Khuôn mặt cương nghị, dạn dày sương gió, Đại tá Bùi Bé Năm – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh An Giang, chia sẻ: “Ðiều tra, truy bắt tội phạm hình sự ở địa bàn biên giới đầy nguy hiểm và gian khổ. Ðiều tra mỗi vụ án là một cuộc chiến đấu, nhưng lính hình sự vùng biên ải khổ hơn khi đối tượng gây án xong lại lẩn trốn qua biên giới…
“Ðịa hình hiểm trở, lạ nước lạ cái, phải tuân thủ quy chế biên giới, thủ tục xuất nhập cảnh, phối hợp chặt chẽ với Công an nước bạn mới lần ra tung tích, bắt được đối tượng gây án, bảo đảm an toàn cho người dân sở tại. Có vụ án đã xác định chính xác hung thủ giết người, nhưng để bắt được đối tượng không dễ dàng, đi lại sang nước bạn hàng chục lần, kéo dài hàng năm trời mới bắt được” – Đại tá Bùi Bé Năm chia sẻ.
Chuyên án bắt đối tượng truy nã đặc biệt Dương Chí Cường là một điển hình. Cường can tội giết người, năm 1991 sau khi gây án đã bỏ trốn ra nước ngoài. Từ khi có lệnh truy nã, đơn vị đã mở nhiều đợt xác minh truy bắt Cường để xử lý trước pháp luật.
Qua biện pháp nghiệp vụ, trinh sát phát hiện Cường đang lẩn trốn ở Campuchia, ngày 30-5-2008, em gái Cường tổ chức đám cưới tại TP Hồ Chí Minh. Từ thông tin trên, trinh sát của đơn vị đã bám sát địa bàn, thức trắng nhiều đêm giám sát chặt chẽ di biến động của đối tượng và đã bắt giữ Cường, kết thúc cuộc truy tìm đối tượng truy nã sau 17 năm lẩn trốn.
Đại tá, TS Bùi Bé Năm, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh An Giang. |
Nhiều năm qua, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đại tá Bùi Bé Năm luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ (CBCS) phải luôn kính trọng, lễ phép và tạo sự quan hệ gần gũi, gắn bó với nhân dân; phải làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để biết, cảnh giác, phòng ngừa và đấu tranh với chúng.
Nhờ đó, trong hầu hết các vụ án mà Phòng CSHS khám phá thành công đều có sự giúp đỡ của nhân dân. Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, phải có nhiệt huyết, gương mẫu, nói đi đôi với làm… mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức cũng như hành động trong anh em đơn vị”.
Một điển hình là vụ 6 đối tượng bịt mặt, sử dụng vũ khí quân dụng cướp 324 lượng vàng của tiệm vàng Quốc Thắng (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang) vào ngày 5-7-2009. Vụ cướp tài sản hết sức táo tợn, gây hoang mang trong nhân dân vùng biên.
Bằng con mắt tinh tường, nhận định khả năng đối tượng từ Campuchia sang gây án, Đại tá Bùi Bé Năm nhanh chóng đề xuất lập chuyên án đấu tranh, tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, đề nghị Công an tỉnh mời Công an nước bạn phối hợp điều tra.
Theo đó, “Tổ công tác đặc biệt” do Đại tá Bùi Bé Năm làm Tổ trưởng lên đường sang Campuchia ngay trong đêm. Vận dụng lời dạy của Bác “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, dù lúc này đã là 1 - 2 giờ sáng, anh điện thoại báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tranh thủ nhờ giúp đỡ, cộng với sự khéo léo, linh hoạt trong quan hệ, giao tiếp, Đại tá Bùi Bé Năm đã thuyết phục được phía bạn phối hợp phá án thành công…
Trong quá trình điều tra, nghi phạm bị bắt đầu tiên cực kỳ ngoan cố, nhưng với sự tinh tế trong đấu tranh, Đại tá Bùi Bé Năm đã buộc đối tượng phải khai ra đồng bọn. Ngay sau đó, anh và “Tổ công tác đặc biệt” cùng Công an nước bạn tỏa đi 5 tỉnh truy bắt các đối tượng còn lại, đồng thời thông tin về Việt Nam đề nghị truy bắt đối tượng liên quan. Toàn bộ 9 đối tượng trong băng cướp đã nhanh chóng bị bắt giữ, đưa xử lý trước pháp luật.
Đại tá Bùi Bé Năm, cho biết: “Đấu tranh với tội phạm là một nghệ thuật. Điều tra viên ngoài trình độ chuyên môn phải có kiến thức xã hội; am hiểu tâm lý tội phạm, tuyệt đối không bức cung, nhục hình; không chỉ có trừng trị mà phải thể hiện tính nhân văn, đối xử với họ có tình người thì đối tượng mới nể mà khai nhận hành vi phạm tội”.
Nguyễn Văn Nhã là đối tượng cầm đầu băng trộm liên tỉnh có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tạo vỏ bọc kín, như: Thành lập doanh nghiệp, dùng tiền phạm tội mà có để quan hệ, làm từ thiện nhằm tạo uy tín với chính quyền và nhân dân; luôn tìm cách xóa sạch dấu vết, che giấu hành vi phạm tội. Song, với kinh nghiệm đấu tranh, bằng chiến thuật hỏi cung hợp lý, thể hiện được tính nhân đạo, tình người nên đã cảm hóa, khuất phục.
Nhã từng tâm sự: “Tôi là dân giang hồ. Cứ nghĩ nếu bị bắt thế nào cũng bị đánh đập, nên đã chuẩn bị tinh thần… “không biết”. Lúc đó tôi tin mình không để lại dấu vết, không có chứng cứ, không khai nhận thì Công an không thể làm gì được. Nhưng anh Năm (Đại tá Bùi Bé Năm – PV) đã đối xử với tôi đầy tình người, nên tôi phục, tôi khai”. Thế là Nhã khai liền một mạch 18 vụ trộm tiệm vàng cùng đồng bọn thực hiện ở 5 tỉnh, với giá trị tài sản hàng ngàn lượng vàng, cùng nhiều kim loại quý hiếm khác…
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, từ năm 2011 đến nay, Đại tá Bùi Bé Năm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; 4 Huy chương các loại; 2 lần được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ vinh danh; trên 40 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh An Giang tặng...
Tác giả: Văn Đức
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn