Huyện vùng cao A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế có 21 xã, thị trấn, với 85km đường biên giới; có 38 cột mốc biên giới giáp với 2 tỉnh Sê kông và Slavan của nước bạn Lào. Tình hình ANTT vùng biên ải thường diễn biến phức tạp…
Nhiều năm qua, được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ nên bản làng nơi đây đã thay da đổi thịt; đời sống của bà con đồng bào có nhiều thay đổi đi lên, nhiều hộ dân dựa vào việc trồng rừng, phát triển kinh tế gò đồi, trang trại để làm giàu…
Tuy nhiên, ở một số xã biên giới vẫn còn không ít hộ gia đình khó khăn. Do mặt bằng dân trí chưa đồng đều, công tác giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ...
Thượng tá Nguyễn Thanh Hải với trẻ em xã A Đớt trong chuyến công tác cơ sở. |
Bên cạnh đó, lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đối tượng tội phạm sau khi gây án đã tìm cách lẩn trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra. Sau khi được Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phân công lên nhận nhiệm vụ làm Phó trưởng Công an huyện A Lưới từ tháng 8-2016, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải đã khảo sát, tìm hiểu nắm rõ địa hình từng khu vực, tâm tư nguyện vọng của người dân và đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp để thực hiện tốt công tác giữ gìn ANTT địa bàn.
Để gần gũi với người dân, anh đã mày mò “học tiếng” đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi. Bắt đầu từ những từ ngữ đơn giản như mời ăn cơm, uống nước, chào hỏi, tới nay anh đã có thể giao tiếp thành thạo với người bản địa.
Nhờ vậy mà mỗi dịp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân các xã biên giới hay các chuyến đi đến tận nhà dân để vận động bà con giao nộp vũ khí, anh và đồng đội luôn biết cách truyền đạt để làm sao người dân hiểu được vấn đề và chấp hành tốt các quy định pháp luật.
Sau gần 2 năm lên nhận nhiệm vụ công tác ở A Lưới, các xã vùng cao nơi đây anh đều đã đặt chân đến. Để thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, ngoài những buổi gặp gỡ, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải tìm hiểu kỹ các phong tục tập quán của địa phương, thường xuyên trao đổi với các già làng, trưởng bản về tình hình địa bàn, qua đó xây dựng mối tình cảm gắn bó keo sơn giữa lực lượng Công an và quần chúng nhân dân…
Chính nhờ sự gần gũi, thân thiện ấy mà đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao A Lưới xem Thượng tá Nguyễn Thanh Hải như người con của bản làng và gọi anh với cái tên đầy trìu mến: A Lê Hải.
Ông Hồ Văn Đoan, già làng ở xã A Đớt chia sẻ: “A Lê Hải là người rất biết giữ chữ tín, đã nói là làm nên bà con chúng tôi rất tin tưởng. Từ khi A Lê Hải về đây công tác, bà con luôn một lòng nghe theo sự vận động của cán bộ Công an để chấp hành tốt chủ trương của Đảng, của chính quyền, chú tâm làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, tình hình ANTT địa phương nhờ thế mà được ổn định hơn…”.
Qua tìm hiểu được biết, nhờ thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm nên không ít vụ án xảy ra trên địa bàn được Công an huyện A Lưới sớm điều tra làm rõ, bắt giữ thành công đối tượng gây án.
Với những thành tích xuất sắc trên các mặt công tác, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải được Bộ Công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhiều năm liền anh được bình chọn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đặc biệt, năm 2017, anh là một trong 5 cán bộ của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh dự được Bộ Công an trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND giai đoạn 2014-2016.
Chia tay chúng tôi, anh tâm sự: “Dù biết chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, song tôi và đồng đội vẫn luôn nỗ lực hết mình vì công việc để góp phần đem lại sự bình yên cho từng bản làng vùng cao A Lưới, nơi mà tôi xem như chính quê hương thứ 2 của mình”.
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn