Dấu ấn thời gian chuyện đời của Thượng tướng Lê Thế Tiệm

Thứ tư - 19/07/2017 23:25
Từ chiến tranh đến hòa bình, người chiến sĩ An ninh Lê Thế Tiệm đã đi từ cuộc chiến súng đạn, máu chảy với kẻ thù mặt đối mặt đến cuộc chiến của trí tuệ, của nhân cách với những kẻ thù ẩn danh vô hình.


Nhà văn Võ Bá Cường không xa lạ với bạn đọc qua thể loại chân dung nhân vật. Ông có những tên sách "nặng ký" về các vị tướng như "Chuyện Tướng Độ", "Chuyện tình ông Cố vấn", "Tướng Bà", "Ông tướng miền Tây", và nay là "Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Dấu ấn thời gian" (Nhà xuất bản Công an nhân dân, tháng 1-2017) viết về vị tướng "đánh đông dẹp bắc" trên lĩnh vực an ninh trật tự: Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Viết chân dung nhân vật nhưng không phải bằng cách kể lại cuộc đời một con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, nhà văn Võ Bá Cường chọn cách tái hiện chân dung Tướng Tiệm qua các sự kiện, nói cách khác là qua 'những lát cắt' số phận, mà với một người như Thượng tướng Lê Thế Tiệm thì những lát cắt ấy gắn với những thời điểm quan trọng của đất nước. 

Qua trang sách ta có thể thấy cuộc đời Tướng Tiệm trải qua ba giai đoạn: Tuổi thơ hun đúc lòng yêu nước với sự dìu dắt của người mẹ; thời "Máu lửa" cầm súng đánh giặc ngoại xâm và thời bình đối mặt với những kiểu kẻ thù mới ở lẫn trong đồng đội, trong nhân dân…

Dấu ấn thời gian chuyện đời của Thượng tướng Lê Thế Tiệm
Thượng tướng Lê Thế Tiệm giao lưu giới thiệu sách tại Học viện CSND.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước ở thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từ nhỏ Lê Thế Tiệm đã chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy, gia đình ly tán, quê hương tiêu điều. Đó là thời điểm đau thương giữa các chiến dịch 'tố cộng, diệt cộng' dưới chế độ Ngô Đình Diệm. 

14 tuổi, Sáu Tiệm rời gia đình đi kháng chiến. Năm 1967 khi vừa 17 tuổi, anh tham gia lực lượng An ninh Quảng Đà. Hòn Tàu, Núi Chúa, Cầm Kè, Xuyên Trà, Khe Rằn, Đèo Le… những địa danh ác liệt nhất ở chiến trường Khu 5 - Quảng Đà đều in dấu chân người cán bộ An ninh vũ trang Lê Thế Tiệm. 

Phẩm chất người lính chiến đã khẳng định qua các trận đánh một mất một còn với lính Mỹ sư đoàn American, với lính Đại Hàn khét tiếng tàn ác, và qua những ứng xử giữa đời sống chiến tranh đói ăn, thiếu mặc mà cái chết thì kề bên. 

Từ chiến tranh đến hòa bình, người chiến sĩ An ninh Lê Thế Tiệm đã đi từ cuộc chiến súng đạn, máu chảy với kẻ thù mặt đối mặt đến cuộc chiến của trí tuệ, của nhân cách với những kẻ thù ẩn danh vô hình. 

Nhà văn Võ Bá Cường đã gọi tên cuộc chiến này là "Tâm chiến" và miêu tả sinh động sự dai dẳng, khó khăn, nguy hiểm khôn lường của nó; đó là một cuộc chiến có khi tàn khốc, hy sinh đau đớn hơn cả cuộc chiến súng đạn. 

Viết Lời tựa cho cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã suy ngẫm về sự khó khăn của cuộc chiến thời bình như sau: "Có những người lính không gục ngã bởi súng đạn kẻ thù nhưng lại gục ngã một cách đau đớn trước cám dỗ. Hình như lúc nào chúng ta cũng nghe thấy lời thì thầm ma mị của con quỷ dục vọng vọng ra từ trong chính chúng ta. Và khi chúng ta đi qua được những cám dỗ của con quỷ dục vọng ấy, chúng ta đã giành được một chiến thắng vĩ đại nhất."

Sau khi chiến tranh kết thúc, Lê Thế Tiệm đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo của lực lượng Công an khi tuổi đời còn rất trẻ: 33 tuổi là Phó Giám đốc, 36 tuổi là Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; sau đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thứ trưởng Bộ Công an, ba lần được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ở cương vị lãnh đạo lực lượng Công an, Tướng Tiệm đã chỉ đạo các chuyên án triệt phá các băng nhóm xã hội đen hoành hành nhiều năm ở Hà Nội như băng Khánh Trắng, Phúc Bồ; hay bóc gỡ mạng lưới của "ông Trùm" Năm Cam, trong đó có những nhánh đã cấy sâu cắm rễ vào cả bộ máy công quyền…

Cuộc chiến mới không khỏi đụng chạm đến những người vốn là đồng đội nhưng từ lúc nào đã thành 'mối trong đê' làm mục ruỗng đất nước, làm xói mòn lòng tin của người dân. Những vụ phá án thắng lợi của lực lượng Công an làm dậy sóng dư luận, nhưng Thượng tướng Lê Thế Tiệm không tránh khỏi có lúc phải chịu cay đắng, oan ức. Người con của Bà mẹ Cẩm Sa, người lính chiến kiên cường của Khu 5 lần nữa lại cùng những đảng viên chân chính đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nhân cách trong sáng của mình.

Khi tại vị, đấu tranh không thỏa hiệp với cái ác, cái xấu; khi rời xa địa vị, vị tướng năm xưa miệt mài những chuyện cộng đồng như lo đời sống cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lo xây nhà tình nghĩa, vận động xây trường học cho các cháu nhỏ… 

Ở phần kết cuốn sách, nhà văn Võ Bá Cường cho ta thấy sự giản dị của vị tướng nổi tiếng của lực lượng Công an: "Đứa con của người mẹ Cẩm Sa về ngồi bên dòng sông, soi lại chiếc gương gia đình, soi vào chiếc gương lớn quê hương và vẫn gắng gỏi để đời mình cuối cùng cũng làm nên chiếc gương nhỏ để lại mai sau cho con cháu".

Cuộc đời Tướng Tiệm cho thấy một bài học lớn: sự trưởng thành của một người, của một thế hệ, của cách mạng, hay của đất nước, đều bắt nguồn từ gốc rễ nhân dân. Cùng với việc khắc họa nhân vật chính, xuyên suốt cuốn sách là hình tượng nhân dân kiên dũng, hy sinh, bao dung, sáng suốt. Nhân dân là Anh hùng giữ nước, và nhân dân vĩ đại như người mẹ Quảng Nam tất sẽ sinh ra những người con chân chính luôn biết lẽ hành động vì nhân dân, vì đất nước.

Thể loại văn học không hư cấu (Non-Fiction) hiện đang là xu hướng phát triển mạnh trên thế giới. Câu chuyện về các nhân vật có ảnh hưởng lớn đến xã hội, có vai trò trong lịch sử luôn đặc biệt hấp dẫn chúng ta, bởi vì câu chuyện của họ sẽ cho ta biết những phần của lịch sử hay của thời cuộc còn ẩn giấu. Câu chuyện của Tướng Tiệm, dẫu còn nhiều điều chưa nói hết, cũng đã phần nào giúp chúng ta nhìn thấy đầy đủ và sâu sắc hơn về đời sống, về đất nước ta trong những thời khắc nhất định.

Trần Thanh Hà

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây