“Chất lính" trong một nữ giảng viên CAND

Thứ năm - 08/03/2018 21:28
Ngay khi còn là học viên học tập trong trường, Vân đã gây ấn tượng vì luôn là người đứng đầu trong thành tích học tập. Hơn 10 năm...


Ngay khi còn là học viên học tập trong trường, Vân đã gây ấn tượng vì luôn là người đứng đầu trong thành tích học tập. Hơn 10 năm về Bộ môn này, thành tích giảng dạy của cô cũng không kém.

Tôi đã có dịp nghe một thầy giáo là giảng viên trường ĐH ANND tâm sự, đã bước vào lực lượng CAND ai cũng phải thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy. Nhưng với từng nghiệp vụ khác nhau phải đặc biệt thấm nhuần từng lời dạy cụ thể, phát huy thế mạnh của từng lời dạy trong lĩnh vực công tác của mình. Và đặc biệt khi là người thầy dạy trong các trường CAND thì phải xây dựng hình ảnh là mẫu mực để truyền cảm hứng đến từng học viên trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh người chiến sĩ CAND.

Tiếp xúc với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân rất kiệm lời khi nói về mình nhưng lại hăng say khi nói về nghiên cứu khoa học, về phương pháp truyền đạt kiến thức trong giảng dạy ở trường CAND. Cô tâm sự: “Tỉ lệ nữ trong lực lượng CAND là rất thấp. Là phụ nữ khi bước vào lực lượng CAND đã phải rất cố gắng mà nữ giảng viên trong trường CAND còn phải nỗ lực nhiều lắm! Sinh viên ở đâu non nớt chứ sinh viên trong các trường CAND “cứng” lắm, đầy bản lĩnh. Mình không đủ nghiệp vụ, không gương mẫu và đặc biệt không có “chất lính” như học viên thì khó lấy được sự tôn trọng cao nhất từ họ, khó làm việc".

“Chất lính
Bài giảng của giáo viên Nguyễn Thị Thanh Vân luôn thể hiện sự sáng tạo, thu hút các học viên.

Tôi cắc cớ hỏi: “Thế chất lính ở môi trường đào tạo CAND là gì?”, cô Vân đáp: “Là đủ mạnh mẽ để đảm bảo kỷ luật lớp học, đủ thân ái để học viên thoải mái tiếp thu, đủ tận tụy để học viên nỗ lực, đủ kiến thức để học viên vỗ tay khi kết thúc giờ giảng".

Khi tôi xem bản báo cáo thành tích của giảng viên này, quả thật rất đáng nể: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì thành tích đạt danh hiệu Giảng viên giỏi Cấp Bộ; Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND với thành tích đạt danh hiệu giảng viên giỏi cấp Trường; nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở của Tổng cục Chính trị CAND.

Trước đó, bề dày thành tích của Vân là 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, hàng loạt giấy khen của Tổng cục chính trị CAND, nhà trường và các đơn vị. Xa hơn nữa là thành tích học tập khiến học viên kính nể khi cô chính là sinh viên duy nhất Trường ĐH ANND tốt nghiệp loại Giỏi - Khóa D07S (1997-2002); Thủ khoa Văn bằng 2 Tâm lý giáo dục ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, được tuyển thẳng Cao học Tâm lý học ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Thủ khoa thi tuyển Nghiên cứu sinh Tâm lý học tại Học viện Khoa học xã hội.

Khác với giảng viên ở những trường thường, lên lớp nhẹ nhàng trong tà áo dài, giáo viên (GV) An ninh lại lên lớp với bộ quân phục, phải rèn luyện từ tư cách, tác phong, hành vi ứng xử phải giữ được cái "cốt lõi" của người GV Công an.

Trung tá Vân tâm sự: "Mang trên mình màu cờ sắc áo của ngành, nó nặng tính trách nhiệm với nghề, với ngành. Phải tuân thủ điều lệnh CAND, từ những giây phút đầu tiên của một ngày làm việc khi bước chân vào lớp, đứng trước mặt học viên, nói năng, trình bày, thể hiện… Điều mà tôi tha thiết và luôn tuân thủ đó là luôn cố gắng lồng ghép giữa kiến thức chuyên môn với việc rèn luyện đạo đức, phong cách của người học viên trong trường Công an. Vừa phải truyền tải kiến thức khoa học với nhiệm vụ giáo dục lý tưởng ngành, yêu nghề tới từng học viên. Tôi quan niệm, bài giảng muốn thu phục được học viên, trước hết phải thu phục được chính mình.

Tôi vẫn thường nói với các học viên là làm sao phải… quăng được kiến thức lý thuyết vào thực tiễn. Các thầy trong tổ Bộ môn đã hướng chúng tôi xây dựng bài giảng với nhiều tình huống, học viên vào vai nhân vật, xử lý tình huống một cách cụ thể để thoát khỏi khuôn khổ của giáo trình khô khan. Qua mỗi lần vào vai như vậy, học viên đóng góp và bổ trợ cho nhau để nội dung trở thành kiến thức nằm lòng".

Một đồng nghiệp tại trường ĐH ANND nhận xét: "Vân là một người rất chịu khó trong tìm tòi nghiên cứu. Mạnh dạn đưa vào một số phương pháp giảng dạy mang tính tích cực. Sử dụng phương pháp kết hợp khoa học An ninh với phương pháp điều tra xã hội học".

“Là một nữ GV trong trường CAND phải hội tụ nhiều yêu cầu cả về tố chất, kiến thức, bản lĩnh, nhưng cũng cần giữ được nét duyên dáng của một nữ giảng viên. Chúng ta xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND ở trên mọi lĩnh vực. Hoạt động trong lực lượng vũ trang xưa nay vốn chỉ dành cho nam không phải… “lãnh địa” của nữ giới. Vì vậy với yêu cầu rất gắt gao của ngành, nữ giảng viên trường Công an cũng không được ưu ái bất cứ yêu cầu gì.

Trong hoạt động khoa học, nghiên cứu giảng dạy đều phải đảm bảo sự nghiêm túc, kỉ luật. Bản lĩnh khi xử lý mọi tình huống, nghiệp vụ. Có mục tiêu phấn đấu và kiên định với mục tiêu đưa ra. Vân là một người như vậy. Sự nghiêm túc với nghề, với ngành, lòng say mê nghiên cứu khoa học, đã giúp cô Vân có được nhiều thành tích như ngày hôm nay.

Cô Vân có thể coi là điển hình về những cán bộ, giáo viên Công an đang ngày đêm nỗ lực với công việc, giữ gìn hình ảnh đẹp về người thầy CAND", PGS.TS.NGUT Tạ Quốc Trị, nguyên Trưởng Bộ môn Tâm lý của ĐHAN nói về đồng chí, đồng nghiệp của mình.

Tác giả: Huyền Nga

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây