Bị hỏng một mắt từ nhỏ do di chứng của bệnh đậu mùa, nhưng không ngờ chính khiếm khuyết này được ông “biến” thành điều thuận lợi khi hoạt động du kích mật trong ấp chiến lược và lập được nhiều chiến công.
Khi trở thành một trinh sát vũ trang nội đô lúc mới 20 tuổi, ông đã cùng đồng đội có trận đánh đầu tiên của lực lượng này nhằm vào đối tượng đầu sỏ cấp cao của bộ máy ngụy quyền Sài Gòn.
Không may rơi vào tay địch, ông đã trải qua những ngày tháng tù đày vô cùng đau đớn nhưng vẫn giữ được khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Những ngày đầu năm 2018, ông được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND. Ông là Võ Văn Em.
Xứng danh anh hùng
Tôi được gặp ông hôm 9-2-2018 tại buổi họp mặt vinh danh và chúc mừng ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND do Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức. Có lẽ không đúng như hình dung của tôi về ông, bởi nhìn ông dáng người nhỏ nhắn, ăn nói cũng nhỏ nhẹ. Vậy nhưng chính con người ấy đã làm được nhiều việc vang danh trong thời chiến cũng như trong thời bình.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Củ Chi (tại ấp Mũi Lớn, xã Tân An Hội) - vùng “Đất thép, thành đồng” giàu truyền thống cách mạng, khi vừa 16 tuổi, Võ Văn Em (SN 1945, bí danh Võ Tấn Hùng, Tám Em) đã tham gia lực lượng du kích xã Tân An Hội.
Một điều kém may mắn là ông bị hư một mắt từ nhỏ (do bị bệnh đậu mùa), nhưng ông đã “biến” điểm yếu đó trở thành một thuận lợi đặc biệt để trà trộn hoạt động trong ấp chiến lược (vì ông thuộc diện người tàn tật được miễn đi quân dịch, ít bị địch để ý).
Vào tháng 4-1962, ông được phân công giữ chức vụ Xã Đội phó du kích xã Tân An Hội. Từ tháng 4 đến tháng 12-1964, ông làm Tiểu đội trưởng trinh sát huyện Củ Chi. Trong thời gian này, ông trực tiếp và tham gia đánh hơn 10 trận, tiêu diệt được nhiều tên địch.
Hai trong số nhiều trận đánh ông nhớ trong thời gian này là trận tại Miễu Bà Mũi Lớn và trận tại mộ ông Cả. Lúc đó ông nắm được quy luật một đội lính thuộc Trung đoàn 49 thường tập trung tại Miễu Bà Mũi Lớn khoảng 7h sáng hàng ngày.
Từ đó, ông báo cáo tình hình cho cấp trên và đề xuất cách đánh địch mang lại hiệu quả cao: chôn một đầu pháo 105 ly dưới bộ ván giữa nhà ăn của Miễu, hai trái ba-rô đặt ở hai bên thổi vào giữa, chuyền dây ra ngoài chập điện. Lực lượng của ta có một tiểu đội chia làm ba mũi - mũi chịu trách nhiệm điểm quả xung phong; mũi truy kích lính gác bên ngoài; mũi diệt chi viện (nếu có). Riêng ông làm liên lạc cho ba mũi và bảo vệ đường dây chôn trái và tham gia truy kích địch.
Kết quả trận này ta diệt gọn một Trung đội địch, thu được hai khẩu trung liên, 6 khẩu carbin, 4 khẩu Grant và 5 khẩu Thompson…
Còn trận đánh tại mộ ông Cả, khoảng cuối năm 1964, qua quan sát ông nắm được hàng ngày vào buổi sáng, bọn lính thường tập trung ngay gần mộ ông Cả (cách trung tâm quận Củ Chi chừng 500m) rồi đi hành quân, buổi chiều về cũng tập trung ở đây rồi vào quận.
Ông đã báo cáo cấp trên và đem chôn hai trái mìn ngay vị trí chúng thường hay tụ tập. Đúng như quy luật, chúng đi hành quân về còn đứng đó chờ đợi tốp sau đông đủ mới vào đồn. Khoảng 17h30, ông điểm quả làm chết tại chỗ 6 tên và bị thương 5 tên.
Anh hùng LLVTND Võ Văn Em cùng đồng đội, đồng chí trinh sát vũ trang B5, Ban ANT4 (thứ 5 từ phải sang). |
Sau những trận đánh này, năm 1965, thấy hoạt động của ông có nhiều dấu hiệu bị lộ nên cấp trên đã chuyển ông về công tác tại Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4). Sau đó, ông được phân công làm Tổ trưởng Tổ Trinh sát vũ trang (B5). Chính thời gian này, ông đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh gây tiếng vang trong nội đô Sài Gòn - ngay trong “đầu não” của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Đặc biệt là trận ông trực tiếp tham gia tiêu diệt tên Trần Văn Văn vào ngày 7-2-1966. Lúc này tình hình chính trị của chính quyền Sài Gòn có nhiều diễn biến phức tạp, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ tranh giành quyền lợi và địa vị, đồng thời lại mâu thuẫn gay gắt với phe dân sự, đứng đầu là tên Trần Văn Văn - từng giữ chức Bộ trưởng trong chính phủ Bảo Đại thời Pháp thuộc và đến thời Mỹ trở thành Chủ tịch Quốc hội chính quyền Sài Gòn, là tên tay sai đắc lực cho Mỹ.
Đế quốc Mỹ (mà trực tiếp là CIA) muốn đưa Văn ra tranh cử và làm Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Do đó, Khu ủy, Ban An ninh T4 đã giao cho lực lượng trinh sát vũ trang nội đô nhiệm vụ tiêu diệt Văn nhằm làm thất bại ý đồ của Mỹ.
Với trận đánh này, ông được giao nhiệm vụ thực hiện cùng trinh sát Trần Hoàng Sinh (Sáu Sinh, SN 1944, quê Củ Chi). Ông kể rằng đến giờ vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc phối hợp cùng đồng đội nổ súng tiêu diệt Trần Văn Văn.
Sau nhiều lần định thực hiện kế hoạch, nhưng lý do khách quan hai chiến sĩ không thể thực hiện được. Đến khoảng 7h sáng 7-12-1966, khi xe của Văn từ đường Phan Kế Bính quẹo vào đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) thì chạy chậm lại, ông lao xe máy ra cản đường. Xe chở Văn khựng lại, Sáu Sinh nhào tới bắn bể kính rồi thọc súng vào xe, tiếp tục siết cò. Trần Văn Văn gục tại chỗ...
Xong nhiệm vụ, ông chạy xe máy chở Sáu Sinh ra khỏi hiện trường. Địch rất đông bắn theo, Sáu Sinh xoay mình bắn lại. Đến ngã tư Phùng Khắc Khoan - Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ), hai tên cảnh sát công lộ dùng chiếc môtô phân khối lớn đâm thẳng vào xe máy của ông làm ông té nhào, chân và cánh tay trái bị thương.
Lúc này, thấy Sáu Sinh làm rơi cây súng, ông liền chụp lấy súng chĩa về hướng bọn cảnh sát công lộ để cho Sáu Sinh chạy thoát, nhưng súng đã hết đạn nên ông bị rơi vào tay địch.
Đây là trận đánh đầu tiên của lực lượng trinh sát vũ trang nội đô nhằm vào đối tượng đầu sỏ của bộ máy chính quyền Sài Gòn. Diệt được tên Trần Văn Văn, đài BBC của Anh đưa tin “Trần Văn Văn ra tranh cử Tổng thống nên bị phe Thiệu ám sát”.
Bản thân người vợ của Văn cũng tin rằng chồng mình bị phe quân sự sát hại nên viết thư yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu trả tự do cho trinh sát Võ Văn Em. Có lẽ cũng chính vì thế mà sau đó, dù ông bị tuyên án tử hình nhưng chế độ Nguyễn Văn Thiệu không dám thi hành án mà chỉ đày ra Côn Đảo.
Thấu hiểu nhiều nỗi đau, mất mát của đồng đội
Về phần Võ Văn Em, sau khi rơi vào tay địch, ông đã bị áp dụng mọi hình thức, thủ đoạn tra tấn dã man nhằm nhanh chóng khai thác vì đây là một vụ án được dư luận trong và ngoài nước cũng như báo chí hết sức quan tâm.
Đặc biệt, tướng ngụy Nguyễn Ngọc Loan đã ra lệnh cho áp dụng các hình thức điều tra mạnh nhất đối với ông. Vì thế, ông bị lôi lên phòng thẩm vấn, chúng lấy một cuộn dây bằng vải màu vàng cột ngang ngực ông, rút treo ông lên, một bầy bên dưới thi nhau đánh vào sườn, vào chân, vào thân ông…, cho đến khi ông không còn biết gì mới tuột dây cho ông té xuống.
Những ngày tiếp theo, ông chết đi sống lại không biết bao lần do đòn tra tấn của kẻ thù… Ngày 9-1-1967, Tòa án quân sự vùng 3 chiến thuật tuyên phạt ông án tử hình. Sau đó, ông bị đưa về giam giữ tại khu biệt giam Chí Hòa, đến tháng 11-1967 ông bị đày ra Côn Đảo.
Tại đây, với mức án cao nhất là tử hình, ông luôn bị xích hai chân và nếm trải mọi hình thức tra tấn tù nhân dã man nhất ở “chuồng cọp”, “chuồng bò”, “hầm đá” của “địa ngục trần gian”; nhưng với một ý chí kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng và quyết tâm cao đấu tranh với kẻ thù đến cùng, mỗi đêm ông và các tù nhân đều sử dụng tín hiệu để liên lạc với nhau, động viên nhắc nhở nhau cố gắng chịu đựng, giữ vững khí tiết, không khai báo gây thiệt hại cho cách mạng và ông còn tham gia “Chi bộ phòng tử hình” do đồng chí Lê Minh Châu (sau này là Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) tập hợp.
Anh hùng LLVTND Võ Văn Em phát biểu tại buổi họp mặt vinh danh. |
Sau 8 năm 4 tháng 24 ngày bị giam cầm và tra tấn bằng mọi hình thức tại “địa ngục trần gian”, đầu tháng 5-1975, ông được cách mạng đến giải phóng ra khỏi nhà tù Côn Đảo.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, giao cho nhiều trọng trách trên lĩnh vực quản lý Nhà nước (kinh qua các chức vụ Chủ tịch UBND phường 3, rồi Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 3 quận Bình Thạnh. Năm 1983 là Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh…) và quản lý kinh tế (Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan, thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn).
Tuy từng lúc, từng nơi có những khó khăn thách thức, đặc biệt là về tình trạng sức khỏe do những di chứng khi bị giam cầm, tra tấn trong ngục tù Côn Đảo tưởng như khó có thể vượt qua, nhưng với quyết tâm cao, ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố giàu đẹp.
Năm 2006, ông nghỉ hưu theo quy định. Tại địa phương, ông luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động, đoàn kết gắn bó với nhân dân trong khu phố nơi cư trú.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như trong công tác thời bình, ngày 26-1-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông. Ngày 31-1-2018, Bộ Công an đã long trọng tổ chức lễ trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Võ Văn Em.
Hôm Công an TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp mặt vinh danh và chúc mừng ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, ông thực sự xúc động nghẹn ngào. Ông chia sẻ, mình đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội, đồng chí của mình vì được sống đến ngày đất nước giải phóng và làm đến nay, được nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.
“Hơn 50 năm tuổi Đảng, hơn 70 năm tuổi đời, tôi sống, chiến đấu, cống hiến và làm việc cũng vì lý tưởng cách mạng, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vì sự phát triển của thành phố, của đất nước chứ không phải muốn được danh hiệu này kia. Nên với tôi, được phong tặng danh hiệu Anh hùng quả là bất ngờ xen lẫn sự tự hào, vinh dự. Tôi xin dâng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND cho nhân dân, đồng đội, đồng chí, người thân của tôi, đặc biệt cho những chiến sĩ điệp báo của trinh sát nội đô (B5) đã ngã xuống để tôi có được niềm vinh dự to lớn ngày hôm nay”, ông xúc động chia sẻ.Phú LữNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn