với gia đình đầy cảm động.

Trước đó, vào giữa tháng 4-2015, nữ sinh Nguyễn Minh A, 15 tuổi, học sinh một trường ở tỉnh Vĩnh Phúc, đã mất tích sau ngày làm bài thi kết thúc học kỳ. Gia đình sau đó đã tìm kiếm nhiều nơi nhưng không thấy tung tích cô con gái 15 tuổi nên đã làm đơn trình báo, đề nghị Cục Cảnh sát TNTP giúp đỡ.

Tiếp nhận thông tin, đồng chí Hoàng cùng tổ công tác đã đi Vĩnh Phúc và nhiều nơi xác minh, dựng lại các mối quan hệ của nữ sinh 15 tuổi, đồng thời rà soát các địa điểm em này thường lui tới. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định nữ sinh bị mất tích đang sinh sống ở khu vực huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa và bàn giao nữ sinh này cho gia đình.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 3.126 ĐTTN, trong đó có 869 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, vận động đầu thú 880 đối tượng; riêng Cục Cảnh sát TNTP đã bắt, vận động đầu thú 248  ĐTTN; ra quân truy bắt nhiều đối tượng truy nã từ Nam ra Bắc, dẫn độ đối tượng truy nã từ  nước ngoài về, vượt chỉ tiêu đơn vị được giao...

Trong 7 năm thành lập, đơn vị liên tục được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc; nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm, đơn vị được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các hạng; nhiều tập thể được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cấp khen thưởng.

Tác giả: Anh Hiếu

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây