Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, CSKV Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội, là một CSKV bình thường như bao CSKV khác, nhưng sự bình thường của họ đã mang đến những điều lớn lao cho cuộc sống, đó chính là bảo đảm sự bình yên của xã hội.
Trui rèn trong gian khó, hiểm nguy
Tiếp chúng tôi vào một ngày cuối năm trong cái lạnh buốt giá của Hà Nội, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết anh xuất thân từ một gia đình bình thường, có bố mẹ làm kinh doanh tự do. Thế nhưng, ước mơ được vào ngành Công an luôn nung nấu trong anh từ nhỏ.
Sau khi học hết trung học, Nguyễn Tuấn Anh thi đậu vào ngành truyền hình và nhập học được gần một năm, nhưng sau đó có cơ hội được đi lính nghiệp vụ, vì yêu thích ngành Công an từ nhỏ nên anh đã bỏ học truyền hình để đi lính. “Đó là một quyết định bước ngoặt. Bố tôi đã hỏi rất kỹ tôi có thật sự muốn không, có thật sự quyết tâm không mới cho tôi đi, vì bố nói một khi vào ngành là không được rút lui”, Tuấn Anh tâm sự.
Trung úy Nguyễn Tuấn Anh. |
Vậy là Nguyễn Tuấn Anh bước chân vào ngành từ một người lính nghiệp vụ, đến năm 2011, anh được cử đi học chuyên nghiệp. Khi đi học, Nguyễn Tuấn Anh đi lính cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đó là một ngành khá vất vả và nguy hiểm, phải trực đêm, thường xuyên phải ra đường và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khác nhau.
Thường lính CSCĐ phải làm việc buổi đêm, chia theo ca từ 8 giờ đêm hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau. Dù cực khổ nhưng Tuấn Anh rất hăng say trong công việc. “CSCĐ rèn giũa con người ta bản lĩnh và sự nhẫn nại. Trong các ca trực đêm, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với tội phạm. Hầu như những người ra đường từ 12 giờ khuya đến 2 - 3 giờ sáng hầu hết là các thành phần nguy hiểm”, anh Tuấn Anh cho biết.
Tuấn Anh kể, công việc thường xuyên của CSCĐ là phải đuổi bắt tội phạm. Việc đuổi bắt các đối tượng như vậy rất nguy hiểm, và người CSCĐ đôi khi phải hy sinh cả tính mạng. Anh kể có một đồng đội trẻ hơn mình trong một lần đuổi bắt đối tượng đã bị ngã xe và hy sinh, để lại người vợ mới cưới được 6 tháng và đang mang thai.
“Sau cái chết của em ấy, tôi có cảm giác sợ hãi, sợ sự mong manh của cuộc sống. Dù biết là nguy hiểm nhưng đó là bổn phận và trách nhiệm của người chiến sĩ CAND”, Nguyễn Tuấn Anh tâm sự.
Gặp gỡ, thăm hỏi từng hộ dân
Sau khi được phân về phường, vai trò của một CSKV lại có sự khác biệt lớn. Để làm quen với công việc, Tuấn Anh đã phải học hỏi rất nhiều từ các cán bộ đi trước. “Việc đầu tiên là phải đi đến các cán bộ cơ sở để hỏi thăm tình hình. Sau đó đi gặp gỡ từng gia đình, từng hộ một, vì có gặp gỡ tiếp xúc người dân mới tạo được sự gần gũi, tin tưởng, nhờ đó mình sẽ nắm địa bàn rất tốt”, Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng với đó là kết hợp tuyên truyền cho người dân về phòng chống tội phạm, nắm tâm tư nguyện vọng của bà con và các vấn đề ở địa bàn. Có những việc không liên quan đến CSKV như xây dựng, đất đai bà con cũng phản ánh tới CSKV và các anh đều có mặt để nắm tình hình kịp thời. Nếu có vấn đề nghiêm trọng sẽ lập tức báo với chỉ huy để có đường hướng xử lý.
“CSKV phải bám sát địa bàn, đi sâu đi sát. CSKV mà không trực tiếp xuống gặp từng hộ gia đình, từng bà con thì không biết hộ nào chuyển đến, hộ nào chuyển đi, có đối tượng nghi ngờ nào không”, Nguyễn Tuấn Anh cho biết. Khi nắm địa bàn, quen thuộc với từng người dân, nếu có đối tượng nghi ngờ CSKV sẽ có cách xử lý ngay.
Xem người dân như người thân
Địa bàn phường Láng Hạ khá yên bình vì CSKV nắm địa bàn rất tốt và rất gần gũi với người dân. Trong công tác tuyên truyền, các anh đi từng ngõ, từng nhà để phát bản tin tuyên truyền về pháo nổ, tội phạm, cung cấp cho bà con kiến thức về phòng chống trộm cắp, tội phạm lừa đảo; dán các bản tin, thông báo tuyên truyền…
Các anh đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của từng hộ dân. Trên địa bàn có nhiều gia đình đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về, CSKV đã phải tìm thời gian gặp gỡ bà con cho hợp lý để tuyên truyền và nắm được tâm tư nguyện vọng của họ. Nguyễn Tuấn Anh tâm sự: “Nếu giúp được người dân vấn đề gì, chúng tôi rất sẵn sàng. Chẳng hạn CSKV chúng tôi đã giúp nhiều con em của nhiều hộ khó khăn xin việc làm, dù đó có thể là những việc rất đơn giản như bưng bê ở nhà hàng, trông xe, bảo vệ...”.
Nguyễn Tuấn Anh cho biết anh xem các hộ dân trong địa bàn như người thân, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với họ, nhờ đó được người dân quý mến, xem anh như con cháu trong nhà và sẵn sàng báo tin cho anh khi có vấn đề phát sinh về an ninh, trật tự…
CSKV phải thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng có tiền án tiền sự trên địa bàn để tìm hiểu khó khăn của họ, tâm tư nguyện vọng của họ, giúp họ tìm việc làm để có một cuộc sống bình thường. Ngoài ra, các anh cũng tuyên truyền để bà con ai có việc phải đi xa nhà nhiều ngày sẽ báo cho CSKV để tăng cường tuần tra giám sát, giúp người dân yên tâm đi xa.
Trên toàn phường Láng Hạ, CSKV thường xuyên tuần tra từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Do công tác địa bàn tốt nên hầu như không có vụ việc nghiêm trọng. Các anh cũng hợp tác tốt với các địa bàn khác, bằng cách bắt gặp những đối tượng đi ngang đều báo cho CSKV nơi quản lý đối tượng để họ nắm bắt, có hướng kiểm tra, giáo dục, có động thái quản lý tốt, kiểm tra xem có công ăn việc làm không…
Nhờ công tác địa bàn tốt, địa bàn phường Láng Hạ trong năm 2017 không xảy ra vụ việc gì, là một trong những địa bàn trong sạch, vững mạnh. Các chi bộ đều trong sạch vững mạnh, không có vụ việc lớn, không có đối tượng bị bắt, các hộ không có mâu thuẫn hay cãi vã gì lớn.
Sự hy sinh thầm lặng
Ít ai biết rằng những CSKV như Nguyễn Tuấn Anh phải hy sinh rất nhiều để bảo đảm bình yên cho xã hội. CSKV thường xuyên phải vắng nhà vào ban đêm, ban ngày phải tiếp dân, cứ 2 ngày trực 1 ngày, ngày không trực vẫn đi làm bình thường, rất ít khi được ở nhà với vợ con.
“Thời gian tôi dành cho vợ con rất ít, thường chỉ 2 giờ mỗi ngày, lúc cả nhà ăn cơm chiều. 6 giờ 30 tối tôi phải lên cơ quan, 8 giờ xuống địa bàn, nếu có vụ việc gì là gần như không về nhà”, Nguyễn Tuấn Anh tâm sự. “Có những đêm con gái điện thoại hỏi tối nay bố có về ngủ với con không, làm tôi xốn xang trong lòng nhưng vì nhiệm vụ, vì bình yên của nhân dân nên phải chấp nhận”.
Vợ con của người CSKV cũng chịu nhiều thiệt thòi, vì hầu như không được chồng/cha đưa đi chơi xa bao giờ. “Những khi xuống ca, trống giờ tôi tranh thủ về đưa vợ con đi chơi loanh quanh trong thành phố chứ không bao giờ dám đi xa. Ngày lễ, tết thì hầu như chúng tôi không được nghỉ, trái lại phải tăng cường, nên vợ con tôi lễ, tết chỉ biết quẩn quanh ở nhà”, Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Như bao CSKV khác, sự hy sinh thầm lặng của Trung úy Nguyễn Tuấn Anh đã góp phần mang lại một điều lớn lao nhất cho người dân, đó là sự yên bình.
Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn