Đó là lần cán bộ an ninh 23 tuổi Hồ Việt Lắm bị đối tượng cầm đầu “phi vụ” phá trại giam chĩa súng vào người ông nhưng sau 3 lần suy nghĩ, anh ta đã không còn đủ ý chí để siết cò giết chết ông như ý định hung hăng ban đầu.
“Trước khi bị bắt, Nguyễn Văn Lắm ở đơn vị thám báo thuộc Tiểu đoàn 512 quân ngụy đến đóng quân ở đồn Rạch Ruộng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Đây là kẻ đã trực tiếp cầm súng bắn chết 23 người dân thường mà y nghi là… Việt cộng.
Dã man hơn là sau khi gây ra nợ máu với nhân dân, y đã xẻo 23 lỗ tai, xâu lại thành 1 chùm, đi đâu cũng mang theo, huênh hoang khoe chiến tích của mình”, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm (bên phải) trong một buổi giao lưu được truyền hình trực tiếp với chủ đề “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. |
Chuyện liên quan đến người tù trùng tên với Thiếu tướng Hồ Việt Lắm xảy ra năm 1973, khi đó ông công tác ở Ban An ninh huyện. Lợi dụng quản lý trại của ta sơ hở, một toán gần 30 tên tổ chức cướp trại.
“Theo đúng ý định đã bàn, sau khi cướp được khẩu AR15 và giết chết cán bộ bảo vệ trong lúc đồng chí này dẫn chúng đi lao động xa trại, Lắm được giao chỉ huy tốp thứ hai, quay lại trại với mục tiêu là bắn chết tôi và một số cán bộ còn lại để giải thoát cho khoảng 350 người đang bị giam giữ chạy ra vùng địch kiểm soát.
Lúc đó, trong trại chỉ còn tôi cùng 2 đồng chí nữa, vũ khí chỉ là 1 khẩu K44 với 3 viên đạn. Tên Lắm xộc vào khu vực làm việc của chỉ huy trại với thái độ hùng hổ, chửi thề luôn miệng. Tuy nhiên, sau khi đặt súng lên nạng cây tràm cách khoảng 30m chĩa vào lưng tôi, Lắm đã không siết cò…”, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể.
Quá trình điều tra, Lắm mới khai khi đó anh ta nhớ lại sự thân tình, gần gũi của “cán bộ Mười Lắm”, đặc biệt là thái độ ân cần, ít nhất 2 lần cứu mạng hắn. Lắm khai nếu nổ súng thì anh ta sẽ tiếp tục gây thêm tội ác. Và nếu bị bắt lại thì phải tiếp tục bị giam giữ và chắc anh ta sẽ khó còn cơ hội để chuộc lại lỗi lầm….
Hồ Việt Lắm nhớ lại lúc ông được giao nhiệm vụ hỏi cung Nguyễn Văn Lắm: “Lúc đầu, Lắm bất hợp tác. Sau khi lấy lý lịch, hỏi rõ về gia đình, tôi được biết anh ta là con mồ côi, không cha mẹ, ở trại mồ côi từ nhỏ. Cùng với thông tin quá trình trưởng thành sau đó của Lắm, tôi vận dụng chiến thuật giáo dục cảm hóa là chính, để sửa chữa khiếm khuyết về nhận thức của Lắm”.
Lắm khai cho tới khi gặp “cán bộ Mười Lắm”, anh ta mới biết trước đó mình đã bị ngụy quyền “nhồi sọ”, cứ nghĩ “cộng sản vô cùng tàn bạo, là quân phiến loạn chuyên giết người, mổ bụng nhồi trấu”.
Lắm xin đi lính cho chính quyền Sài Gòn rồi trở thành ác ôn cũng vì suy nghĩ này. “Và quan trọng hơn, Lắm đã thú nhận hành vi tội ác của mình, khai báo về đồng bọn và những kế hoạch hoạt động của địch mà Lắm biết, cung cấp thông tin cho ta, góp phần vào việc vạch kế hoạch tấn công địch về sau.
Trong vụ cướp trại, không phải chỉ không siết cò bắn tôi, Lắm còn quay lại chĩa súng vào các đối tượng cướp trại rồi hô lên cho anh em ta biết. Nhờ vậy toan tính cướp trại đã thất bại, ta bảo toàn được trại giam và truy bắt lại tất cả các đối tượng tham gia”, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm nhớ lại.
Lắm nói đã được “cứu mạng” là sao?, tôi hỏi. Thiếu tướng Hồ Việt Lắm kể: “Lúc bị giam giữ, hai lần Lắm bệnh nặng. Lần Lắm đau ruột thừa cấp, trong rừng U Minh, lại giữa đêm khuya, tôi lấy xuồng ba lá, một mình chở Lắm vượt đường rừng nước cạn gần 30km đưa đến trạm quân y chữa trị.
Lần thứ hai, Lắm bị đau gan, bụng sưng to, tay chân teo tóp. Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt ngày đêm, tôi lại tìm cây cỏ thuốc nam, nấu sắc thuốc chữa trị cho Lắm hơn hai tháng và anh ta đã khỏi”.
Trong Kế hoạch CM12 diễn ra sau đó hàng chục năm trời, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cho biết, ngay từ khi xử lý tình huống ban đầu, ông đã nghĩ đến chuyện thu phục nhân tâm.
Hồ Việt Lắm kể phần nhiều người của cái gọi là Mặt trận Quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam là số phần tử trong chính quyền Sài Gòn (cũ) sống lưu vong; được các thế lực phản động quốc tế tiếp sức, chúng mở trại huấn luyện và đặt bản doanh ở nước ngoài.
Mưu đồ của chúng là xâm nhập về nước lập “Mật cứ kháng chiến”, tuyển mộ người, lập những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng ở một số tỉnh, thành để gây tiếng vang, đưa tổ chức ra hoạt động công khai, tiến tới lật đổ chế độ.
Sau khi toán biệt kích gián điệp “Minh Vương 1” xâm nhập bằng đường bộ về Việt Nam không đạt được mưu đồ, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đổi chiến thuật tung toán “Minh Vương 2”. Lần này, chúng cho đổ quân lên bờ biển tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau).
Đêm 15-5-1981, toán này xâm nhập vào vàm Bãi Ghe, thuộc vùng biển huyện Trần Văn Thời. Họp bàn phương án truy bắt toán biệt kích gián điệp xâm nhập, Hồ Việt lắm đề xuất phải bắt sống toàn bộ toán này, tuyệt đối không được nổ súng...
Tại cuộc họp tổ chức ở Hà Nội ngay sau khi toàn bộ toán “Minh Vương 2” bị bắt sống theo đúng phương án đề xuất vừa kể (riêng tên toán trưởng bị dân quân du kích xã bắn chết khi tên này chống cự), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Phạm Hùng đã khen ngợi Phó Trưởng Công an huyện Hồ Việt Lắm và cho rằng việc giữ được mạng sống cho điện báo viên và thu được điện đài chính là giữ được đường dây liên lạc giữa nhóm xâm nhập vào nội địa với “Tổng hành dinh” và nhất là với 2 tên đầu sỏ Túy – Hạnh khi chúng đang ở nước ngoài.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho ta “tương kế, tựu kế”, sử dụng “trò chơi nghiệp vụ” theo kế hoạch phản gián khá hoàn hảo với quyết tâm bắt đến tên cuối cùng trong tổ chức phản động này…
Bị khuất phục bởi tấm lòng nhân ái, bao dung của những cán bộ Công an như Hồ Việt Lắm, một số đối tượng, trong đó có K64 (tức Phạm Công Danh) đã xin được "lập công chuộc tội". Kết thúc Kế hoạch CM12, không chỉ được xóa tội mà K64 còn vinh dự được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì cùng nhiều Bằng khen của Bộ Công an...
Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Tiền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, cho rằng để có được chiến thắng ngoạn mục trong “ván cờ” mang tên CM12, ta cần phải có những “quân cờ” chiến lược, luồn sâu vào “ruột” của đối phương để nắm bắt ý đồ của địch, che mắt và điều khiển chúng phải đi theo lộ trình vạch sẵn của ta. Tám Thậm (tức Anh hùng LLVTND Trần Phương Thế, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, bấy giờ là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Minh Hải) và Mười Lắm đã được chọn vào vị trí đầy gay go ấy, với mật danh “NK.A1” và “NK.A2”. Mười Lắm mưu trí, khôn khéo, bản lĩnh và ngoan cường lắm nên đã hoàn thành “vai diễn” của mình một cách xuất sắc. Không phải chỉ tỉnh táo và sáng tạo trong nghiệp vụ đối với việc bắt sống toán “Minh Vương 2” - một khởi đầu rất quyết định của CM12, theo Đại tá Trần Phương Thế, công lao của NK.A2 là đã cảm hóa và thu phục được các đối tượng K27, K64, K59, K61,… giao cho họ thực hiện các mệnh lệnh, đúng theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ, khiến địch không thể nghi ngờ chiến thuật của ta. Tiếp đó, việc chọn “bãi đáp” cho các chuyến xâm nhập để dễ dàng vây bắt, cho đến việc chọn nơi làm căn cứ giả để đánh lừa Túy - Hạnh rõ ràng là một công trạng lớn của Mười Lắm. Ấy là chưa kể trong vai NK.A2, Mười Lắm đã có 17 lần trực tiếp đón, đưa 147 tên gián điệp, biệt kích vào trận địa phục sẵn của ta. Trong chiến dịch “Hồng Kông 3” vào mồng 7 Tết 1982, tên toán trưởng của biệt kích 47 tên được trang bị vũ khí tận răng, đã chĩa súng vào lưng Mười Lắm 3 lần để “đo thần kinh” thế nhưng ông vẫn không lộ chút băn khoăn nào… |
Tác giả: Binh Huyền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn