Lý Đại Bàng - người anh hùng “vô sản”23

Thứ sáu - 18/08/2017 21:31
Chỉ là một Đại tá công an bình thường, nhưng trong đám tang, có những người chưa từng gặp anh đã lặn lội hàng trăm km đến viếng và khóc đưa anh đi...


Chỉ là một Đại tá công an bình thường, nhưng trong đám tang, có những người chưa từng gặp anh đã lặn lội hàng trăm km đến viếng và khóc đưa anh đi... Tôi nghĩ đời một con người, có lẽ chỉ cần có thế!

Đám tang của một người anh hùng

Năm đó, khi tôi còn làm việc ở văn phòng Báo An ninh thế giới ở miền Nam thì nghe tin Đại tá Lý Đại Bàng đột ngột qua đời ở phòng làm việc.

Tôi vẫn nhớ buổi sáng đó, đã có một độc giả của Báo An ninh thế giới gọi điện lên tòa soạn. Bà chỉ kịp nói: "Xin cho tôi 5 phút để khóc Đại tá Bàng" rồi òa lên nức nở.

Vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái tin Lý Đại Bàng qua đời, có lẽ người phụ nữ ấy đã gọi điện đến bất cứ đâu mà bà nghĩ ra để trút nỗi niềm đó. Bà kể ngày hôm ấy bà đã nằng nặc bắt con trai đưa mình về tận Củ Chi, cách thành phố mấy chục cây số, chỉ để thắp nén nhang cuối cùng cho người anh hùng công an mà bà vừa biết ơn, vừa yêu kính.

Hai lần gia đình bà bị cướp xe máy, cả hai lần bà đều được "huyền thoại SBC" Lý Đại Bàng tìm lại và giao trả tận taỵ. Hai chiếc xe máy, có thể giá trị vật chất không quá lớn, nhưng những việc làm của Lý Đại Bàng khiến bà cảm kích từ tận đáy lòng. Nên nén nhang ấy, vòng hoa ấy, những giọt nước mắt ấy vừa là sự biết ơn chân thành, vừa là lòng ngưỡng mộ, vừa là nỗi đau trước sự ra đi của vị thủ lĩnh SBC một thời.

Ở thời mà tôi đang sống, thời mà người ta cứ nhìn thấy quan chức là nghĩ đến tham ô, thời mà cứ nói đến công an là sẽ nói đến cảnh sát giao thông nhận mãi lộ... thế nhưng riêng Lý Đại Bàng thì được đồng đội, bạn bè và dân yêu đến mến đến lạ lùng.

Hôm đám tang Lý Đại Bàng, tòa soạn giao tôi về nhà anh ở Củ Chi đưa tin bài. Tôi nghĩ trong đời mình chắc chắn không có mấy cơ hội chứng kiến một đám tang như thế...

Đám tang Lý Đại Bàng, có người phụ nữ bán hàng nước ở tận An Giang, gặp Lý Đại Bàng trong một lần anh đi đánh chuyên án và ngồi uống nước ở đó. Chỉ một lần, cách đây nhiều năm lắm rồi, nhưng cũng đã đủ khiến bà yêu quý và chẳng thể nào quên con người này. Bà cũng đã lặn lội lên Củ Chi, gặp gia đình Lý Đại Bàng, để thắp nén nhang vĩnh biệt tiếc thương anh.

Đám tang Lý Đại Bàng, có những người chưa từng gặp anh cũng lặn lội xa xôi đến Củ Chi, dù Lý Đại Bàng không phải quyền cao chức trọng, không ông to bà lớn.

Đám tang Lý Đại Bàng, không ít người sững sờ khi gặp gỡ người vợ tần tảo của anh. Đêm cuối cùng trước khi an táng chồng, chị vẫn giản dị trong bộ quần áo thôn dã, chân đi đất và mang từng ấm nước đến mỗi bàn khách viếng. Không ai nghĩ vợ của Lý Đại Bàng lại chân chất, mộc mạc đến thế. 

Nhưng những người bạn thân thiết với Lý Đại Bàng thì không hề ngạc nhiên về điều đó. Họ nói vợ Lý Đại Bàng giản dị đến vô cùng. Thời gian chị đi chân đất nhiều hơn đi dép. Dù là vợ của Trưởng phòng PC17, một người anh hùng, nhưng chị chọn cho mình một cuộc sống ẩn dật, thôn dã và làm hậu phương vững chắc cho chồng.

Trên mảnh đất Củ Chi, một tay chị quán xuyến gia đình, làm nương làm rẫy để chồng được yên tâm công tác. Có những khi bận đánh những chuyên án lớn, đến hàng tháng chồng mới về nhà một lần, chị cũng không hề kêu than.

Ít ai biết rằng, sau những ngày làm việc căng thẳng, hạnh phúc lớn nhất của Lý Đại Bàng là được phóng chiếc xe Wave về đất Củ Chi, cùng vợ nuôi con lợn, con gà hay làm lại mái nhà hỏng. Ở đó, hai vợ chồng anh chị đã sống một cuộc đời giản dị và liêm khiết như bao người nông dân Nam Bộ bình thường khác.

Đám tang Lý Đại Bàng, bạn bè thay nhau túc trực bên linh cữu anh, thay nhau kể những câu chuyện, những hồi ức về anh. Khi mệt quá, họ lấy chiếc võng được mang sẵn theo từ nhà mắc lên gốc cao su để lấy chỗ ngả lưng tạm thời. Họ nói, dù có mệt đến mấy, cũng cố để được ngủ cạnh Lý Đại Bàng một đêm cuối cùng trước khi anh về với đất mẹ. Đêm đó, ở trong nhà, khi Lý Đại Bàng đã yên giấc ngàn thu, thì ngoài kia, trên những chiếc võng móc quanh những gốc cao su, có rất nhiều bạn bè Lý Đại Bàng đang khóc.

Bạn bè Lý Đại Bàng trong đội SBC kể, đời Lý Đại Bàng có không ít lần mặt đối mặt với tử thần, như lần anh đi bắt cướp, bị 2 tên cướp rút súng bắn lại. Giữa đường phố chẳng có chỗ nấp, Lý Đại Bàng cứ đứng đó giữa làn đạn. Nhưng lạ lùng là bọn cướp bắn hết nguyên một băng đạn mà không hiểu sao Lý Đại Bàng chẳng hề hấn gì, cứ như là trời cao có mắt đỡ đạn cho anh vì biết anh là người tử tế. 

Trong đội SBC ngày đó, không ai nhiều lần cận kề với cái chết như Lý Đại Bàng. Nhưng anh vẫn sống, vẫn lành lặn, khỏe mạnh, vẫn tử tế và thiện lương. Những tưởng chẳng có gì có thể khuất phục con người này, thế mà cuối cùng Lý Đại Bàng lại ra đi vào cái lúc chẳng ai ngờ. Vì một lý do cứ như chẳng đáng là lý do với một người như anh.

Chiều hôm Lý Đại Bàng mất, anh còn kịp qua nhà chào má và đút cho má muỗng cháo mà chính anh cũng không biết là cuối cùng. Lý Đại Bàng dặn dò má: "Má ráng khỏe mạnh sống với chúng con lâu lâu nữa nha má".

Thế mà cuối cùng chính anh lại là người thất hứa!

“Chuyện tui làm, anh đừng hỏi…”

Anh trai Lý Đại Bàng, ông Lý Đại Hòa từng kể cho tôi nghe về tuổi thơ của người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lý Đại Bàng: "Gia đình tôi có 7 anh em, 4 trai, 3 gái. 2 người anh đầu đi kháng chiến cho tới ngày giải phóng. 

Người anh cả sau này cũng làm Trung úy trong Bộ Nội vụ (sau, là Bộ Công an) và hy sinh khi đang công tác ở Bình Phước. Tôi trước cũng tham gia kháng chiến, nhưng vì nhà không có ai coi sóc cha mẹ nên tôi về. Thằng Bàng vô ngành Công an cũng là từ sự dìu dắt của ông anh cả” - ông Hòa nói.

Theo lời ông Hòa, tên thật của Lý Đại Bàng là Lý Đại Bàn. Thuở nhỏ, Lý Đại Bàng hay bị đám con cái của sĩ quan chế độ cũ bắt nạt. Nhưng nhờ có sức khỏe và gan lỳ, cậu phản kháng lại và thắng cả đám nhóc đó. Nhiều lần như thế nên được gọi là “Đại Bàng”. 

Ông Hòa bồi hồi nhớ lại: “Bàng nó trung thực lắm, ít nói, đã nói là phải nói chính xác. Cái gì thấy nó mới tin. Nó giỏi nghề nông lắm, hồi nhỏ nó làm ruộng vườn hoài. Sau này khi làm công an rồi, hễ về nhà là nó lại làm vườn. Trẻ con, thanh niên trong xóm rất thích nó, thấy nó về là bu theo chơi. Trong xóm ai cũng thương nó, chỉ có bọn cướp là ghét nó thôi”.

Chuyện đánh án, bắt cướp của Lý Đại Bàng hấp dẫn như huyền thoại và hầu như ai cũng biết. Ông Hòa vẫn nhớ như in một lần bắt cướp rất li kì của người em trai. 

Ông kể: “Có một đêm, khoảng 1 - 2 giờ sáng, nó chạy chiếc xe 67 ngang qua nhà, bấm còi cho cả nhà biết rồi cứ thế chạy luôn, phía sau còn chở theo một người đàn ông. Sau này tôi mới biết là bữa đó Bàng chở phạm. Tên đó bị truy đuổi, liền trốn về Tây Ninh, Bàng lần theo, thấy nó trốn trong một rẫy mì. Trong rẫy có chòi, nhưng tên phạm không ngủ trong đó mà chui vào đống chà, là giàn cây le nhỏ dựng thành đống để dưa leo bò lên. Bàng lấy sức xô ngã cả đống chà đè lên tên phạm rồi xông vào vật lộn một hồi bắt sống được ngay trong đêm”.

Theo lời ông Hòa, Lý Đại Bàng thời còn ở nhà không hề học võ. Mãi khi vào ngành mới biết đến võ thuật. "Bàng tham gia vào ngành Công an lớp đầu tiên sau giải phóng. Có hôm nó về, cả nhà thấy nó để tóc dài chấm vai, không biết nó làm gì mà hỏi thì nó nói: “Chuyện tui làm, anh đừng hỏi”. 

Có người còn nói thấy thằng Bàng chạy xe ba gác, họ đồn đại lung tung, nói: “Không biết thằng Bàng đi làm công an hay đi ăn cướp...”. Thì ra nó để tóc dài nhằm ngụy trang. Mãi sau này, khi hay tin nó bắt cướp, người ta mới biết là nó làm công an hình sự”.

Lý Đại Bàng -  người anh hùng “vô sản”23

Sau ngày Lý Đại Bàng mất, bà Muôn mẹ anh cứ thấy ai nhắc đến con trai là khóc. Bà kể: "Ngày nó mất đến giờ ngày nào qua cũng nhớ nó. Nhớ lúc nó về thăm, nhớ lúc nó mua đồ ăn cho qua... Có đêm nằm ngủ mơ thấy nó rồi bật khóc, không ngủ được nữa. Sau ngày nó mất, bạn bè anh em cùng cơ quan thỉnh thoảng ghé thăm, mua quà, mua đồ ăn cho qua, qua lại nhớ về nó rồi khóc. Ba đứa con gái của nó một tuần về thăm bà nội một lần y như ba nó lúc còn sống vậy. Bàng nó hiếu thảo lắm, sống tình nghĩa đàng hoàng, anh ra anh, em ra em. 

Hồi xưa mỗi lần về thăm tôi, nó lại hỏi má còn đồ ăn không, còn tiền xài không. Cái ngày định mệnh ấy, nó về thăm tôi. Đó cũng là ngày giỗ của anh Hai nó. Nó ghé nhà chị Hai thắp hương rồi về để chiều lên cơ quan. Nó xịt nước lau nhà xong thì đòi đi. Tôi nói nó trưa rồi ở nhà ăn cơm, nghỉ ngơi rồi hãy đi. Nó nghe lời ra vườn hái hai trái xoài ăn. Ăn xong nó ngủ trên bộ ván. 2 giờ chiều nó dậy, đi tắm rồi nói với tôi lên cơ quan. Có ngờ đâu, chiều đó khi về cơ quan được một lúc thì nó ra đi...”.

Lúc còn sống, Lý Đại Bàng nổi tiếng là người con hiếu thảo. Ra ngoài có thể là anh hùng, là Đại tá công an ăn to nói lớn, nhưng về nhà anh là người con ngoan hiền, có hiếu với má.

Người dân Củ Chi ai cũng đều chứng kiến cứ mỗi cuối tuần phi xe máy từ thành phố về hay đầu tuần trước khi đi, Lý Đại Bàng đều qua chào má: "Thưa má ,con mới về", "thưa má, con đi, má ở nhà mạnh khỏe"...

Ông Lý Đại Hòa kể: "Má thương thằng Bàng nhất. Lúc người ta báo tin nó mất trên thành phố, tôi chẳng biết mở lời với má thế nào. Cứ chạy ra chạy vô, bóng gió đủ điều. Nhưng đến lúc chiếc xe chở em tôi về cách nhà 1km, chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành phải nói. Nói rất khẽ thôi, là má ơi, chú Bàng mất rồi. Má tôi không nói gì, chỉ khóc, đến lúc nhìn thấy thi hài em tôi thì má ngất lịm đi. Trước giờ, má tôi vẫn khỏe, má thích ngồi trong vườn, thanh thản nhổ từng ngọn cỏ. Nhưng sau ngày thằng Bàng mất, má yếu đi nhiều lắm. Cứ thi thoảng nhớ nó lại khóc, lại xỉu đi".

Lý Đại Bàng - người anh hùng "vô sản"

Những năm sau này, tôi còn quay lại nhà Lý Đại Bàng 3 lần. Một lần sau khi Lý Đại Bàng mới mất, một lần khi con gái đầu của anh đã lấy chồng, một lần khác khi tôi tiện việc đi qua đó và muốn ghé thăm nhà anh...

Tôi biết Lý Đại Bàng là Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhưng mà nghèo. Tuy vậy, đến thăm nhà anh, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng.

Nhà Lý Đại Bàng là căn nhà mái bằng giản dị, rặt thôn quê, không có đồ đạc gì giá trị ngoài ngô khoai sắn, nằm sâu trong con ngõ ngoằn nghèo cách xa trung tâm thị trấn Củ Chi.

Lý Đại Bàng -  người anh hùng “vô sản”23 - Ảnh minh hoạ 2
Vợ và con gái Đại tá Lý Đại Bàng bên những di vật cuối cùng của anh.

Hồi Lý Đại Bàng mới mất, tôi gặp vợ anh, chị khóc nấc lên vì không biết sau này sẽ nuôi hai con ăn học như nào nếu không có chồng bên cạnh!

Mỗi lần đi qua Củ Chi, vào thăm vợ Lý Đại Bàng, tôi đều gửi chị Rót chút tiền để làm quà cho cô bé út đang học trên thành phố.

Chẳng nhiều nhặn gì, nhưng tôi luôn hứa với chị đó là những đồng tiền trong sạch nhất; và tôi gửi chị đỡ đần nuôi con ăn học chỉ bởi vì sự yêu quý từ tận đáy lòng tôi dành cho Lý Đại Bàng, dù số tiền nhỏ nhoi đó chẳng giúp gì được chị, vì tôi biết một người phụ nữ với 3 cô con gái nương tựa vào nhau thì cuộc sống hẳn là lắm nỗi nhọc nhằn.

Gần chục năm sau khi Lý Đại Bàng qua đời, căn nhà của chị Rót vợ anh vẫn nguyên như thế: vẫn ngần ấy đồ đạc đã cũ dần qua năm tháng, vẫn đầy ngô ngoài sân, vẫn đàn gà chạy loăng quăng góc vườn... khoảnh sân đầy ngô đó, với đàn gà, ao cá, đã giúp chị nuôi con ăn học, gánh thêm phần trách nhiệm mà anh để lại...

Tôi hỏi chị, chị có trách anh vì để chị vất vả hay không? Chị cười bảo chị yêu và tự hào về anh. Chưa bao giờ chị mơ chồng mình phải là ông to bà lớn. Với chị, có được người chồng hiền lành, tử tế, yêu vợ thương con như anh là quá đủ để mãn nguyện. Chỉ tiếc nỗi vợ chồng anh chị không có cơ hội sống cùng nhau đến đầu bạc răng long...

Lý Đại Bàng -  người anh hùng “vô sản”23 - Ảnh minh hoạ 3
Mẹ và anh trai Đại tá Lý Đại Bàng.

Lúc qua đời đột ngột, Lý Đại Bàng chỉ để lại hơn 6 triệu tiền lương tháng cuối cùng, vài bộ quần áo và sự thương xót cho vợ con. Không ai có thể tin được trưởng phòng cảnh sát chống ma túy của thành phố lớn nhất cả nước lại nghèo đến thế.

Nhưng cuộc sống của Lý Đại Bàng giản dị như thế nào, người dân Củ Chi biết rõ hơn ai hết. Mỗi tháng, sau khi lĩnh lương, lo biếu mẹ một chút, phần còn lại nuôi 3 cô con gái học hành, phần thì lo đám xá, tiêu vặt, Anh hùng SBC hầu như không có tiền tích lũy.

Cuộc sống ở thành phố chật vật, lại là người sống liêm khiết nên số tiền lương hằng tháng, Lý Đại Bàng phải chi tiêu rất tằn tiện. 2 con gái anh sống trên thành phố cùng bố, để tiết kiệm, cứ cuối tuần về nhà, anh lại chất lên chiếc xe Wave nào gạo muối, nào rau quả, nào thịt cá mang lên thành phố ăn cả tuần vì cùng những món đồ đó ở Sài Gòn vô cùng đắt đỏ. Mấy chục năm phấn đấu sự nghiệp, mấy chục năm hi sinh vì đất nước, Lý Đại Bàng vẫn chẳng có gì.

Khi cô con gái lớn vừa mới đi làm, xin ba cái xe máy, anh cứ khất lần mãi vì chẳng có tiền. Trước khi qua đời mấy tháng, anh đã kịp mua cho con gái lớn cái xe máy như đã hứa sau khi lĩnh lương xong và vay thêm chút tiền của chị gái cùng vài triệu mà vợ anh góp vào. Anh vẫn thường nói với 3 cô con gái của mình rằng ba không giàu, chẳng để lại cho các con nhiều tiền bạc. Nhưng ba cho các con nền tảng tri thức, là hành trang lớn nhất để các con thành người.

Lý Đại Bàng còn để lại cho các con một tấm gương về cách sống, cách làm người. Khi còn sống, Đại tá Lý Đại Bàng được Nhà nước cấp cho một căn hộ. Điều kiện công tác và cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng anh mỗi người một nơi. Để tận dụng, Lý Đại Bàng cho người thuê. Ai dè mấy tháng sau đi công tác về, thấy người ta đã dọn đi, chẳng trả một đồng tiền nhà nào. Nhưng Lý Đại Bàng không nhớ dai mà quên ngay sau đó.

Lý Đại Bàng -  người anh hùng “vô sản”23 - Ảnh minh hoạ 4
Thu Trang nâng niu chiếc mũ kê-pi của người cha anh hùng trên đường ra nghĩa trang.

Mấy năm sau, gặp bà mẹ của đôi vợ chồng đã từng thuê nhà mình ngày đó đang bán mẹt hành tỏi ở ngoài chợ để nuôi 3 đứa cháu ngoại. Thấy Lý Đại Bàng, phụ nữ kia chạy đi, có ý tránh mặt. Lý Đại Bàng chạy theo, nói bác cứ về chỗ cũ bán hàng, không phải đi đâu cả.

Người phụ nữ kia ứa nước mắt nói, anh tốt với gia đình tôi quá mà con tôi cư xử không phải với anh, thế nên tôi chẳng mặt mũi đâu nhìn anh. Nghe hoàn cảnh bà ấy và mấy đứa cháu đáng thương quá, thế là có bao nhiêu tiền trong túi, Lý Đại Bàng dốc hết ra cho bà ấy rồi vui vẻ đi về. Cứ sống nhẹ tênh như thế nên Lý Đại Bàng chẳng giàu, nhưng có điều chắc chắn, anh sống rất hạnh phúc, thanh thản.

Có lần, mấy cô con gái ngồi ăn cơm, thấy quảng cáo ô tô trên ti vi liền trêu ba: “Ba ơi, bao giờ nhà mình mới có xe thế này để đi”. Lúc đó anh chỉ cười ngượng ngịu, nói ba nghèo, nên mấy đứa ráng chịu cực. Bao giờ lớn khôn, đi làm có nhiều tiền thì mua để đi”.

Vợ con Lý Đại Bàng chưa bao giờ trách anh vì anh không làm ra nhiều tiền. Bởi với gia đình, Lý Đại Bàng luôn là một người chồng, một người cha tuyệt vời. Mỗi lần Lý Đại Bàng về nhà, thấy ba xách cần câu đi câu cá, là con gái út của anh thường chạy theo. Thấy ba xách cuốc đi trồng cây, con gái út cũng chạy theo phụ anh rồi lau mồ hôi cho anh khi anh mệt. Cô con gái út yêu ba, trong đám tang của anh đã hứa sẽ sống xứng đáng là con của ba Bàng.

Còn nhớ trong đám tang đó, em đã rất cứng rắn. Nhưng không ai biết rằng sau đó, khi không còn đông người xung quanh, em không ngừng khóc vì nhớ ba. Cô bé 16 tuổi mồ côi cha cứ khóc mãi khi đó vì “hai chị đều được ba đưa đi thi đại học, sau này đến lượt em sẽ chẳng còn được như thế nữa”.

Nhưng 3 cô gái ấy đã lớn lên, như tôi biết, đúng như những gì Lý Đại Bàng ước nguyện: Dù mất ba, dù cuộc sống chật vật, nhưng luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh, rất giỏi giang và cương trực, nhờ dòng máu và niềm tự hào mà người cha anh hùng để lại.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lý Đại Bàng, sinh ngày 19-9-1960 tại Củ Chi. Vào ngành Công an năm 1977. Từ năm 1978-1986 từ một trinh sát trẻ, ông nhanh chóng trở thành Đội trưởng Săn bắt cướp khi mới 24 tuổi, trực tiếp phá án gần 200 vụ án hình sự, phá vỡ trên 300 băng đảng, trực tiếp bắt giữ trên 400 tên tội phạm hung hãn và phối hợp với đồng đội bắt giữ gần 250 tên tội phạm khác. Tên tuổi của ông được giới tội phạm hình sự kiêng dè và người dân kính phục. 

Ông cùng với Dương Minh Ngọc được xem là 2 trinh sát Săn bắt cướp nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Năm 2005, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông bị đột tử tại phòng làm việc ngày 9-4-2010.

Thảo Nguyên

Nguồn tin: antgct.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây