“Hầu hết bà con Khmer đều theo Phật giáo Nam Tông và rất tôn kính các vị sư. Từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, sinh hoạt tôn giáo của họ đều gắn liền với ngôi chùa. Bởi vậy, để hiểu được bà con thì cứ đến chùa”, Thượng tá Trần Văn Bé chia sẻ.
“Toàn tỉnh Trà Vinh có 142 ngôi chùa Khmer thì Trà Cú có 37 ngôi, nhiều nhất so với các huyện còn lại. Hàng tháng, phật tử Khmer tập trung đến chùa vào các ngày mùng 8, 15, 23 và 30 để cầu an và tưởng niệm, dâng hương cho ông bà. Tôi thường xuyên đến chùa để trao đổi với các vị sư và Ban quản trị chùa về tình tình ANTT ở địa phương. Công việc của tôi thuận lợi hơn nhiều anh em khác do tôi mang hai dòng máu Kinh và Khmer”, Thượng tá Trần Văn Bé chia sẻ.
Không phải chỉ truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, người cán bộ Công an ấy còn tranh thủ tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với bà con Khmer nghèo.
Thượng tá Trần Văn Bé thường xuyên gặp gỡ với các vị chức sắc ở địa phương. |
Bà con vẫn thường thấy anh không ngại nắng, mưa đi vận động tặng những phần quà thiết thực cho bà con nghèo, nhất là các em học sinh sắp đến năm học mới mà còn thiếu thốn dụng cụ học tập, xe đạp đến trường. Anh lặng lẽ làm bằng cái tâm thương yêu và muốn chia sẻ trước những khó khăn của đồng bào.
Càng tiếp xúc, người dân nơi đây càng quý mến và đặt nhiều niềm tin vào người cán bộ này. Không phải chuyện liên quan đến bình yên phum sóc, cả những băn khoăn trong cuộc sống họ cũng trải lòng cùng anh.
Nhiều vị chức sắc và phật tử Khmer ở huyện Trà Cú kể luôn dành sự tin yêu cho Thượng tá Trần Văn Bé bởi họ hiểu anh nỗ lực làm tất cả những việc ấy không phải để cho riêng cá nhân ông mà vì lợi ích chung của xã hội, vì sự bình yên ở từng khóm, ấp.
Sư cả Giang Thanh, trụ trì chùa Bảy Xào Giữa (xã Kim Sơn), Thư ký Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trà Cú cho rằng chính do cán bộ Trần Văn Bé vui vẻ, gần gũi, nhiệt tình, đối xử khéo léo,hòa đồng, không phân biệt chức việc trong tôn giáo nên anh có uy tín và là nhịp cầu nối về sự đoàn kết giữa các sư trong chùa và giữa các chùa trong huyện.
Thượng tá Trần Văn Bé luôn chia sẻ kinh nghiệm của mình với anh em đồng nghiệp rằng chỉ cần một bất ổn dù là nhỏ trong nhân dân, trong phật tử hay trong việc điều hành, quản lý của các vị chức sắc tôn giáo thì các đối tượng xấu cũng có thể lợi dụng để kích động, làm phức tạp tình hình ANTT.
Do vậy, với từng vấn đề nảy sinh, cần tìm hiểu cặn kẽ ngọn nguồn, lắng nghe ý kiến của các vị chức sắc, nguyện vọng của phật tử để cùng tìm cách tháo gỡ một cách phù hợp, thấu tình đạt lý.
Thượng tá Trần Văn Bé nhớ lại việc một tu sỹ đi tu học trái phép ở nước ngoài về địa phương tự ý thành lập hội khuyến học trong chùa với lý do vận động nguồn quỹ hỗ trợ cho học sinh, tăng sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương nhưng thực chất là để khuếch trương thanh thế và nhận tiền từ các tổ chức phản động bên ngoài phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Nắm bắt được ý đồ này, ông kịp thời giải thích để sư cả và ban quản trị chùa hiểu rõ Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện có nguồn vốn và thực tế đã có nhiều hoạt động giúp đỡ cho tăng sinh, học sinh ở địa phương nên không cần thiết phải thành lập hội này. Và ý kiến của ông đã được các vị chức sắc trong chùa ủng hộ.
“Niềm tin của quần chúng, của các vị chức sắc, sư sãi và bà con phật tử Khmer vào lực lượng Công an luôn là yếu tố quan trọng giúp lực lượng Công an địa phươngnói chung giải quyết hiệu quả những vấn đề về ANTT, góp phần mang lại sự bình yên ở từng khóm, ấp”, Thượng tá Trần Văn Bé chia sẻ thêm.
Tác giả: Minh Tuyền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn